Từng bước phát huy vai trò các hội thành viên
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang (Liên hiệp Hội) có 28 hội thành viên và 17 thành viên liên kết. Trong nhiệm kỳ qua, cùng với sự hỗ trợ của Liên hiệp Hội, các Hội thành viên và thành viên liên kết đã có nhiều hoạt động thiết thực gắn với chuyên ngành; tham gia các hội thảo khoa học, sáng tạo nhiều mô hình, sản phẩm được ứng dụng rộng rãi mang lại giá trị kinh tế cao, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh nhà.
* CHỦ TỊCH HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH TIỂN GIANG ĐỒNG THỊ BẠCH TUYẾT:
Tạo điều kiện để phát huy các tài năng, sáng tạo
Là thành viên của Liên hiệp Hội, với chức năng của mình, Hội Khuyến học cùng ngành Giáo dục tạo mọi điều kiện từ tư vấn học tập đến điều tra, khảo sát hoàn cảnh, có kế hoạch hỗ trợ cho từng đối tượng, theo hoàn cảnh cụ thể bằng nhiều hình thức: Tư vấn, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đột xuất, phát học bổng hoặc tài trợ lâu dài để không có em nào dang dở việc học. 5 năm qua, Hội đã huy động được 334 tỷ đồng, thực hiện cho hoạt động khuyến học, khuyến tài.
Theo đó, từ các chương trình khuyến tài của Liên hiệp Hội tổ chức, Hội Khuyến học và ngành Giáo dục phổ biến thông tin, hướng dẫn tiêu chí, khuyến khích, động viên các trường tạo điều kiện cho các em học sinh, sinh viên, giáo viên và mọi người tham gia dự thi.
Trong kế hoạch hoạt động hằng năm, Hội luôn dành kinh phí để khen thưởng, động viên, khuyến khích tài năng tham gia các cuộc thi, chương trình phát huy tài năng do Liên hiệp Hội tổ chức. Điển hình như: Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và các chương trình khác do bộ, ngành phát động.
Khi có kết quả các cuộc thi, Hội Khuyến học dành những suất học bổng khen thưởng cho học sinh đoạt giải (ngoài phần khen thưởng của Liên hiệp Hội) với tinh thần khuyến khích tài năng, sáng tạo.
* PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐÔNG Y TỈNH TIỀN GIANG TRỊNH THỊ MAI:
Không ngừng nâng chất lượng khám, chữa bệnh bằng Đông y
Trong nhiệm kỳ III (2016 - 2021), là thành viên của Liên hiệp Hội, Hội Đông y luôn giữ vững truyền thống đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được cấp trên giao. Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội đã giúp cho Hội Đông y có cơ hội tham gia các hội thảo khoa học, học tập kinh nghiệm, đưa các ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào khám và điều trị bệnh, để hoạt động khám và điều trị bệnh bằng Đông y không ngừng phát triển, từng bước nâng cao chất lượng và tạo được uy tín với nhân dân.
Cụ thể, trải qua gần 40 năm hình thành và phát triển, Hội Đông y tỉnh Tiền Giang đã không ngừng phát triển hội viên. Tính đến nay, tổng số hội viên toàn tỉnh là 1.845 người, thành lập được 2 Phòng chẩn trị y học cổ truyền (YHCT) trực thuộc Hội Đông y tỉnh, 9 Phòng chẩn trị YHCT cấp huyện và 172 cấp xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 92 Phòng chẩn trị tư nhân, 39 cơ sở kinh doanh đông dược, 34 cơ sở điều trị miễn phí, 5 cơ sở thuốc Đông dược sản xuất 18 mặt hàng thuốc thành phẩm YHCT, 19 thực phẩm chức năng đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành toàn quốc. Trong đó có 6 đề tài sản xuất dưới dạng viên bao đường thuốc YHCT. Ngoài ra, còn có 5 cơ sở được Sở Y tế cấp phép sản xuất 18 mặt hàng thành phẩm dạng tự sản tự tiêu nhằm phục vụ tại các Phòng chẩn trị trong tỉnh.
* GIÁM ĐỐC KỸ THUẬT CÔNG TY TNHH TINH DẦU SẢ THÀNH CÔNG (HUYỆN GÒ CÔNG TÂY)
HUỲNH NGỌC MỪNG:
Lan tỏa những mô hình, sản phẩm mới đến cộng đồng
Những năm qua, được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ Liên hiệp Hội cùng các sở, ban ngành tỉnh, huyện, Công ty TNHH Tinh dầu sả Thành Công đã vay được 2 tỷ đồng không lãi suất và hỗ trợ không hoàn lại 750 triệu đồng trong quá trình nghiên cứu và chế tạo ứng dụng.
Chính nhờ sự đồng hành của Liên hiệp Hội và Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang, cùng với 10 năm nghiên cứu, tôi đã chế tạo thành công máy chiết xuất tinh dầu dùng cho nông hộ rất tiện ích. Chiếc máy này không chỉ giúp tạo đầu ra ổn định gắn với nâng cao giá trị nông sản, mà còn góp phần giải quyết tốt vấn đề môi trường, nhất là ở khu vực nông thôn.
Công ty còn tận dụng dung dịch sau khi chiết tách tinh dầu để thử nghiệm phun xịt xua đuổi sâu bọ, côn trùng trên rau màu và cho gia cầm uống để tăng sức đề kháng, phòng, trị bệnh đạt kết quả khả quan. Riêng bã sả (thu được sau quá trình chưng cất) được tôi tái sử dụng để làm phân hữu cơ hoặc cung ứng cho hộ trồng nấm rơm, nấm bào ngư sử dụng thay thế rơm rạ rất tốt.
Công trình nghiên cứu khoa học này đã đoạt giải 3 Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2019, đoạt giải Nhân tài Đất Việt. Có được thành tích này là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ Liên hiệp Hội. Tôi mong rằng, Liên hiệp Hội tiếp tục tổ chức các cuộc thi để các tập thể, cá nhân có cơ hội tham gia, lan tỏa những mô hình, sản phẩm mới đến cộng đồng trong thời gian tới.
NGỌC HÀ - TUẤN LÂM (lược ghi)