.

Nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Cập nhật: 10:25, 13/03/2020 (GMT+7)

Hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam (15-3) năm 2020 với chủ đề “Bảo vệ NTD trong thương mại điện tử (TMĐT)”, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng; đồng thời, đề ra nhiều biện pháp bảo vệ NTD. Để hiểu rõ hơn về các hoạt động này, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Ngô Văn Tuấn cho biết:

NTD cần cẩn trọng khi mua sắm hàng trên mạng.
NTD cần cẩn trọng khi mua sắm hàng trên mạng.

Các hoạt động hưởng ứng sẽ được tổ chức như: Treo băng rôn, khẩu hiệu và thực hiện các hoạt động tuyên truyền mục đích, ý nghĩa Ngày Quyền của NTD Việt Nam, kêu gọi toàn xã hội chung tay bảo vệ quyền lợi NTD tại các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; cơ sở sản xuất, kinh doanh; các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh. Hội cũng tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hội còn phối hợp với Đoàn Thanh niên, Ban An toàn giao thông tỉnh, Công ty Xăng dầu Hồng Đức tổ chức cổ động bằng xe máy trên các trục đường nội ô TP. Mỹ Tho; đến các chợ, trung tâm thương mại phát tờ bướm tuyên truyền kêu gọi toàn xã hội chung tay bảo vệ quyền lợi NTD; đồng thời, kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông. Hội còn vận động Viettel Tiền Giang treo 50 băng rôn hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam tại các trục đường chính và cổng vào các chợ trọng điểm trong toàn tỉnh.

Hiện nay, Hội đã gửi thư ngỏ kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm nay bằng các hình thức như: Treo băng rôn; khẩu hiệu; tổ chức các chương trình, hoạt động tri ân NTD; hỗ trợ bảo hành hàng hóa, sản phẩm; hỗ trợ, tư vấn sử dụng sản phẩm an toàn tiết kiệm; thực hiện chương trình tuần lễ khuyến mãi, giảm giá...

* Phóng viên (PV): Chủ đề năm nay là “Bảo vệ NTD trong TMĐT”, vậy khi tham gia TMĐT, NTD gặp phải rủi ro gì cần phải bảo vệ?

* Đồng chí Ngô Văn Tuấn: Lợi ích lớn nhất của TMĐT là tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch do không giới hạn không gian địa lý. Với NTD, TMĐT mang lại nhiều thuận lợi như: Nhanh chóng, dễ dàng tiếp cận thông tin, dễ dàng so sánh giá cả. Họ ngồi tại nhà có thể đặt hàng, mua sắm nhiều loại hàng hóa, dịch vụ một cách nhanh chóng.

Ngoài những lợi ích TMĐT mang lại, NTD đối mặt với nhiều rủi ro, có thể trở thành nạn nhân trong nhiều trường hợp, cụ thể như: Hàng nhận được không giống với quảng cáo; thông tin sai về xuất xứ hàng hóa; thông tin sai về giá cả... Người mua hàng online còn có thể gặp phải tình huống người bán không cung cấp hóa đơn; giao thiếu hàng khuyến mãi; giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại; giao hàng chậm; hủy đơn hàng không lý do...

Chưa kể, mua sắm trực tuyến không thể thiếu dịch vụ chuyển phát. Trong một số trường hợp, NTD sẽ gặp rủi ro về thời gian giao hàng; hàng nhận được bị vỡ, hỏng; mất hàng do chỉ được mở xem hàng sau khi đã thanh toán. Thực tế, nhiều NTD khiếu nại nhận hàng bị vỡ hoặc hư hỏng nhưng tổ chức, cá nhân từ chối hoặc đổ lỗi cho NTD hoặc đơn vị vận chuyển. Đặc biệt, người mua hàng qua mạng xã hội còn có thể gặp các rủi ro từ các tổ chức, cá nhân lừa đảo.

* PV: Hội có biện pháp gì để bảo vệ NTD trong TMĐT?

