Thứ Ba, 18/01/2022, 08:21 (GMT+7)
.

Chăm lo người lao động có tết đầm ấm, an toàn

Tết Nguyên đán 2022 đã cận kề, trong khi bao người lao động, doanh nghiệp vừa trải qua một năm rất khó khăn do dịch Covid-19, vậy Công đoàn Việt Nam đã và sẽ làm gì để phần nào chăm lo cho người lao động có cái tết đầm ấm, không ai bị bỏ lại phía sau. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Ngọ Duy Hiểu, ĐBQH, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

a
Ông Ngọ Duy Hiểu, ĐBQH, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, đến thời điểm này, ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy sẽ có nhiều người lao động ở lại, không về quê ăn tết như mọi năm. Tổng LĐLĐ Việt Nam chăm lo tết cho nhóm đối tượng này thế nào?

Ông NGỌ DUY HIỂU: Công đoàn Việt Nam đang tập trung triển khai các hoạt động để chăm lo đời sống cho các đoàn viên công đoàn, người lao động tham gia sản xuất và đón Tết Nhâm Dần 2022. Hiện nhiều nhà máy đang gia tăng sản xuất để kịp đơn hàng, thậm chí tăng thêm ca kíp đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch. Vì vậy, nhiều người lao động không có nguyện vọng về quê ăn tết mà ở lại tiếp tục sản xuất cũng như đón tết tại chỗ.

Với những lao động ở lại, chúng tôi đã triển khai cho các cấp công đoàn tiếp tục các hoạt động chăm lo, hỗ trợ để giúp người lao động ăn tết trong điều kiện an toàn. Chúng tôi kêu gọi những lao động định về quê cần cân nhắc rất kỹ, các địa phương có hướng dẫn, tuyên truyền phù hợp cho người lao động thay vì sử dụng các biện pháp cực đoan, hạn chế việc về quê. Người lao động cũng phải cân nhắc để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình trong điều kiện dịch vẫn phức tạp như hiện nay.

Còn với lao động muốn về quê ăn tết, công đoàn hỗ trợ những gì để đảm bảo an toàn cho họ?

Với người có nhu cầu về quê đón tết, hiện nay công đoàn tại các doanh nghiệp và địa phương đang tiếp tục tổ chức những chuyến xe nghĩa tình để đưa người lao động về quê một cách an toàn. Khi tổ chức những chuyến xe này, chúng tôi cũng tổ chức test đầy đủ theo quy định, đảm bảo các biện pháp 5K trên toàn bộ chuyến đi hoặc lúc người lao động phải dừng lại ăn, nghỉ cũng phải đảm bảo các điều kiện an toàn nhất. Chúng tôi cũng hướng dẫn người lao động khi về với người thân, gia đình cần hạn chế việc di chuyển, thăm nom. Cũng phải hiểu là trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta phải chấp nhận những cái tết không trọn vẹn vì mục tiêu cùng chung tay phòng chống dịch.

a
Công nhân công ty Earth Corporation (Bình Dương) đang nỗ lực hoàn thành các đơn hàng đầu năm

Hiện đang có tình trạng mỗi địa phương có một phương án phòng chống dịch khác nhau, gây khó khăn cho người lao động ở xa về quê ăn tết. Tổng LĐLĐ Việt Nam có kiến nghị gì về việc này?

Trước hết, cần khẳng định đây là quyền của người lao động và chúng ta cũng đồng cảm với một bộ phận người lao động trong một thời gian dài đã phải giãn cách xã hội, chưa được về thăm người thân, chia sẻ với khó khăn của người thân. Tôi cho rằng, chúng ta cũng cần động viên để khuyến khích người lao động hạn chế di chuyển trong dịp tết. Người lao động không chỉ cần đảm bảo an toàn cho chính mình mà còn cho những người thân trong gia đình và cộng đồng. Đây cũng là nguồn lực để sau tết đảm bảo từ người lao động đến doanh nghiệp được an toàn, để tiếp tục nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tốt nhất.

Nhiều chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn đón tết

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Công đoàn Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với nhiều nội dung chi tiết; trong đó trọng tâm là chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an” tập trung ở cơ sở (khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế), các doanh nghiệp, ở nơi có đông người lao động nhưng phải phù hợp với tình hình thực tế, căn cứ diễn biến dịch Covid-19.

Năm nay, công đoàn tiếp tục tổ chức phương tiện đưa đón hoặc hỗ trợ toàn bộ, một phần vé tàu - xe - máy bay, phương tiện để đưa người lao động có nhu cầu về quê ăn tết và quay trở lại làm việc đảm bảo an toàn, thuận lợi, chu đáo, thực hiện đúng quy định phòng chống dịch. Cùng với đó, Công đoàn Việt Nam tiếp tục tổ chức các hoạt động vui xuân, thăm hỏi, động viên người lao động không có điều kiện về quê nhưng vẫn được đón tết đầm ấm, vui tươi, mang dấu ấn công đoàn. Trường hợp có nhiều người lao động không về quê đón tết do tình hình dịch Covid-19 hoặc theo yêu cầu phòng chống dịch thì công đoàn sẽ tổ chức chương trình trực tuyến “Tết không xa nhà” và các hình thức phù hợp với từng địa phương, đơn vị.

Dịp tết năm nay, công đoàn đã có kế hoạch hỗ trợ mỗi người lao động có đóng BHXH tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn; cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo, thăm hỏi từ nguồn tài chính công đoàn với mức 300.000 đồng/người.

Tổng kinh phí hỗ trợ trong dịp tết này là hơn 2.400 tỷ đồng.

Theo sggp.org.vn

.
.
.