TS-BS. Đỗ Quang Thành: Không được tự ý mua kháng sinh để uống
(ABO) Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, cộng đồng và sự phát triển của xã hội. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Bác sĩ (TS-BS) Đỗ Quang Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang.
TS-BS. Đỗ Quang Thành. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
* PV: Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới, theo TS-BS. nguyên nhân do đâu?
* TS-BS. Đỗ Quang Thành: Đề kháng kháng sinh là khả năng của một vi sinh vật (vi trùng, vi rút và một số ký sinh trùng) ngăn chặn tác dụng của một thuốc chống lại nó (ví dụ như kháng sinh, thuốc kháng vi rút và thuốc chống sốt rét...). Hậu quả là, các phương pháp điều trị chuẩn trở nên không hiệu quả, vi sinh vật gây bệnh và có thể lan sang người khác.
Có 2 nhóm nguyên nhân chính: Nhóm nguyên nhân thứ nhất: Vi khuẩn chuyển đổi, đột biến theo thời gian để kháng thuốc.
Nhóm nguyên nhân thứ hai: Do tình trạng sử dụng kháng sinh không đúng cách: Sử dụng kháng sinh tự ý, tùy tiện trong người dân, trong cộng đồng, sử dụng kháng sinh chưa có chỉ định từ bác sĩ. Bên cạnh đó, các cửa hàng thuốc cho kháng sinh khi chưa có toa thuốc, chỉ định từ bác sĩ.
Đồng thời, việc sử dụng kháng sinh không kiểm soát trong chăn nuôi, trồng trọt cũng là nguyên nhân làm gia tăng kháng thuốc kháng sinh trong cộng đồng. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ việc kiểm soát chống nhiễm khuẩn ở bệnh viện và các cơ sở y tế chưa tốt và cá nhân người bệnh không tuân thủ liều lượng, thời gian điều trị khi nhiễm khuẩn.
* PV: Việc kháng thuốc kháng sinh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của cộng đồng, thưa bác sĩ?
* TS-BS. Đỗ Quang Thành: Kháng kháng sinh sẽ đưa đến các bệnh như viêm phổi, bệnh lao hoặc thậm chí các bệnh nhiễm trùng nhẹ vẫn không chữa được. Từ đó dẫn đến các hậu quả sau: Tăng tỷ lệ bệnh nhân nhiễm bệnh và tăng tỷ lệ bệnh tử vong.
Khi nhiễm khuẩn, bệnh nhân dùng đúng loại kháng sinh mà bác sĩ kê toa, tuân thủ nghiêm túc theo hướng dẫn của bác sĩ và không được tự ý mua kháng sinh để uống. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Việc người bệnh dùng thuốc kháng sinh bừa bãi có nguy cơ dẫn đến cơ thể người bệnh phát sinh những loại vi khuẩn đề kháng kháng sinh và sản sinh ra chủng loại vi khuẩn thế hệ sau có mức độ đề kháng cả với loại kháng sinh cực mạnh, khi bị bệnh nặng sẽ không có loại kháng sinh tốt hơn để dùng. Người bệnh thậm chí sẽ tử vong bởi những nhiễm khuẩn thông thường...
Kháng thuốc kháng sinh sẽ làm tăng chi phí, thời gian điều trị, là một gánh nặng đáng lo ngại đối với gia đình và hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe. Ngay cả khi có hiệu quả điều trị thì các bệnh nhân kháng kháng sinh cần phải nằm viện lâu dài hơn, hồi phục lâu hơn và tỷ lệ mắc phải các bệnh cộng đồng/bệnh viện cũng cao hơn.
Bên cạnh đó, việc kháng kháng sinh gia tăng làm cho các cơ sở chăm sóc y tế không còn thuốc kháng sinh để cứu chữa kịp thời, quá tải bệnh viện do quá trình điều trị kéo dài, nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn với các bệnh nhân phải phẫu thuật.
* PV: Giải pháp nào để hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh, thưa bác sĩ?
* TS-BS. Đỗ Quang Thành: Không dùng kháng sinh khi mắc các bệnh thông thường do vi rút như cúm, cảm lạnh... Nếu bác sĩ xác định không mắc bệnh nhiễm khuẩn, bệnh nhân nên xin tư vấn cách làm giảm triệu chứng và đừng yêu cầu bác sĩ phải kê đơn kháng sinh.
Khi nhiễm khuẩn, bệnh nhân dùng đúng loại kháng sinh mà bác sĩ kê toa, tuân thủ nghiêm túc theo hướng dẫn của bác sĩ và không được tự ý mua kháng sinh để uống nếu không có sự chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân uống đủ số ngày thuốc đã được bác sĩ kê đơn dù cho người bệnh cảm thấy đã khỏe hơn. Nếu kết thúc điều trị sớm quá, một số vi khuẩn có thể còn tồn tại trong cơ thể và gây bệnh lại, gây lờn thuốc về sau.
Không tự ý dùng kháng sinh được kê đơn cho người khác, do mỗi bệnh có nguyên nhân khác nhau dù triệu chứng bệnh nhìn có vẻ giống nhau và cơ địa của mỗi cá thể cũng không giống nhau. Người dân không mua và dùng kháng sinh trong việc chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng trọt một cách tùy tiện. Các đơn vị trong ngành y tế toàn quốc nên chung tay đẩy mạnh việc kiểm soát sử dụng kháng sinh trong từng đơn vị, trong từng nhân viên y tế của đơn vị mình.
* PV: Xin cảm ơn TS-BS!
THIÊN LÊ (thực hiện)