Thứ Tư, 23/06/2021, 16:33 (GMT+7)
.

Lạm phát không quá lo, bong bóng tài sản được kiểm soát

 

a
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV. (Ảnh: thitruongtaichinhtiente.vn)

Bức tranh kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm 2021 dần rõ nét với xu hướng chủ đạo là tăng trưởng GDP gặp nhiều khó khăn do tác động của hai đợt bùng phát dịch Covid-19 và nguy cơ lạm phát tăng đang hiện hữu.

Nhân Dân điện tử đã phỏng vấn Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV để làm rõ vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, một số tổ chức quốc tế như World Bank, Standard Chartered… đã công bố kịch bản điều chỉnh tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 và có những cảnh báo rủi ro về lạm phát, bong bóng tài sản. Ông có nhận định thế nào về vấn đề này?

TS Cấn Văn Lực: Đúng là kinh tế Việt Nam đang đối mặt với áp lực lạm phát và bong bóng tài sản vì tác động từ cả bên ngoài và sự tăng giá của một số mặt hàng trong nước.

Trên thế giới, chỉ số giá hàng hóa tổng thể (gồm giá dầu, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu sản xuất…) năm tháng đầu năm đã tăng bình quân là 23% so với cuối năm 2020. Việt Nam là nền kinh tế nhập khẩu nên việc tăng giá hàng hóa thế giới chắc chắn tác động khá nhiều lên mặt bằng giá cả trong nước và lạm phát trong ngắn hạn.

Kinh tế toàn cầu cũng đang xuất hiện những rủi ro bong bóng tài sản khá rõ nét khi các nền kinh tế lớn cam kết tung ra các gói hỗ trợ có giá trị tương đương khoảng 15% GDP, riêng các gói hỗ trợ của Mỹ đến nay có quy mô bằng 25,5% GDP.

Tuy chưa có số liệu về tỷ lệ giải ngân của các gói hỗ trợ này, nhưng có thể khẳng định rằng thế giới áp dụng chính sách tài chính, tiền tệ nới lỏng chưa từng có mà hệ quả của nó là sẽ tạo ra một phần bong bóng tài sản do tiền rẻ chảy vào các kênh đầu cơ, đẩy giá lên cao hình thành bong bóng tài sản và tác động đến lạm phát.

Chính vì thế lạm phát toàn cầu dự bán tăng từ 2% năm 2020 lên 2,8% và giảm dần từ năm 2022 xuống khoảng 2,5%.

Chúng tôi đồng tình với quan điểm của các tổ chức nghiên cứu quốc tế cho rằng, đây là lạm phát tạm thời, nhưng chúng ta không thể chủ quan vì tác động cũng có thể diễn ra khoảng 3-6 tháng hoặc lâu hơn.
Ở trong nước, áp lực lạm phát đến từ việc tăng giá nguyên vật liệu, chi phí logistics, giá lương thực, thực phẩm, giá bất động sản đất nền vừa qua… (dù khả năng Chính phủ sẽ không điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như điện, nước, y tế, giáo dục…).

Với tác động của các đợt dịch bệnh vừa qua, dự báo tăng trưởng năm 2021 khoảng 6,1-6,3% (theo kịch bản cơ sở của chúng tôi), thấp hơn mục tiêu của Chính phủ đề ra (6,5%), CPI bình quân tăng khoảng 3,4-3,6% (từ mức 3,2% năm 2020).

Phóng viên: Không chỉ lo nhập khẩu lạm phát mà áp lực lạm phát năm 2021 còn đến từ những yếu tố nội tại của nền kinh tế như nêu trên. Vậy đâu là căn cứ để yên tâm rằng có thể kiềm chế lạm phát ở mục tiêu đề ra, thưa ông?

TS Cấn Văn Lực: Lạm phát Việt Nam năm 2021 sẽ tăng nhưng không tăng quá nhanh và quá cao vì ba lý do. Một là, sức cầu còn rất yếu. Thí dụ ngành du lịch, có giảm giá mạnh cũng không thể kích cầu được ngay nếu dịch bệnh vẫn phức tạp. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tháng 5 vẫn giảm 3% so tháng 4 và giảm 1% so cùng kỳ, dù năm ngoái có mức tăng rất thấp.

Hai là, vòng quay tiền rất chậm. Về lý thuyết, nếu vòng quay đồng tiền nhanh và nhiều thì lạm phát tăng và ngược lại. Không riêng Việt Nam mà cả thế giới, vòng quay tiền chậm lại vì nền kinh tế thực khó khăn.

Song “đường đi” của tiền lại phức tạp hơn, “dòng tiền rẻ” luân chuyển khá nhanh vào các kênh đầu tư rủi ro như bất động sản, chứng khoán, tiền kỹ thuật số…và trở thành một trong những nguyên nhân gây ra cơn sốt, tăng nóng của các thị trường này thời gian qua.

Ba là, Chính phủ rất kiên định giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nên sự phối hợp trong công tác chỉ đạo phối hợp giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và điều hành giá khá nhịp nhàng.

Các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu được chỉ đạo cung ứng đầy đủ, kể cả khi giãn cách xã hội, nên từ đầu năm đến nay gần như không tăng giá.

Đó là lý do để tin tưởng lạm phát năm 2021 vẫn kiếm soát được ở mục tiêu Quốc hội giao là dưới 4%.

Phóng viên: Cảnh báo hiện tượng bong bóng tài sản đã được đưa ra ngay từ cuối quý 1-2021. Với tốc độ phục hồi kinh tế thế giới như hiện nay và khả năng kiểm soát dịch trong nước đến từ chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn đang triển khai trong cả nước, có lo ngại dòng tiền có tiếp tục chảy vào các lĩnh vực đầu tư rủi ro như chứng khoán, bất động sản, thưa ông?

