Cơ cấu lại nền kinh tế nhằm tăng sức chịu đựng trước những cú sốc
Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết 24/2016 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã được Chính phủ tập trung, nỗ lực triển khai một cách mạnh mẽ, đồng bộ nên đạt nhiều thành tựu. Tuy vậy, vẫn còn nhiều mục tiêu không hoàn thành. Việc xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế của giai đoạn trước, tăng sức chịu đựng của nền kinh tế trước những cú sốc. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang.
* PV: Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Đại biểu đánh giá như thế nào về dự thảo kế hoạch này?
* Đại biểu Nguyễn Minh Sơn: Dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 được Chính phủ chuẩn bị công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng, nội dung thể hiện được đầy đủ, bao quát các vấn đề về kết quả thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025. Tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Tuy nhiên, đánh giá về kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, tôi cho rằng, cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, 5 mục tiêu chưa hoàn thành (bao gồm 2 mục tiêu về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, 1 mục tiêu về cơ cấu lại đầu tư công, 1 mục tiêu về phát triển doanh nghiệp và 1 mục tiêu về đào tạo lao động) là những mục tiêu đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn hiện nay.
Điều này có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, là tiền đề đặc biệt quan trọng cho việc cơ cấu lại nền kinh tế trong những giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, cũng cần nhấn mạnh các hạn chế trong 4 nhóm nội dung gồm: Cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản còn hạn chế; cơ cấu lại ngành năng lượng bộc lộ nhiều hạn chế như: Phát triển năng lượng tái tạo (đặc biệt là năng lượng mặt trời) thiếu tính kế hoạch; cơ cấu lại ngành công nghiệp chưa tạo được nền tảng để từng bước hình thành, phát triển ngành công nghiệp quốc gia, nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển tự chủ của nền kinh tế; cơ cấu lại nền kinh tế chưa làm giảm được tình trạng phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, thị trường bên ngoài và một số nền kinh tế lớn.
Ngày 29 và 30-10, các ĐBQH tiếp tục thảo luận trực tuyến và thảo luận tổ về: Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Báo cáo các tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Phần thảo luận kết thúc vào chiều 30-10. Theo đánh giá của Chủ tọa kỳ họp, trong đợt 1, mặc dù họp trực tuyến, nhưng Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành và đảm bảo chất lượng các nội dung, chương trình đề ra. Sau 11 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành các nội dung, chương trình đợt 1. Đợt 2, các đại biểu sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 8 đến 13-11, để thảo luận tại hội trường, tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn, thông qua một số luật và nghị quyết; đồng thời, tiến hành phiên bế mạc. |
Ngoài ra, ở phần hạn chế, cũng cần phải lưu ý rằng, có những vấn đề tồn đọng từ giai đoạn trước, đề ra từ Đại hội XI, đến nay vẫn chưa có chuyển biến tích cực như: Kinh tế hộ nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, liên kết kém và ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; điều phối phát triển vùng thiếu liên kết, chưa phát huy lợi thế cạnh tranh địa phương và vùng; một số vùng kinh tế trọng điểm chưa đầu tư đúng mức, chưa phát huy vai trò đầu tàu kinh tế vùng…
* PV: Đại biểu nhận định như thế nào về những bài học kinh nghiệm, cũng như các nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 được nêu trong báo cáo của Chính phủ?
