Thứ Năm, 08/07/2021, 12:09 (GMT+7)
.

Tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản

(ABO) Do tác động của dịch Covid-19 và nhiều yếu tố khác, tiêu thụ nông sản cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng, gặp không ít khó khăn. Đánh giá tình hình này, Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn cho biết:

Từ cuối năm 2019 đến nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ nông sản, đặc biệt là mặt hàng trái cây của tỉnh, chủ yếu là tiêu thụ tại thị trường trong nước (tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối, hệ thống phân phối…).

Tiêu thụ nông sản thời gian qua gặp không ít khó khăn.
Tiêu thụ nông sản thời gian qua gặp không ít khó khăn.
Do nhiều yếu tố tác động, giá một số loại nông sản của tỉnh gần đây cũng duy trì ở mức thấp. Chẳng hạn, thanh long dự kiến sản lượng thu hoạch trong tháng 7 là 21.934 tấn; giá thanh long ruột trắng dao động 4.000 - 10.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ từ 6.000 - 12.000 đồng/kg, tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với tuần trước. Dự kiến sản lượng khóm thu hoạch trong tháng 7 là 16.000 tấn, với giá dao động từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Mít dự kiến thu hoạch trong tháng 7 là 20.000 tấn, với giá loại 1 hiện nay là 12.000 đồng/kg, loại 2 là 8.000 đồng/kg và loại 3 khoảng 4.000 đồng/kg. Dự kiến bưởi thu hoạch trong tháng 7 là 5.836 tấn, với giá dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg. Sa pô dự kiến thu hoạch trong tháng 7 là 1.122 tấn, với giá từ 9.000 - 12.000 đồng/kg, ổn định so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, do đợt dịch lần 4 bùng phát và lan rộng nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong đó có Tiền Giang, nên các chợ truyền thống chủ yếu bán các mặt hàng thiết yếu, một số chợ tạm dừng hoạt động hoặc bị phong tỏa, các chợ trái cây của tỉnh hoạt động giảm hơn 50% số vựa (chẳng hạn như chợ trái cây Vĩnh Kim) hoặc chỉ bán cho người bán lẻ trong tỉnh (chợ trái cây Phường 4)…; các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh (chợ Hóc Môn, chợ Bình Điền…) tạm dừng hoạt động, người dân hạn chế ra đường do giãn cách xã hội, khó khăn trong khâu vận chuyển...

Bên cạnh đó, thời gian này đang vào vụ thu hoạch rộ, ngoài trái cây của tỉnh còn của các tỉnh khác; các doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến nông sản đang thiếu nhân công để thu mua và sơ chế; hệ thống kho lạnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu về sản lượng, nên việc tiêu thụ nông sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn và giá nhiều loại nông sản của tỉnh giảm mạnh.

* Phóng viên: Riêng lĩnh vực xuất khẩu nông sản như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Đặng Văn Tuấn: Riêng lĩnh vực xuất khẩu nông sản, trong thời gian qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, cùng với những hệ quả khác từ dịch bệnh như: Việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, thiếu container rỗng, nên hàng tàu delay thường xuyên không thể xuất hàng đi được; chi phí logistics tăng cao (tăng gấp 2 - 3 lần) so với năm 2019, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm... đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất khẩu các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Các sở, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.
Các sở, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh ước đạt 7.048 tấn, kim ngạch đạt hơn 13 triệu USD, tăng 12% về lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng rau quả chủ yếu là hàng đông lạnh với các mặt hàng theo mùa vụ của tỉnh như xoài, thanh long, chôm chôm…

Xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh chủ yếu xuất khẩu qua một số thị trường như: Australia đạt 704 ngàn USD, giảm hơn 46%; Trung Quốc đạt 245 ngàn USD, giảm gần 52%; Pháp đạt 623 ngàn USD, giảm 43%... so với cùng kỳ. Riêng thị trường Nhật Bản đạt hơn 2 triệu USD, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ; Hàn Quốc đạt 1,75 triệu USD, tăng hơn 86%... so với cùng kỳ.

Một số loại trái cây của tỉnh như: Thanh long, mít, bưởi… chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Thị trường này đã tiến hành kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thông thường do lo ngại dịch Covid-19 dễ lây lan qua biên giới; đồng thời, yêu cầu thực phẩm đông lạnh nhập khẩu nếu không có đầy đủ 4 loại giấy tờ: Chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu; chứng nhận khử trùng; chứng nhận thông tin truy xuất nguồn gốc hợp pháp; chứng nhận xét nghiệm axit nucleic âm tính với Covid-19…

* Phóng viên: Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ triển khai một số giải pháp trọng tâm như thế nào?

* Đồng chí Đặng Văn Tuấn: Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi tình hình thu mua và kinh doanh của các hợp tác xã, cơ sở kinh doanh các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh; tăng cường các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ qua các kênh phân phối như Big C, MM Mega, Bách Hóa Xanh; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đưa các mặt hàng nông sản (trái cây) lên Gian hàng Việt các Sàn thương mại điện tử như: Sendo, Shopee, Tiki, Voso, Postmart…

Bên cạnh đó, Sở Công thương thường xuyên liên hệ và nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang để thông tin đến doanh nghiệp; thông báo đến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản về các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm thúc đẩy tiêu thụ các loại nông sản, trái cây có lợi thế xuất khẩu tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU, Trung Đông, Nga, New Zealand; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung vào các hàng hóa nông sản như tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu các tỉnh, thành trong nước sau khi dịch bệnh được kiểm soát và nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường năng lực chế biến, đầu tư hệ thống kho bảo quản nông sản.

* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
Liên kết hữu ích
.