Tiếp tục hỗ trợ lao động khó khăn, mất việc do COVID-19 trong năm 2021
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu Chính phủ tiếp tục triển khai các chính sách phù hợp để hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn do COVID-19 trong năm 2021.
Công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp được thực hiện song song với phòng ngừa thất nghiệp và giúp người lao động quay trở lại thị trường lao động. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+) |
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, năm 2021 có lẽ sẽ là quãng thời gian nhiều khó khăn và thách thức đối với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện các mục tiêu giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội...
Phóng viên báo VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh về việc thực hiện những chính sách, quy định mới của ngành trong năm 2021.
"Bảo đảm ai cũng có Tết"
- Xin Thứ trưởng cho biết các hoạt động chăm lo, chuẩn bị Tết cho các đối tượng chính sách như người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đang được thực hiện như thế nào?
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-LĐTBXH ngày 22/1 về việc tổ chức Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 theo đúng phương châm “Vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.”
Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện việc rà soát, nắm bắt tình hình, thăm hỏi, chăm lo, động viên tinh thần và hỗ trợ vật chất cho các đối tượng hưởng chính sách như: Người có công với cách mạng, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người dân ở vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão, lũ, người dân gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của dịch COVID-19...
Việc tặng quà phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, đảm bảo tất cả các đối tượng đều có quà và nhận được quà trước Tết. Chăm lo tết chu đáo, an toàn, lành mạnh cho các đối tượng chính sách đang được chăm sóc tại các cơ sở điều dưỡng người có công và các cơ sở trợ giúp xã hội.
Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, quà tặng cho trên 1,68 triệu đối tượng người có công với cách mạng có 2 mức là 600.000 đồng và 300.000 đồng/ suất, tổng kinh phí thực hiện gần 518 tỷ đồng.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và giáp hạt đầu năm 2021; chủ động xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ người nghèo trong dịp Tết; vận động các tổ chức, cá nhân và bố trí ngân sách địa phương chăm lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm ai cũng có Tết.
Tính đến ngày 29/1, các địa phương đã huy động được hơn 2.650 tỷ đồng để hỗ trợ Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với mức từ 300.000-500.000 đồng/người. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ trên 9.082 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu cho 605.501 khẩu của 14 địa phương; trên 2.498 tấn gạo cứu đói giáp hạt đầu năm 2021 cho 166.560 khẩu của 05 địa phương.
Nhìn chung, công tác chăm lo Tết cho đối tượng chính sách người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội luôn được Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương quan tâm đặc biệt, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc ta mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
- Chính phủ đã đồng ý ban hành chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025. Bước sang năm 2021, đây là năm đầu tiên của giai đoạn mới, việc chuyển đổi tiêu chí nghèo mới đặt ra những khó khăn, thách thức và cơ hội nào trong thực hiện bền vững, hiệu quả các chính sách xóa đói, giảm nghèo, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Việc ban hành chuẩn nghèo mới vào đầu mỗi giai đoạn đều có những thách thức chung. Chuẩn nghèo mới làm tăng tỷ lệ hộ nghèo đầu kỳ do chuẩn mức sống tối thiểu dân cư của giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. Vì vậy, chuẩn nghèo mới sẽ làm tăng nguồn lực bố trí từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách giảm nghèo những năm đầu kỳ.
Chuẩn nghèo mới giúp nhận diện đối tượng rõ ràng và chính xác hơn. (Ảnh minh hoạ: TTXVN) |
Đặc biệt, trong tình hình nước ta hiện nay, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và bão lụt, thiên tai ở khu vực miền Trung làm gia tăng tỷ lệ hộ tái nghèo và khó khăn trong việc bố trí ngân sách bảo đảm thực hiện chính sách. Việc chuyển đổi từ phương pháp đo lường nghèo đơn chiều (chỉ dựa trên tiêu chí thu nhập) sang đo lường nghèo đa chiều (dựa trên tiêu chí thu nhập và thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản) dẫn đến yêu cầu sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người nghèo nâng cao thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, việc làm.
Quy trình, bộ công cụ rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo được sửa đổi, hoàn thiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới được tập huấn đến đội ngũ các cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; tuy nhiên, đội ngũ cán bộ tại cấp cơ sở, đặc biệt là cấp thôn, bản sẽ gặp lúng túng trong năm đầu tiên do cán bộ làm công tác giảm nghèo thường làm kiêm nhiệm và thay đổi thường xuyên.