TS Cấn Văn Lực: Thị trường bất động sản và chứng khoán vừa qua có hiện tượng tăng tương đối nhanh nên phải có cảnh báo và kiểm soát rủi ro. Giá bất động sản trong nước năm 2020 tăng 20-36% so với năm 2019, cao hơn so với mức tăng trung bình 5,6% của thế giới.

Giá đất nền vừa qua có hiện tượng sốt nóng tại nhiều địa phương có thông tin quy hoạch, phát triển hạ tầng mới hay sân bay, cầu cảng…như Bắc Giang, Thanh Hóa, Hải Phòng tăng 50-70%. Cơ quan quản lý đã nhận diện và có nhiều động thái vào cuộc nên cơn sốt đất nền đã tạm lắng xuống.

Đối với thị trường chứng khoán, tính đến cuối năm 2020, tổng dư nợ giao dịch ký quỹ tại các công ty chứng khoán đạt khoảng 81 nghìn tỷ đồng, tăng 26 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 48% so cuối năm 2019. Đến cuối quý 1-2021, dư nợ giao dịch ký quỹ đạt 101,4 nghìn tỷ đồng, tăng 53,6 nghìn tỷ đồng, tương đương với tăng 53% so cùng kỳ năm 2020.

Thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục xu hướng tăng, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại. Dư nợ cho vay bất động sản và chứng khoán của hệ thống ngân hàng vẫn đang ở trong phạm vi cho phép, chưa đến mức phải “phanh gấp” hay thắt chặt quá.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những động thái cảnh báo và kiểm soát dòng tiền mạnh hơn trong thời gian gần đây; và vì vậy, cơn sốt đất nền đã lắng xuống, dòng tiền tiếp tục được căn chỉnh.

Phóng viên: Không chỉ kiểm soát dòng tiền chảy vào kênh đầu tư rủi ro, yêu cầu đặt ra cho công tác điều hành là phải thúc đẩy tín dụng cho vay doanh nghiệp để phục hồi kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ngân hàng thương mại giảm 3-5% lãi suất cho vay; cơ cấu lại thời gian trả nợ; giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới để doanh bổ sung vốn lưu động để sản xuất kinh doanh. Theo ông, có còn dư địa để thực hiện các chính sách này?

TS Cấn Văn Lực: Về chính sách tiền tệ, tôi cho rằng thực hiện tốt Thông tư 03 (hiệu lực từ ngày 17-5-2021) của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã và đang có tác dụng hỗ trợ doanh thuận lợi hơn trong việc duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo đó, hai nội dung thay đổi có tác động lớn tới ngành ngân hàng, gồm quy định mở rộng phạm vi, thời gian đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và quy định lộ trình trích lập dự phòng rủi ro ba năm cho các khoản nợ tái cơ cấu, thay vì một lúc.

Đây là chính sách nhân văn nhằm hỗ trợ cả doanh nghiệp và ngân hàng. Doanh nghiệp được tái cơ cấu các khoản nợ mà không phải chuyển nhóm (đến hết năm 2023) sẽ có điều kiện tiếp tục vay vốn sản xuất, kinh doanh, với mức lãi suất đã về mức khá thấp.

Về phía ngân hàng tránh được cú sốc lợi nhuận nhờ có lộ trình trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, nợ xấu đã và đang tăng; các tổ chức tín dụng cần lưu ý vấn đề này, nhất là dịch bệnh còn phức tạp.

Còn vấn đề giảm lãi suất cho vay, tôi cho rằng lãi suất hiện nay không phải là điểm nghẽn vì nhu cầu tín dụng còn yếu. Việc giảm lãi suất, nếu có, không nên thực hiện đại trà mà có thể xem xét gói cho vay hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các nhóm chịu tác động lớn nhất bởi đại dịch Covid-19.

Tiền hỗ trợ lãi suất cần đến từ ngân sách như nhiều nước đang làm. Vấn đề này đã được đặt ra từ năm 2020 nhưng khó thực hiện vì còn băn khoăn không xác định được ngành nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Nhưng năm nay thì đã rõ.

Mức lãi suất cho vay có thể giảm xuống bằng khoảng 50% lãi suất thị trường và chắc chắn phải dùng nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện cấp bù lãi suất. Theo tính toán của chúng tôi, quy mô gói hỗ trợ này có thể khoảng 50-60 nghìn tỷ đồng, với thời gian cho vay khoảng một năm thì giá trị thực cấp bù lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng. Cần làm trọng tâm, trọng điểm, không đại trà, rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất năm 2009.

Ngoài ra, một trong những ngành chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 là hàng không. Sáu tháng đầu năm nay, hãng hãng không quốc gia Vietnam Airlines ước lỗ khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Chính phủ các nước đều tung tiền giải cứu để duy trì các hãng hàng không chứ không phải chỉ dừng ở hỗ trợ, vì đây là lĩnh vực rất quan trọng với nền kinh tế.

Theo đó, cần sớm tháo gỡ những vướng mắc để có thể giải ngân gói cho vay 4.000 tỷ đồng đối với Vietnam Airlines theo cơ chế đặc thù, tức là chấp nhận cho vay với tình hình tài chính thua lỗ. Với các doanh nghiệp hàng không tư nhân khác, cũng cần hỗ trợ, nhất là bằng cơ chế, chính sách…

Tất nhiên là hỗ trợ có thời hạn, có điều kiện cụ thể như yêu cầu DN tái cơ cấu, dùng năng lượng sạch hơn… Tôi tin là cơ hội phục hồi của ngành hàng không sau đại dịch là rất nhanh, khoảng 2-3 năm là cùng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo nhandan.vn

 

.
.
.