Thứ Hai, 06/04/2020, 09:06 (GMT+7)
.
GIÁM ĐỐC SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TRẦN VĂN DŨNG:

Người dân cần kiểm chứng thông tin về dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trong khi các cấp, ngành, địa phương nỗ lực “chống dịch như chống giặc”, thì cuộc chiến dập dịch tin đồn, tin giả trên không gian mạng cũng quyết liệt không kém.

Thời gian qua, ngoài kênh truyền thông chính thống, người dân theo dõi khá sát các trang mạng xã hội (MXH) để cập nhật thông tin về dịch bệnh. Chính vì vậy, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã không bỏ trống “trận địa” MXH để đưa thông tin chính xác, kịp thời, góp phần chung tay trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

* Phóng viên (PV): Hiện thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 đang được liên tục cập nhật trên MXH. Vậy Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã có kế hoạch gì để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng khi tham gia môi trường mạng?

Đồng chí Trần Văn Dũng


* Đồng chí Trần Văn Dũng: Sở TT-TT đã phát huy lợi thế của MXH trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, Sở đã thành lập Fanpage “Tiền Giang phòng, chống Covid-19” để cập nhật thông tin chỉ đạo của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch, diễn biến tình hình dịch bệnh; tình hình tại cơ sở cách ly trên địa bàn; tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Cùng với Fanpage “Tiền Giang phòng, chống Covid-19”, thời gian qua các Fanpage của các ban, ngành, địa phương như: Đất và người phương Nam, Ấp Bắc anh hùng, Mỹ Tho trên đường phát triển, Đất và người Chợ Gạo, Gò Công Tây quê hương tôi, Gò Công quê tôi, Sông Tiền, Cai Lậy trên đường phát triển… đã hoạt động tích cực, cập nhật thường xuyên, kịp thời diễn biến dịch bệnh Covid-19 của thế giới, của Việt Nam và của tỉnh; đặc biệt là những thông tin về các trường hợp của tỉnh liên quan đến bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19; công tác khoanh vùng, cách ly… từ các cơ quan chức năng để người dân nắm được.

Các thông tin trên Fanpage được lựa chọn, biên tập từ các nguồn thông tin chính thống của Chính phủ, tỉnh và ngành Y tế về tình hình dịch bệnh, trích dẫn đính chính thông tin và những khuyến cáo về cách phòng ngừa Covid-19 của Bộ Y tế bằng nhiều hình thức đa dạng. Bên cạnh đó, khi MXH xuất hiện những thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận xã hội, các Fanpage trên đã trích dẫn thông tin từ nguồn chính thống để phản bác những thông tin sai sự thật.

Với sức hút của MXH, người dân có nhu cầu tìm kiếm thông tin qua kênh này rất cao, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Những ngày qua, trên MXH đã xuất hiện nhiều thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng về dịch bệnh Covid-19 gây hoang mang dư luận.

Theo đồng chí Trần Văn Dũng, tình trạng đưa tin sai sự thật, tin giả trên MXH không còn xa lạ ở Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ những tháng cuối năm 2019 đến nay, có rất nhiều trường hợp cá nhân tung tin sai lệch về dịch bệnh trên môi trường mạng. Riêng tại tỉnh ghi nhận 4 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp áp dụng xử phạt vi phạm đưa tin sai sự thật.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc nhận diện thông tin xấu độc và ngăn chặn hành vi đăng tải thông tin sai sự thật. Chúng tôi khuyến cáo người dân khi đọc thông tin trên MXH hãy khoan vội: Thích (like), chia sẻ (share) và bình luận (comment).

Người dân nên tìm hiểu thông tin trên báo chí chính thống để tham chiếu, so sánh với thông tin đọc trên MXH. Các bước kiểm chứng thông tin thật/giả bất kỳ người dùng MXH có thể vận dụng: Kiểm tra nguồn của bài biết; kiểm chứng các nguồn có liên quan; phân tích tiêu đề của bài viết; kiểm tra về thời gian đăng tải bài viết; kiểm tra về tác giả; hỏi thêm ý kiến của người thân, bạn bè mà bạn tin tưởng và suy nghĩ xem thông tin này có phải là trò đùa? 

