Khoan giếng tầng nông phải đăng ký khai thác tại UBND cấp huyện
Trong 6 tháng đầu năm 2020, có khoảng 3.386 giếng khoan trái phép (chủ yếu là tầng nông), do ảnh hưởng của hạn, mặn dẫn đến thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu. Những tháng đầu năm 2021, tình hình khai thác giếng tầng nông giảm nhiều so với năm vừa qua.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Kiệt, tình hình khai thác giếng tầng nông đến thời điểm này giảm do mới bắt đầu vào mùa khô hạn. Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, tình hình hạn, mặn năm nay diễn ra không gay gắt như năm trước và không kéo dài. Qua đợt hạn, mặn năm vừa qua, ý thức của người dân về việc phòng, chống hạn, mặn đã dần được hình thành, từ đó người dân đã có nhiều giải pháp để dự trữ nguồn nước ngọt để sử dụng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Tiền Giang đã chủ trương kịp thời đắp các đập, cống ngăn mặn để trữ nước ngọt và bổ sung nguồn nước dưới đất phục vụ sản xuất cho nhân dân với 16 giếng khoan dự phòng tại các xã: Tam Bình, Ngũ Hiệp, Tân Phong. Vì vậy, việc khai thác giếng tầng nông trong dân năm nay sẽ không tăng cao.
* Phóng viên (PV): Chất lượng của nước tầng nông có đảm bảo cho tưới tiêu và sinh hoạt của người dân không, thưa đồng chí?
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Kiệt |
* Đồng chí Nguyễn Văn Kiệt: Theo Báo cáo kết quả “Điều tra, đánh giá, xác định khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, chất lượng nước tại nhiều khu vực của 4 tầng chứa nước Holocen, Pleistocen trên, Pleistocen giữa - trên, Pleistocen dưới trên địa bàn tỉnh không tốt, không đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân.
* PV: Sở TN&MT đã tổ chức kiểm tra, giải quyết các trường hợp khoan giếng tầng nông ra sao, thưa đồng chí?
* Đồng chí Nguyễn Văn Kiệt: Sở TN&MT đã có Công văn 3684 ngày 11-8-2020 về việc kiểm tra, thống kê, giải quyết các giếng khoan tự phát đã thi công đợt hạn, mặn năm 2020 đề nghị Phòng TN&MT cấp huyện thực hiện các nội dung sau: Kiểm tra, thống kê, phân loại các giếng khoan, đề xuất cấp thẩm quyền xử lý theo quy định (nếu có) đối với các giếng khoan trái phép trên địa bàn quản lý.
Đối với các giếng khoan có mục đích khai thác sử dụng nước không phù hợp với quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; hoặc không còn nhu cầu sử dụng hoặc chất lượng nước của giếng khoan không đạt quy chuẩn thì yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện trám lấp theo quy trình quy định.
Các giếng khoan còn đang sử dụng và mục đích khai thác sử dụng nước phù hợp với quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, cơ quan chức năng hướng dẫn tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác nước dưới đất nộp về Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh theo quy định (lưu lượng khai thác >10 m3/ngày đêm) hoặc kê khai đăng ký khai thác nước dưới đất theo quy định (lưu lượng khai thác ≤10 m3/ngày đêm).
* PV: Hiện nay, quy định về khai thác tài nguyên nước (trong đó có giếng tầng nông) như thế nào?
* Đồng chí Nguyễn Văn Kiệt: Hiện nay, việc khai thác tài nguyên nước dưới đất được thực hiện theo quy định của Nghị định 201/2013 ngày 27-11-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.Thủ tục hành chính liên quan đến việc khai thác tài nguyên nước có lưu lượng >10 m3/ngày đêm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang. Thủ tục hành chính liên quan đến việc khai thác tài nguyên nước có lưu lượng <=10 m3/ngày đêm thuộc thẩm quyền của cấp huyện. Khi có nhu cầu khai thác nước tầng nông, người dân cần phải đến đăng ký khai thác tại UBND cấp huyện.
Người dân cần chủ động trữ nước tưới trong mùa khô do chất lượng nước giếng khoan tầng nông không đảm bảo. |
* PV: Sở TN&MT có những giải pháp gì để tuyên truyền cũng như kiểm tra, quản lý việc sử dụng tài nguyên nước của người dân trong thời gian tới, thưa đồng chí?
* Đồng chí Nguyễn Văn Kiệt: Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn để thi hành, nhân dân nhận thức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo quy định của Nghị định 201/2013 ngày 27-11-2013 của Chính phủ, khai thác nước dưới đất theo quy mô được chia ra 2 trường hợp là lớn hơn 10 m3/ngày đêm và không vượt quá 10 m3/ngày đêm (hay gọi là giếng tầng nông). |
Cùng với đó, Sở sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đối với các huyện, thị, thành, Sở TN&MT sẽ hướng dẫn các huyện, thị, thành tổ chức triển khai thực hiện tốt việc đăng ký, quản lý việc khai thác nước dưới đất đối với công trình khai thác nước có lưu lượng <=10 m3/ngày đêm đảm bảo đúng quy định; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý TN&MT cấp huyện, cấp xã về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng bền vững nguồn nước.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt, công bố và tiếp tục thực hiện các Dự án “Cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước”, Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu và phần mềm quản lý, xử lý dữ liệu về tài nguyên nước”; thực hiện tốt công tác quan trắc tài nguyên nước theo định kỳ.
Qua đó, có cơ sở dữ liệu tổng thể về nguồn tài nguyên nước để theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn để chủ động trong việc cung cấp nước sạch, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên nước; thực hiện các giải pháp phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
CAO THẮNG (thực hiện)