Xung quanh vấn đề này, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân (Ảnh: BT). |
Phóng viên (PV): Năm 2021, ngành thủy sản đặt ra mục tiêu đạt 8,5 tỷ USD về giá trị xuất khẩu. Vậy ông có thể cho biết về những giải pháp để chúng ta thực hiện được mục tiêu này?
Ông Trần Đình Luân: Hiện nay đang có rất nhiều các giải pháp được triển khai một cách đồng bộ. Thứ nhất là tăng cường chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ để phấn đấu giảm chi phí trong sản xuất, cùng với đó là việc quản lý thật tốt để giảm rủi ro thông qua việc quan trắc cảnh báo môi trường, dự báo về diễn biến tình hình thời tiết để người dân chủ động trong sản xuất.
Đáng chú ý, vừa qua, rất nhiều nghiên cứu mà chúng ta sử dụng những công nghệ mới, công nghệ sinh học để giúp giảm chi phí thức ăn. Đó là hệ số chuyển đổi thức ăn cho tôm và cá giảm xuống, từ đó giúp chúng ta tiết kiệm được chi phí.
Thứ nữa là các doanh nghiệp phải tăng cường liên kết để giảm khâu trung gian, giảm giá thành thức ăn chăn nuôi. Và trong bối cảnh hiện nay thì không nên tăng giá và cần tìm các giải pháp khác để chúng ta đồng hành cùng với bà con, giúp cho bà con và doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản yên tâm đầu tư sản xuất và đồng hành với chuỗi ngành hàng trước mắt và lâu dài.
PV: Trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản đã ghi nhận mức tăng nhẹ, vậy trong năm nay, chúng ta đã có những tín hiệu tích cực nào cho thị trường xuất khẩu thủy sản, thưa ông?
Ông Trần Đình Luân: Theo dự báo nhu cầu sản phẩm thủy sản trong khu vực và thế giới vẫn tăng. Thứ nữa, chúng ta có lợi thế về các Hiệp định tự do (FTA) mang lại. Và vừa qua với nỗ lực của các cơ quan trong nước, chúng ta đã mở được một số thị trường mới, đặc biệt thị trường Nga, ngay trong tháng 3 vừa qua, chúng ta có 18 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản vào Nga. Và đây là những tín hiệu rất tốt của ngành, kỳ vọng năm nay chúng ta sẽ đạt 8,5 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu.
Tất nhiên đi cùng với đó là một loạt các giải pháp trong nước, chúng ta tổ chức sản xuất thật tốt theo những quy định mới của Luật Thủy sản. Đặc biệt, chúng ta phải tổ chức tốt việc đăng ký mã số cơ sở nuôi, đối tượng chủ lực và lồng bè của các địa phương, để từ đó tăng truy xuất nguồn gốc và tăng chất lượng sản phẩm thủy sản. Hy vọng với việc tổ chức sản xuất trong nước và mở rộng thị trường, chúng ta kỳ vọng có thể tận dụng tốt thị trường nhập khẩu ở trên thế giới để gia tăng giá trị xuất khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2021.
PV: Với việc sản xuất trong nước, hiện nay, về phía ngành đã triển khai những giải pháp gì để giúp giảm khâu trung gian, đưa giá thức ăn nuôi trồng thủy sản đến tay người dân được hợp lý hơn?
Ông Trần Đình Luân: Vừa qua chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp nên tiếp cận với các địa phương thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã để từ đó cung cấp trực tiếp vật tư đầu vào, ví dụ như là giống, thức ăn nuôi trồng thủy sản trực tiếp đến hợp tác xã, tổ hợp tác để tăng cường liên kết hai chiều. Đó là về mặt chất lượng và về chuyển giao công nghệ. Và trong quá trình sản xuất, nếu có thiệt hại thì chia sẻ cùng với bà con nông dân, để từ đó giúp cho bà con sản xuất tốt hơn.
PV: Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang chịu tác động của COVID-19, vậy chúng ta có tính đến thị trường trong nước để giảm tải sản lượng tiêu thụ đối với một số mặt hàng khi xuất khẩu khó khăn, tiêu biểu như cá tra, thưa ông?
Ông Trần Đình Luân: Trước bối cảnh dịch COVID-19, trong năm 2020, với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, các ngành hàng, hiệp hội đã tổ chức thúc đẩy tiêu thụ trong nước. Và chúng tôi thấy rất phấn khởi bởi từ những kết nối này thì cá tra đã được được thị trường trong nước đón nhận tốt, nhất là các thị trường ở phía Bắc. Và vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất và phát triển thị trường trong nước. Tôi cho rằng, đây là giải pháp quan trọng để giúp cân đối giữa xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Ngoài ra, chúng ta thấy có rất nhiều các hoạt động như: chế biến sâu, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của các lứa tuổi khác nhau. Ngoài ra, chúng ta cũng đẩy mạnh khoa học công nghệ để những sản phẩm còn lại, những sản phẩm phụ của thủy sản sẽ là nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp khác.
Chúng ta sẽ phải đi song song, vừa xuất khẩu nhưng cũng cần chủ động chiếm lĩnh thị trường trong nước.
PV: Trong năm 2020, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành hàng tôm vẫn ghi nhận giá trị xuất khẩu rất cao với 3,7 tỷ USD. Vậy ông cho biết những công việc mà chúng ta đã triển khai để đạt được kết quả này và kinh nghiệm cho những ngành hàng khác trong bối cảnh xuất khẩu hiện nay?
Ông Trần Đình Luân: Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, khó khăn như vậy nhưng mà chúng ta rất chủ động trong việc phối hợp giữa các cơ quan trong nước và các hiệp hội ngành hàng. Chúng ta dự báo được tình hình thế giới, từ đó tổ chức sản xuất trong nước thật tốt.
Ví dụ, khi chúng ta thấy các đối thủ xuất khẩu về tôm như: Ecuador, Thái Lan, Ấn Độ đang gặp khó khăn trong kiểm soát dịch COVID-19, trong khi đó, nhu cầu thị trường của sản phẩm này rất lớn. Thêm nữa, chúng ta đã tổ chức được các địa phương, các doanh nghiệp và bà con nông dân tổ chức sản xuất tốt, cùng với chất lượng, chúng ta có được số lượng để duy trì xuất khẩu.
Ngoài ra, chúng ta cũng rất linh hoạt trong những sản phẩm xuất khẩu truyền thống. Chúng ta đã có những chỉ đạo tới các cơ sở chế biến xuất khẩu có những sản phẩm phục vụ trực tiếp cho các hộ gia đình và có thể sử dụng được ngay trong bối cảnh giãn cách xã hội. Đây chính là những định hướng, kinh nghiệm mà chúng ta có thể thích ứng với những biến động trong tình hình mới đối với trong nước và quốc tế, để từ đó chúng ta phát huy lợi thế và tranh thủ được thị trường.
PV: Xin cảm ơn ông!.
(Theo dangcongsan.vn)