Bên cạnh thách thức trên, việc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều cũng mang lại cơ hội mới trong thực hiện bền vững, hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Chuẩn nghèo mới giúp chúng ta nhận diện đối tượng rõ ràng và chính xác hơn.
Các tiêu chí đo lường nghèo bao gồm: Tiêu chí về thu nhập và tiêu chí về mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ nghèo được phân chia thành nhiều nhóm (thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, thuộc chính sách bảo trợ xã hội…) từ đó đề xuất các giải pháp tác động hiệu quả đối với từng nhóm đối tượng, phát huy được tính tự chủ của hộ nghèo trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều là cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương triển khai những chương trình, chính sách, cơ chế đặc thù để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Chuẩn nghèo là căn cứ để các bộ, ngành liên quan và các địa phương lập kế hoạch, bố trí nguồn lực được ưu tiên tập trung hơn cho các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao.
- Năm 2021 cũng là năm Bộ Luật Lao động mới bắt đầu có hiệu lực, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những cải tiến trong Bộ luật mới trong việc mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Bộ luật Lao động năm 2012 chỉ tác động tới nhóm đối tượng 20 triệu lao động có quan hệ lao động. Còn Bộ luật Lao động năm 2019 thì phạm vi tác động tới hơn 54 triệu lao động, bao gồm cả đối tượng không có quan hệ lao động. Kể từ khi được ban hành lần đầu tiên năm 1994 và đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần (vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012), có thể nói đây là lần sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện, tạo dấu ấn đặc biệt quan trọng trong pháp luật lao động nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung.
Bộ luật có ba nội dung sửa đổi, bổ sung lớn là mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với cả người lao động có quan hệ lao động và người lao động không có quan hệ lao động; phù hợp hơn với các nguyên tắc của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản về quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động; bảo đảm bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động, bảo vệ lao động chưa thành niên.
Những cải tiến của Bộ luật mới đã mang lại những lợi ích thiết thực cho đất nước nói chung và cho người lao động, người sử dụng lao động nói riêng, thể hiện rõ nét khi bộ luật ghi nhận quyền của người lao động trong việc thành lập, gia nhập tổ chức đại diện của mình (bao gồm tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động ngoài hệ thống công đoàn); xác lập mô hình đối thoại và thương lượng dựa theo các nguyên tắc tự nguyện, hợp tác, thiện chí, bình đẳng, công khai và minh bạch.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh. (Ảnh: TTXVN) |
Bộ luật Lao động 2019 đã tạo lập khung khổ pháp lý mới, hiện đại nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, đem lại nhiều lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Bộ luật là một trong những điều kiện quan trọng để Việt Nam tham gia vào hai Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể hội nhập, tiếp cận thị trường quốc tế thuận lợi hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa và tạo ra nhiều việc làm hơn cho người lao động.
Hỗ trợ đúng đối tượng gặp khó do COVID-19
- Đại dịch COVID-19 được dự báo sẽ vẫn còn gây khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp trong năm 2021. Xin Thứ trưởng cho biết Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp như thế nào?
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Đại dịch COVID-19 dự báp tiếp tục còn ảnh hưởng kéo dài đến mọi mặt của đời sống xã hội; ngay những ngày vừa qua, dịch bùng phát trở lại tại một số địa phương. Tuy nhiên, với tinh thần kiên quyết “chống dịch như chống giặc,” Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời các biện pháp mạnh để khoanh vùng, dập dịch, không để lan rộng.
Trong bối cảnh đó, năm 2021 lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ đến đúng đối tượng, hiệu quả; chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; ổn định an sinh xã hội.
Đặc biệt, theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến người lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các địa phương và cập nhật tình hình, nhu cầu lao động nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Chính phủ các chính sách phù hợp.
Công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp được thực hiện song song với phòng ngừa thất nghiệp và giúp người lao động quay trở lại thị trường lao động. Các đơn vị sẽ phối hợp với các bộ, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để duy trì việc làm.
Ngoài ra, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đổi mới thể chế, đơn giản thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động, việc làm, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; chủ động nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ duy trì, khôi phục, phát triển sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội.
Chúng tôi hy vọng, cùng với nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, chúng ta sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 đã đề ra.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Riêng năm 2021 tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Giai đoạn 2022-2025 áp dụng chuẩn nghèo đa chiều với các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều gồm tiêu chí thu nhập và tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Cụ thể, về tiêu chí thu nhập, với khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng. Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin với 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. |
(Theo https://www.vietnamplus.vn/tiep-tuc-ho-tro-lao-dong-kho-khan-mat-viec-do-covid19-trong-nam-2021/694369.vnp)