* Đồng chí Ngô Văn Tuấn: Hội tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân hiểu lợi ích của TMĐT và những rủi ro mà NTD có thể gặp phải khi mua sắm trực tuyến để tự bảo vệ mình, tránh bị xâm hại. Trường hợp khi NTD không may bị lừa khi giao dịch qua các trang mạng xã hội, Hội có giải pháp bảo bệ NTD bằng cách:

Ngày 10-7-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1035 về Ngày Quyền của NTD Việt Nam, theo đó lấy ngày 15-3 hằng năm là Ngày Quyền của NTD Việt Nam. Việc công nhận ngày 15-3 hằng năm là Ngày Quyền của NTD Việt Nam hết sức cần thiết, góp phần thực thi các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, khẳng định rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi NTD trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

CHỦ TỊCH HỘI BẢO VỆ QUYỀN LỢI NTD TỈNH NGÔ VĂN TUẤN

Hội đã ký Kế hoạch phối hợp với Bưu điện tỉnh Tiền Giang để giải quyết các trường hợp NTD bị lừa đảo, bị thiệt hại. Cụ thể, nếu NTD cung cấp đầy đủ bằng chứng chứng minh có gian lận trong quá trình giao dịch gây thiệt hại cho NTD, Hội cùng với Bưu cục phát lập biên bản ghi nhận sự việc, tạm ngưng chuyển tiền và chuyển hoàn bưu phẩm về bưu cục gốc để xác minh, làm rõ, buộc người gửi xác nhận giao không đúng hàng để Bưu cục phát hoàn lại tiền cho NTD. Đáng mừng là đến nay, tất cả các trường hợp Hội lập biên bản thì NTD đều được nhận lại tiền.

Thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho mọi người biết được bản chất của TMĐT và các rủi ro khi mua sắm trực tuyến để chủ động phòng ngừa. Đồng thời, liên hệ và ký kế hoạch phối hợp với Chi nhánh Bưu chính Viettel Tiền Giang cũng như các công ty hoạt động trong lĩnh vực bưu phát để phối hợp giải quyết các trường hợp gian lận thương mai khi mua sắm trực tuyến, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho NTD.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD, thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi NTD; hướng dẫn người dân nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng nhái khi lựa chọn hàng hóa, dịch vụ cũng như các biện pháp để tự bảo vệ mình trong trường hợp bị xâm hại quyền lợi.

Hiện nay, Hội có 2.255 hội viên chính thức với 6 tiểu ban. Ngoài Văn phòng Tư vấn tiêu dùng và giải quyết khiếu nại đặt tại Tỉnh hội, Hội đã thành lập được 155 tổ hòa giải đặt tại các chợ trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết nhanh, kịp thời các khiếu nại, thắc mắc của NTD. Hiện nay, đã có 11/11 Hội Bảo vệ quyền lợi NTD huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh.

* PV:  Hội có khuyến cáo gì đối với NDT khi mua sắm trực tuyến?

* Đồng chí Ngô Văn Tuấn: Để hình thức mua sắm trực tuyến mang lại tiện ích, bên cạnh nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, NTD cần chủ động tìm hiểu kỹ về hình thức mua sắm này.

Hội khuyến cáo: NTD nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận…; tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ trước khi mua như tìm kiếm thông tin về sản phẩm, dịch vụ trên Internet như: Nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá về sản phẩm, dịch vụ nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng.

Ngoài ra, NTD cần cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như: Họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh… Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin NTD trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho NTD hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của NTD. NTD cũng cần cảnh giác với những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo sản phẩm, dịch vụ với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn, yêu cầu NTD phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình.

NTD cũng cần cảnh giác với việc trúng thưởng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của công ty. Theo đó, phiếu mua hàng thường có giá trị nhỏ hơn giá trị sản phẩm, NTD phải chi thêm một khoản tiền nữa. Tuy nhiên, khi nhận hàng thì sản phẩm thường có giá trị thấp hơn so với khoản tiền NTD đã bỏ ra. NTD cần tìm hiểu kỹ trước khi đóng thuế, phí để được nhận sản phẩm trúng thưởng...

Hiện nay, một số công ty tài chính liên kết với công ty tư vấn dịch vụ kết nối. Dù NTD không vay nợ nhưng liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin để quấy rối, đe dọa, ép buộc trả nợ; sử dụng hình ảnh, thông tin liên hệ của NTD, của người thân NTD để đăng tải công khai trên các mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây áp lực buộc NTD trả nợ.

Hội khuyến cáo, người dân cần thực hiện giao dịch vay tại các công ty tài chính, ngân hàng đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực cho vay bởi Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp cần thiết khi thực hiện vay tại các mô hình cho vay trực tuyến, người dân nên lựa chọn các công ty có website cụ thể, thông tin rõ ràng, đầy đủ.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

LÝ OANH (thực hiện)

.
.
.