Tổ chức dạy các môn học lớp 1 ổn định và nền nếp
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1 năm học 2020 - 2021, tại Tiền Giang có khoảng 77% các trường lựa chọn bộ sách “Cánh Diều” để giảng dạy.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều nguồn dư luận cho rằng bộ sách “Cánh Diều” có nhiều “hạt sạn” và sẽ được chỉnh sửa trong thời gian tới. Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang Huỳnh Thị Phượng cho biết:
Năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên ngành GD-ĐT triển khai chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 32 ngày 26-12-2018 của Bộ GD-ĐT (chương trình giáo dục phổ thông 2018) đối với lớp 1; thực hiện các nội dung theo Nghị quyết 88 ngày 28-11-2014 của Quốc hội, Chỉ thị 16 ngày 18-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng lộ trình.
* Phóng viên (PV): Thời gian gần đây, dư luận xã hội cũng như giới truyền thông đã có phản ánh về những“hạt sạn” trong bộ sách “Cánh Diều”, còn ở Tiền Giang thì như thế nào, thưa đồng chí?
* Đồng chí Huỳnh Thị Phượng: Qua thăm dò, trao đổi, lấy ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh tại một số trường phổ thông có lớp tiểu học tổ chức thực hiện bộ sách “Cánh Diều” (Tiếng Việt lớp 1) và đến thời điểm hiện tại, Sở GD-ĐT chưa nhận được ý kiến phản hồi về nội dung và phương pháp dạy học của các đối tượng nêu trên. Mọi hoạt động giảng dạy và học tập của học sinh lớp 1 đều diễn ra hoàn toàn bình thường.
Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT tiếp tục thăm dò, lấy ý kiến các địa phương trên địa bàn tỉnh để có biện pháp khắc phục, điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời. Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở cũng đang hướng dẫn giáo viên dạy lớp 1 thực hiện phiếu khảo sát bằng hình thức online.
* PV: Đồng chí có thể cho biết, ngành GD-ĐT Tiền Giang đã có những hướng dẫn như thế nào cho giáo viên về các bài học trong bộ sách “Cánh Diều” để phù hợp với tình hình địa phương?
Ở trường học, giáo viên là người hướng dẫn học sinh lớp 1 thực hiện tốt việc học. |
* Đồng chí Huỳnh Thị Phượng: Trước sự phản ánh của dư luận xã hội về sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách “Cánh Diều” (do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã có Công văn 1545 ngày 12-10-2020 hướng dẫn các cơ sở giáo dục tiểu học tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt đối với lớp 1, cụ thể như sau:
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, tình hình học tập của học sinh, nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo hướng mở. Qua đó, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.
Tổ chức rà soát tài liệu giảng dạy (sách giáo khoa), giao quyền chủ động cho nhà trường, cho giáo viên trong việc điều chỉnh nội dung dạy học, câu từ hợp lý, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương cũng như với từng nhóm đối tượng học sinh để tổ chức dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục tiểu học, đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng dẫn tại Công văn 1315 ngày 16-4-2020 của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình.
Tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình (phần dự giờ chủ yếu để hỗ trợ, không xếp loại tiết dạy của giáo viên); chủ động phối hợp và tham mưu với Sở GD-ĐT trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp.
* PV: Ngành GD-ĐT sẽ làm gì để phụ huynh cũng như học sinh an tâm về triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như sử dụng bộ sách “Cánh Diều”, thưa đồng chí?
* Đồng chí Huỳnh Thị Phượng: Việc tổ chức dạy học các môn học của lớp 1 (tất cả các bộ sách được địa phương lựa chọn) hiện nay, đối với tỉnh Tiền Giang đang được ổn định và đi vào nền nếp.
Tuy nhiên, trước dư luận xã hội và nỗi băn khoăn của phụ huynh, giáo viên về bộ sách “Cánh Diều” được đăng tải trên các kênh thông tin, Sở GD-ĐT đã có những giải pháp để giúp giáo viên, nhà trường và phụ huynh yên tâm như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt là việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông đến tận người dân; thường xuyên phối hợp với các nhà xuất bản, các tác giả viết sách giáo khoa để kịp thời hỗ trợ nhà trường và giáo viên khắc phục những khó khăn trong quá trình sử dụng sách giáo khoa; các cấp lãnh đạo hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên để tổ chức dạy học căn cứ vào trình độ học sinh, vào mục tiêu của hoạt động dạy học đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Sở GD-ĐT thường xuyên nắm bắt thông tin phản biện, góp ý về sách giáo khoa tại các địa phương để có phương án xử lý, giải thích, hỗ trợ và truyền thông kịp thời, đúng thẩm quyền với tinh thần cầu thị, lắng nghe để tổng hợp; đề nghị Bộ GD-ĐT chỉnh sửa theo quy định (vì tại Điều 9 của Thông tư 33/2017 cho phép điều chỉnh sách giáo khoa trong quá trình thực hiện) để các giáo viên, cha mẹ học sinh, cộng đồng xã hội hiểu đúng bản chất sự việc và đồng thuận chia sẻ.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
ĐỖ PHI (thực hiện)