Ngoài ra, việc nâng cao ý thức cộng đồng khi sử dụng MXH đòi hỏi các cơ quan báo chí địa phương và thường trú chung tay vào cuộc. Trang fanpage của Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang, Báo Ấp Bắc hoạt động khá tích cực, thông tin về dịch bệnh Covid-19 được chuyển tải kịp thời, đã góp phần định hướng dư luận MXH trước những sự kiện mang tính thời sự đặc biệt, những thông tin nhạy cảm.

Thời đại thông tin số, Tiền Giang có trên 72% dân số dùng Internet, đa số dùng các dịch vụ băng thông rộng, di động 3G/4G, wifi cho các thiết bị cầm tay rất tiện lợi để cập nhật nhanh về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh và quốc gia, cùng rất nhiều các khuyến cáo, hướng dẫn phòng, chống dịch.

Người dân nên cài đặt sẵn các phần mềm trên thiết bị di động (còn gọi Mobi App), qua đó người dân nên khai báo sức khỏe của mình, các thành viên gia đình mình với cơ quan y tế qua các công cụ mobi app có tên NCOVI (Bộ TT-TT) hoặc trang web suckhoetoandan.vn, tokhaiyte.vn.

Đồng thời, khi phát hiện các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm hay cần phản ánh điều gì, người dân có thể phản ánh qua các công cụ trên qua các thiết bị di động rất hữu hiệu. Người dân nên dùng các ứng dụng này thay vì dùng các MXH với nhiều thông tin chưa kiểm chứng, dễ mắc phải các sai lầm đáng tiếc.

* PV: Vừa qua, cộng đồng mạng liên tục lên án, “ném đá” trường hợp bệnh nhân Covid-19 số 17 và 34, đó là một ví dụ. Sở TT-TT có định hướng về việc ứng xử trên MXH như thế nào cho phù hợp trước tình hình dịch bệnh Covid-19?

* Đồng chí Trần Văn Dũng: Việc ứng xử trên MXH chưa có quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Chúng ta đang hướng đến xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng MXH, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH là rất cần thiết với tình hình hiện nay.

MXH dù là một diễn đàn, sân chơi lớn, đa dạng, mức độ tự do cao nhưng phải chịu sự quản lý của các quốc gia. Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua tháng 6-2018 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 quy định nghiêm cấm các hành vi sử dụng không gian mạng để vi phạm pháp luật; Nghị định 15 ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, có hiệu lực từ ngày 15-4-2020. Người dùng MXH phải tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực của văn hóa giao tiếp chung, thể hiện quan điểm, thái độ và hành vi phù hợp với luật pháp hiện hành.

Người dân cần có thái độ ứng xử tích cực, nhân văn trên môi trường MXH, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, khuyến khích người dân chia sẻ thông tin, hình ảnh chính thống từ cơ quan báo chí, Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ Y tế, nguồn tin chính thống từ các fanpage đã nêu trên.

Bên cạnh việc chia sẻ thông tin tích cực, người dân nên tránh đăng status, bài viết thể hiện ý kiến cá nhân trước tình hình dịch bệnh trong khi chính bản thân vẫn chưa rõ thực hư, đúng sai. Điều này dễ gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không tốt tình hình an ninh trật tự xã hội. Người dân cần tự chủ bản thân, có trách nhiệm với lời nói và hành vi trên MXH, bởi MXH là ảo nhưng mang hậu quả thật; chia sẻ thông tin, thông điệp tích cực trên MXH góp phần đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật và lành mạnh hóa thông tin trên môi trường mạng.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

MINH THÀNH (thực hiện)

.
.
.