Ngày xuân - Bếp ấm - Nhà an
PGS.TS Phạm Lan Oanh - Viện Phó Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhìn nhận "bếp có ấm thì nhà mới an" dưới góc độ văn hoá và phong thuỷ.
Trong quan điểm của người Việt, một gian bếp được bài trí hợp phong thủy sẽ là nơi "thắp lửa" tài lộc cho gia đình, đồng thời giúp các thành viên trong gia đình sức khỏe dồi dào để lao động và tích lũy tài trí. Chính vì vai trò ý nghĩa của gian bếp nên trong văn hóa Việt từ xưa đến nay có thể dễ dàng bắt gặp nhiều tập tục, hình ảnh văn hóa gắn liền với gian bếp.
Nhân dịp năm mới, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam xung quanh chủ đề bếp ấm ngày xuân.
- Thưa PGS, nhiều người quan điểm rằng gian bếp quyết định thịnh vượng của một gia đình? PGS nghĩ sao về quan điểm này ạ?
Tôi nhất trí với quan điểm một ngôi nhà hạnh phúc phải là tổ ấm dù trong đó có hai thế hệ hay ba thế hệ cùng sinh sống. Ngôi nhà đó sẽ ra sao nếu không có các sinh hoạt quây quần bên nhau mỗi ngày để cùng trò chuyện, trao đổi và tiếp năng lượng tích cực qua sự yêu thương trìu mến, chăm sóc nhau bởi từng lời nói, cử chỉ, ngụm nước, miếng ăn? Thế nên, không gian bếp, phải là không gian ấm áp theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nghĩa là, bếp đỏ lửa chứng tỏ gia đình sẽ có các cơ hội gặp gỡ và trao gửi cho nhau sự quan tâm, sự săn sóc để cùng nhau tiến bộ, cùng nhau phấn đấu cho cuộc sống ngày càng thịnh vượng, hạnh phúc.
Một ngôi nhà hạnh phúc phải là tổ ấm dù trong đó có hai thế hệ hay ba thế hệ cùng sinh sống |
- Người Việt Nam có những phong tục tập quán thú vị nào liên quan tới gian bếp không, thưa PGS?
Trước tiên tôi xin phân biệt bếp xưa và bếp nay đã rất khác nhau. Bếp truyền thống của người Việt hay các dân tộc thiểu số cũng vậy, thường có không gian riêng. Nhà cổ truyền của người Việt hoàn toàn tách biệt với gian bếp – là một cái nhà nhỏ nhắn khiêm tốn hơn ở vị trí kế bên. Thế nên, bếp của người Việt trước đây là một không gian khép kín và độc lập. Chính bởi vậy, việc trông coi gian bếp này là nhiệm vụ của một vị thần – thần bếp, hay còn được gọi là Ông Núc, ông đầu rau,… và có hẳn một tín ngưỡng gắn với bếp, đó là tín ngưỡng thờ cúng Thổ Công.
Trong năm, dịp lễ long trọng nhất của tín ngưỡng thờ cúng Thổ Công chính là tết ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng chạp. Theo tín ngưỡng cổ truyền, đây là ngày Táo Quân lên trời báo cáo Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian, những hành vi, việc làm tốt, xấu của các thành viên trong gia đình trong năm một cách khách quan, trung thực. Phương tiện để Táo Quân lên trời là cá chép vàng được hiểu là ngựa của các ngài. Tết ông Công ông Táo làm to nhỏ, chay mặn tùy khả năng mỗi gia đình.
PGS.TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam |
Ngày nay, việc cúng Táo Quân ở mỗi gia đình người Việt vẫn diễn ra, song hình thức đã có nhiều thay đổi. Thường các gia đình nhỏ (không phải trưởng họ, trưởng tộc) chỉ có một bát hương thờ thần linh hoặc ba bát hương gồm thờ Phật, thờ thần linh và thờ gia tiên. Như vậy, bát hương dành riêng cho Thổ Công không thấy xuất hiện. Giờ đây, thờ Thổ Công được hiểu là thần thuộc hệ linh thần nói chung. Khi cúng, người ta khấn luôn cả ba vị Táo Quân. Chỉ dịp tết 23 tháng Chạp, người ta mới cúng riêng Táo Quân nhưng vẫn khấn chung với các vị thần linh và gia tiên của họ.
