Thứ Tư, 08/04/2020, 09:09 (GMT+7)
.
Nghỉ học ứng phó dịch bệnh Covid-19:

Những thông tin giáo dục đáng quan tâm

Có thể nói, kỳ nghỉ học dài của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) để phòng, chống dịch bệnh Covid-19  đã khiến không ít phụ huynh và học sinh lo lắng về việc học tập, kiểm tra đánh giá cũng như các kỳ thi lớn sẽ diễn ra như thế nào, ôn thi ra sao sau khi trở lại trường.

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố nội dung tinh giản chương trình học học kỳ II, năm học 2019 - 2020 và công bố đề thi minh họa trung học phổ thông (THPT) Quốc gia năm nay. Ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ triển khai đến các đơn vị ra sao? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn.

* PV: Đồng chí có nhận xét gì về chủ trương tinh giản chương trình học của Bộ GD-ĐT. Trên cơ sở đó, ngành GD-ĐT Tiền Giang triển khai ra sao đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh?

 

* Đồng chí Nguyễn Phương Toàn: Trước hết, phải khẳng định rằng, chủ trương tinh giản chương trình học của Bộ GD-ĐT trong thời điểm cả nước đang cố gắng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là rất hợp lý, nhận được sự đồng tình, đánh giá cao từ dư luận.

Theo đó, việc tinh giản chương trình sẽ có 2 hướng cơ bản: Các nội dung tự đọc, tự học sẽ không tổ chức dạy và nhóm nội dung sẽ tích hợp các chủ đề bài học có nội dung tương tự lại với nhau.

Ngay sau khi nhận được hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, ngành GD-ĐT Tiền Giang đã triển khai nội dung này đến các đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh, để trên cơ sở đó có thể tổ chức xây dựng chương trình học kỳ II một cách khoa học, hợp lý.

* PV: Thực hiện tinh giản chương trình có ảnh hưởng đến việc kiểm tra, đánh giá, thi cử không, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Phương Toàn: Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, việc kiểm tra, đánh giá học sinh sau khi đi học trở lại vẫn cơ bản thực hiện theo đúng quy chế. Theo đó, bậc tiểu học sẽ thực hiện theo hướng dẫn Thông tư 30 và 32, bậc trung học sẽ thực hiện theo hướng dẫn Thông tư 58. Các phần mà Bộ GD-ĐT có hướng dẫn giảm tải như không học, không dạy hoặc tự học thì sẽ không ra trong đề kiểm tra hoặc đề thi. Tuy nhiên, có một lưu ý khá quan trọng là phần tự học có hướng dẫn vẫn có thể ra trong đề thi, đề kiểm tra.

* PV: Đối với học sinh cuối cấp, đặc biệt là học sinh lớp 9 và lớp 12 phải tham gia các kỳ thi lớn, Sở GD-ĐT có những thông tin cũng như những lưu ý gì trong việc ôn tập cho học sinh?

* Đồng chí Nguyễn Phương Toàn: Đối với khối 12, sau khi Bộ GD-ĐT công bố khối kiến thức tinh giản và đề thi minh họa, theo đánh giá ban đầu, mức độ khó rơi trong đề thi minh họa là tương đối ít, chủ yếu là kiến thức cơ bản nằm trong chương trình học kỳ I của lớp 12, phần kiến thức lớp 11 khá ít.

Chính vì vậy, ngay từ bây giờ (khi chưa đi học), học sinh cần tập trung ôn thật kỹ các kiến thức  cơ bản trong sách giáo khoa, tham gia ôn tập trực tuyến với các giáo viên bộ môn và đặc biệt là rèn luyện kỹ năng giải các đề thi. Tuy được đánh giá mức độ trong đề thi minh họa là tương đối dễ nhưng học sinh cũng không nên quá chủ quan, lơ là, mà phải tuân theo hướng dẫn của giáo viên bộ môn.

Đối với học sinh lớp 9, các em nên tham gia các lớp ôn tập trên đài truyền hình mà Sở GD-ĐT đang triển khai ở 3 bộ môn: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Các thầy cô là giáo viên cốt cán của tỉnh sẽ ôn tập các kiến thức quan trọng theo chủ đề, các kỹ năng cần thiết để các em có thể thực hiện tốt các bài tập cũng như rèn luyện các kỹ năng giải đề thi.

Ngay sau khi đi học trở lại, Sở GD-ĐT sẽ xin ý kiến của UBND tỉnh về thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10, năm học 2020 - 2021, thông tin rộng rãi đến phụ huynh và học sinh.

* PV: Đồng chí đánh giá về việc triển khai cho học sinh học trực tuyến và ôn tập trên truyền hình thời gian qua?

* Đồng chí Nguyễn Phương Toàn: Ngay sau khi nghỉ học, ngành GD-ĐT đã tổ chức cho học sinh lớp 12 học trực tuyến qua mạng, học sinh lớp 9 ôn tập qua truyền hình, còn đối với các khối lớp còn lại chủ yếu là giao nhiệm vụ bài tập qua mạng.

Qua đánh giá, đối với học sinh ở thành thị, các em tham gia rất tốt và đầy đủ; riêng đối với học sinh ở vùng sâu, vùng xa do hạn chế phương tiện, thiết bị kỹ thuật nên chỉ khoảng 70% các em tham gia.

Chủ trương chung của toàn ngành Giáo dục tỉnh nhà là việc học qua mạng, qua truyền hình để ôn tập cho học sinh, hoàn toàn không dạy kiến thức mới. Mọi hoạt động dạy bài mới, kiểm tra, đánh giá, thi cử sẽ được thực hiện sau khi học sinh đi học trở lại. Chính vì vậy, phụ huynh và học sinh hãy yên tâm về vấn đề này.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

ĐỖ PHI (thực hiện)

.
.
.