* Đại biểu Nguyễn Minh Sơn: Các nguyên nhân hạn chế còn nêu khá chung chung, chưa rõ và chưa sát với tồn tại, hạn chế. Cần tập trung làm rõ các nguyên nhân hạn chế cụ thể hơn để có giải pháp khắc phục trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, cần làm rõ nguyên nhân của hạn chế khiến không đạt 5/22 mục tiêu, trong đó có 2/3 mục tiêu trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế là cơ cấu lại đầu tư công và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Quốc hội bàn nhiều giải pháp cơ cấu lại DNNN, phát triển doanh nghiệp tư nhân, phát huy vai trò của doanh nghiệp FDI. |
Cụ thể, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chậm và thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Hiệu quả đầu tư công chưa cao, giải ngân chậm và gặp nhiều khó khăn, tình trạng lãng phí, chất lượng công trình thấp. Phát triển kinh tế tư nhân chậm so với kế hoạch, chưa phát huy được đầy đủ, hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển của kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân chưa thật hợp lý, không phải là nguyên nhân chủ yếu, như: Cách mạng công nghiệp 4.0 là nguyên nhân gây ra hạn chế chưa thuyết phục lắm và không gắn với các hạn chế đã nêu.
Tôi cho rằng, nguyên nhân của hạn chế, tồn tại, nên bổ sung nguyên nhân: Năng lực quản trị, điều hành đất nước trong điều kiện có những diễn biến bất thường còn hạn chế. Ngoài ra, các bài học kinh nghiệm được rút ra mới chỉ nêu bài học thành công, không có bài học chưa thành công. Việc chưa thực hiện được 5/22 mục tiêu cơ cấu lại thì cần rút ra bài học gì, để tránh lặp lại trong giai đoạn tiếp theo.
* PV: Với vai trò là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang, đại biểu có kiến nghị gì với dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, nhất là đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có tỉnh Tiền Giang?
* Đại biểu Nguyễn Minh Sơn: Về quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, tôi cho rằng, nên bổ sung quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế để tăng khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Thực tế từ bài học qua đại dịch Covid-19, hầu hết các nền kinh tế, dù tuyên bố hay không tuyên bố cũng đã tính toán đến khả năng có những cú sốc kinh tế tương tự và cơ cấu lại nhằm tăng sức chịu đựng của nền kinh tế trước những cú sốc, là một lựa chọn ưu tiên.
Tôi thống nhất với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, về mục tiêu, cần phân định rõ hơn mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế và các điều kiện, biện pháp để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế.
Đối với nhiệm vụ thứ nhất về hoàn thiện các mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân sách nhà nước, đầu tư công và tổ chức sự nghiệp công lập, theo tôi, cần phải xác định rõ điều kiện để chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thành công ty cổ phần.
Đối với nhiệm vụ thứ năm về nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, tăng cường thích ứng với biến đối khí hậu, theo tôi, nên đặt lại tên là cơ cấu ngành kinh tế, thay vì chỉ gọi là nâng cấp chuỗi giá trị. Cần làm rõ hơn ưu tiên, trọng tâm phát triển giữa các ngành, tiểu ngành trong nhóm nhiệm vụ này, bao gồm: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cơ cấu lại ngành công nghiệp, cơ cấu các ngành dịch vụ.
Vấn đề đặt ra trong cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở ứng dụng những tiến bộ của khoa học, công nghệ, dịch chuyển lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao; chú trọng xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm quốc gia trên thị trường quốc tế; thúc đẩy tiến độ các dự án công nghiệp lớn; đồng thời, xử lý quyết liệt các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã đi cụ thể vào từng lĩnh vực cơ cấu lại, nhưng chưa rõ bức tranh tổng quát. Chẳng hạn, kế hoạch cơ cấu lại đi vào cơ cấu lại DNNN, phát triển doanh nghiệp tư nhân, phát huy vai trò của doanh nghiệp FDI, nhưng không rõ bức tranh tổng thể quan hệ giữa 3 nhóm doanh nghiệp này.
Đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có tỉnh Tiền Giang, trước nhất phải phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng xây dựng một chiến lược phát triển chung, có cơ chế, chính sách, điều hành liên kết phát triển rõ ràng.
Tiếp đến, cần phải tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chú ý tận dụng tối đa cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Các địa phương thực hiện nghiêm việc đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu phát triển khu công nghệ cao, chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư cần có chọn lọc, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
THU HOÀI (thực hiện)