Vào dịp này, nhiều gia đình còn mua thêm cá chép sống, thả vào bát (chậu) nước đặt trước ban thờ trong dịp cúng Táo Quân. Sau khi hóa mã, người ta đem 3 con cá chép ra sông hồ phóng sinh với ý nghĩa cá chép hóa rồng, đưa Táo Quân lên trời. Một số gia đình mua cá chép thật to, rán lên, trở thành đồ lễ cúng Táo Quân, cũng vẫn với hàm ý là phương tiện của Táo Quân về trời. Sau đó, cả gia đình thụ lộc vui vẻ.
Như vậy, gian bếp xưa riêng biệt trước đây gắn với với thần bếp - tức Thổ Công hay gọi là Táo Quân đã được biến đổi và tích hợp vào tín ngưỡng thờ Thần trong không gian mở của gian bếp nay là một bộ phận của ngôi nhà khép kín hiện nay. Cùng với đổi thay không gian bếp, chắc chắn đã có những thay đổi trong nghi lễ, thực hành văn hóa mà tôi vừa nêu một ví dụ nhỏ ở trên.
- Gần đây nhiều gia đình rất coi trọng tục lệ khai bếp. Thưa PGS, hoạt động này có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào ạ?
Văn hóa của người Việt gọi Bếp là danh từ thay thế cho sự hiện diện của một gia đình đặt trong quan hệ cộng đồng sinh tụ ở dạng mật tập. Một bếp mới xuất hiện, hoặc do được tách ra, đều là dấu hiệu tăng trưởng của cộng đồng – đây là niềm vui báo hiệu nhân khang vật thịnh. Tục khai bếp có thể là cách gọi mới theo văn hóa mới hiện nay. Ngày xưa không gọi như vậy! Tuy nhiên, xét về bản chất thì thủ tục nhập trạch bao giờ cũng có nội dung liên quan tới bếp.
Đơn giản sơ khai là chụm 3 hòn đá nhóm lửa đun nước, nấu cơm, sau tiến bộ hơn là kiềng sắt, bếp dầu, bếp điện, bếp ga, bếp từ… nhưng đều làm nhiệm vụ nấu chín đồ ăn thức uống, trước để dâng thần, sau thừa huệ lộc thần. Vậy là nhập nhà mới đồng nghĩa với lập bếp mới, xác lập có Táo Quân mới để cai quản gia đình. Đó cũng là lý do sâu xa mà người Việt coi trọng nhà, coi trọng bếp. Tức là coi trọng thần linh, Táo Quân vua bếp và coi trọng gia tiên. Nhiều gia đình quan tâm đến các sinh hoạt văn hóa liên quan tới gian bếp chứng tỏ văn hóa truyền thống vẫn đang lan tỏa và được gìn giữ tốt, phát huy tốt trong đời sống.
- PGS có thể lý giải rõ về yếu tố ngũ hành trong gian bếp, cũng như tục lệ khai bếp đầu năm được không ạ?
Không gian bếp cổ truyền gắn với ngũ hành thường chú trọng tới yếu tố Thổ và Hỏa theo quy luật tương sinh. Bếp đặt trên nền đất để tạo sự tương tác hữu ích nhất cho cuộc sống con người. Không những góp phần giúp các món ăn được chế biến ngon lành, hợp vệ sinh, mà bản thân đất ở vị trí bếp cũng có thể trở thành món ăn, trở thành vị thuốc dưới góc độ đông y. Người ta còn được thày lang chỉ định ăn đất bếp (tức là thổ do hỏa sinh, thổ do hỏa luyện) để chữa một số bệnh đấy! Người Việt cổ thời Đông Sơn đã có tục này.
