Tội phạm ma túy diễn biến nghiêm trọng, khó lường trong đại dịch
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), mặc dù dịch bệnh hoành hành nhưng tình hình tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường với phương thức, thủ đoạn rất mới, thường xuyên thay đổi.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) - Ảnh: VGP |
Nhấn mạnh mục tiêu kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện đã có những chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về các giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu này, nhân Tháng hành động phòng chống ma túy (tháng 6/2021).
Thưa Thiếu tướng, dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội cũng như tình hình tội phạm. Vậy hoạt động của tội phạm ma túy có những diễn biến, phương thức thủ đoạn mới như thế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: Thời gian vừa qua, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở được lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ để thực hiện phòng chống dịch COVID-19 nên tình hình buôn lậu ma túy qua tuyến đường bộ đã được hạn chế phần nào.
Tuy nhiên, trên tuyến hàng không, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, việc vận chuyển hành khách tạm dừng hoặc kiểm soát rất chặt chẽ, các đối tượng đã lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa quà biếu phi mậu dịch bằng tuyến đường hàng không để gửi hàng hóa có ngụy trang cất giấu ma túy rất tinh vi từ các nước châu Âu về Việt Nam và đi các nước tiêu thụ.
Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều đường dây vận chuyển trái phép các chất ma túy qua đường hàng không, chuyển phát nhanh và đường bưu điện từ các nước… về Việt Nam tiêu thụ, thu giữ một lượng lớn các loại ma tuý. Điển hình như chuyên án bắt giữ 127 kg ma túy từ châu Âu về Việt Nam vào giữa tháng 4 vừa qua.
Với tuyến hàng không, chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm rõ toàn bộ đường dây tội phạm cũng như không xác định được đối tượng cầm đầu ở nước ngoài bởi các đối tượng sử dụng thủ đoạn rất tinh vi. Tên, địa chỉ người gửi ở châu Âu, người nhận ở Việt Nam đều là giả, số điện thoại cũng là sim rác. Người đến nhận hàng cũng là người được thuê… Nếu phát hiện việc vận chuyển có bất thường, các đối tượng sẵn sàng bỏ hàng, không ra nhận, vì vậy, số vụ “vô chủ” chiếm tỷ lệ cao…
Ngoài ra, tuyến đường biển cũng đang nổi lên là tuyến trọng điểm về tội phạm ma túy. Các đối tượng phạm tội lợi dụng tuyến này để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam, quá cảnh Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ 3, trọng điểm là các cảng biển tại TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng... với thủ đoạn rất tinh vi.
Chúng tôi đã từng khám xét khẩn cấp container 20 feet đã được “kẹp chì” có trọng lượng gần 30 tấn (khai báo hàng hóa là đá granite) đang chuẩn bị để đưa xuống tàu tới cảng Incheon của Hàn Quốc vào 3h sáng ngày 19/7/2020 tại khu vực cảng Cát Lái, từ đó thu giữ 40 kg ma túy tổng hợp được giấu trong các khối đá granite.
Hiện chúng ta đang có lỗ hổng trong kiểm soát ma túy tuyến đường biển, với hàng trăm ngàn container tại các cảng như một “ma trận” việc kiểm soát là rất khó khăn.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các đối tượng còn sử dụng cả tàu ngầm để vận chuyển ma túy. Qua trao đổi với cảnh sát các nước, có thể có những chuyến hàng đi qua vùng biển của chúng ta, tuy nhiên việc phát hiện, bắt giữ còn rất hạn chế, khó khăn trong khi lực lượng trên tuyến này còn rất mỏng.
Với diễn biến mới của tình hình tội phạm ma túy như vậy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy sẽ tiếp tục phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước để kịp thời tham mưu với Bộ Công an, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp thích hợp.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, lực lượng chức năng vẫn liên tiếp phát hiện những vụ “bay lắc” trong quán karaoke, nhà trọ, khách sạn, biệt thự hạng sang…, Thiếu tướng có thể cho biết rõ hơn về tình hình này?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: Có thể nói, tình hình tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép ma túy tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Gần đây, ngoài một số cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự vẫn lén lút hoạt động, các đối tượng chuyển địa điểm sử dụng trái phép chất ma túy từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh, trật tự (do tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19) sang thuê, sử dụng nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy…
Từ năm 2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã có kế hoạch được lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt để giải quyết tình hình tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện.
Qua công tác nghiệp vụ, nếu Cục phát hiện các quán karaoke, bar, vũ trường… có dấu hiệu tụ tập, bay lắc, sử dụng ma túy thì chúng tôi sẽ chủ động xác minh, khi có căn cứ sẽ gửi văn bản đề nghị giám đốc công an địa phương giải quyết. Vấn đề này thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giám đốc công an địa phương. Nếu địa phương không giải quyết, tình trạng kéo dài gây bức xúc trong dư luận, Cục sẽ có kế hoạch giải quyết và báo cáo lãnh đạo Bộ Công an kiểm điểm, xem xét trách nhiệm người đứng đầu công an địa phương đó.
Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục rà soát, có kế hoạch giải quyết căn bản các tụ điểm phức tạp về mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó chú ý triệt xóa bằng được các tụ điểm tổ chức, chứa chấp, lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng trái phép ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm kg ma túy ketamine giấu trong các mô tơ điện - Ảnh: VGP/Hoàng Giang |
Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua trong kỳ họp thứ 11 và được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố mới đây. Xin Thiếu tướng cho biết một số điểm mới cơ bản của Luật Phòng, chống ma túy? Để đưa luật vào thực tiễn cuộc sống, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy có kế hoạch gì?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) so với Luật hiện hành có những điểm mới cơ bản như: Thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể một số bộ, ngành có chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy; bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc CAND, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan; cụ thể hóa các quy định về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; sửa đổi căn bản các quy định về công tác cai nghiện; quy định mới về quản lý sau cai nghiện….
Đáng chú ý nhất là việc bổ sung một Chương mới về Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy nhằm khắc phục những khoảng trống trong công tác này.
Hiện nay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đang tham mưu tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), trong đó tập trung xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền các nghị định, thông tư liên bộ, thông tư chuyên ngành hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy để bảo đảm đầy đủ hành lang pháp lý và đưa Luật vào thực tiễn đời sống khi có hiệu lực vào ngày 01/01/2022 tới đây.
Chống ma túy như chống dịch COVID-19
Với vai trò là lực lượng chủ công, nòng cốt trong phòng, chống ma túy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tập trung vào các giải pháp cụ thể nào để giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: Với quan điểm chống ma túy như chống dịch COVID-19, ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa, kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Trong công tác tham mưu chiến lược, Cục sẽ tiếp tục chủ động phối hợp thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ cụ thể đã được đề ra trong Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tiếp tục phối hợp tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025…
Đồng thời, tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy; đa dạng hóa các hình thức và biện pháp tuyên truyền, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ mới; chú trọng vào các đối tượng cần quan tâm đặc biệt như học sinh, sinh viên, công nhân, lái xe, đồng bào ở các khu vực biên giới dễ bị tội phạm lợi dụng...
Đối với giảm cung, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục phối hợp với các lực lượng chuyên trách (bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan), công an các đơn vị, địa phương đổi mới và tăng cường áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tập trung đấu tranh quyết liệt với các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia.
Đặc biệt, tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp lực lượng chức năng của các nước, các tổ chức trong khu vực và thế giới để trao đổi thông tin, xác lập đấu tranh chuyên án chung để đấu tranh với các đường dây ma túy xuyên quốc gia, truy bắt các đối tượng truy nã về ma túy của Việt Nam đang trốn ở nước ngoài và của nước ngoài đang trốn ở Việt Nam.
Ngoài giảm nguồn cung ma túy từ bên ngoài, Cục sẽ chỉ đạo, hướng dẫn hệ lực lượng tăng cường đấu tranh triệt phá các đường dây phạm tội ma túy ở trong nước; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan nắm, quản lý địa bàn, đối tượng, nhất là các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... nhập cảnh vào Việt Nam có biểu hiện phạm tội về ma túy, không để lợi dụng địa bàn Việt Nam để sản xuất, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Bên cạnh đó, phối hợp rà soát, kiểm tra, xử lý triệt để các vụ trồng cây có chứa chất ma túy; quản lý, kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất trong xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất và sản xuất, kinh doanh, không để tội phạm lợi dụng sản xuất trái phép ma túy tổng hợp trong nội địa. Tập trung vận động đầu thú, truy bắt các đối tượng truy nã về ma túy, không để đối tượng truy nã tiếp tục phạm tội, góp phần làm giảm tội phạm hình sự.
Về giảm cầu và giảm tác hại, Cục sẽ thường xuyên rà soát, thống kê, lập danh sách theo dõi, quản lý chặt chẽ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và phối hợp làm tốt công tác cai nghiện ma túy; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, không để người sử dụng trái phép ma túy, người nghiện ma túy gây ra các vụ phạm pháp hình sự.
Trước mắt, trong Tháng cao điểm phòng, chống ma túy, chúng tôi sẽ chỉ đạo hệ lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành công an thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Kế hoạch của Bộ Công an tổ chức thực hiện đợt cao điểm; đặc biệt là tuyên truyền, tấn công trấn áp tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào; tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia…
Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
(Theo baochinhphu.vn)