Bếp có ấm, thì nhà mới an, muốn vậy, không chỉ người phụ nữ chăm lo bếp ấm là tất cả các thành viên trong gia đình đều có quyền lợi và nghĩa vụ với việc Xây tổ ấm
Bếp có ấm, thì nhà mới an, muốn vậy, không chỉ người phụ nữ chăm lo bếp ấm là tất cả các thành viên trong gia đình đều có quyền lợi và nghĩa vụ với việc Xây tổ ấm
Về tục lệ khai bếp đầu năm thì tôi chỉ nghĩ đến tục Xin lửa đầu năm lấy may vẫn còn duy trì ở một số vùng quê ở châu thổ Bắc Bộ. Ngay sau giao thừa, người ta châm đuốc xin lửa ở đình làng hoặc đền thiêng trong làng mang về nhà như là hình thức Lấy Lộc để mong cầu năm mới gặp Hên/Đỏ, Ấm áp, sum suê quanh năm, thể hiện Hạnh phúc ấm no.
Ngày nay người ta đã sáng tạo văn hóa/biến thể tục Hái lộc đầu năm bằng cách xin que hương đang cháy ở Chùa, đền, hay đình làng rước về ban thờ thần linh và gia tiên như rước May về nhà. Thậm chí, nhiều trường hợp nhà xa hoặc đối tượng là thanh niên thì người ta xin thẻ hương lấy Lộc, về nhà thắp dần trong những ngày Xuân đầu năm lấy May (vừa an toàn, vừa hiệu quả!). Như thế về bản chất xin lửa đầu năm cầu may gắn với tín ngưỡng thờ linh thần nói chung, bao gồm cả thờ Táo Quân vua bếp và thờ cúng tổ tiên là những tín ngưỡng luôn đồng hành cùng người Việt từ xưa tới nay.
- Thưa PGS, người phụ nữ hiện đại dù đảm nhiệm nhiều vai trò trong xã hội nhưng vẫn gắn bó với gian bếp, vẫn giữ trọng trách "đàn bà xây tổ ấm". PGS có thể lý giải thực tế này dưới khía cạnh văn hoá?
Hình ảnh Táo Quân - vua bếp cũng trở nên gần gũi với cuộc sống hiện đại hơn với quan niệm gia đình nào được Táo Quân phù hộ nhiều thì hạnh phúc, yên ổn, thành đạt, bếp đỏ lửa mỗi ngày. Những gia đình không có điều kiện đỏ lửa mỗi ngày để ông vua bếp làm nhiệm vụ thì ngầm hiểu là Táo Quân chưa hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn tổ ẩm gia đình trong nền kinh tế thị trường một cách trọn vẹn. Dường như lúc này Táo Quân chính là hình ảnh ngọn lửa reo vang trong bếp hay nhiệt lượng tỏa ra từ bếp điện, bếp từ… mỗi ngày chăng?
Và, điều quan trọng vô cùng, người phụ nữ hiện đại là người phụ nữ được định hướng phát triển toàn diện theo tiêu chí cụ thể của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam gồm: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang. Cá nhân tôi đề nghị tiêu chí hiện nay nên rèn luyện thể lực và các phẩm chất gồm: Sức khỏe, Thông thái, Tự tin, Nhân hậu để xây dựng gia đình và xã hội Xanh - Lành - Tốt - Đẹp. Bếp có ấm, thì nhà mới an, muốn vậy, không chỉ người phụ nữ chăm lo bếp ấm là tất cả các thành viên trong gia đình đều có quyền lợi và nghĩa vụ với việc Xây tổ ấm. Lúc này, trách nhiệm được mọi thành viên gánh vác và chia sẻ để vào bếp là chuyện không của riêng ai. Vào Bếp là chăm lo Hạnh phúc!
- Trân trọng cảm ơn PGS về buổi trò chuyện! Nhân dịp năm mới, Diễn đàn Doanh nghiệp xin gửi đến PGS lời chúc năm mới an lành, hạnh phúc!
(Theo enternews.vn)