.

Huyện Tân Phước: Quyết tâm tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông

Cập nhật: 08:13, 06/01/2022 (GMT+7)

Xác định giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, thời gian qua, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã chủ động triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và mở rộng nhiều tuyến đường giao thông quan trọng theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH) vùng Đồng Tháp Mười. Đánh giá về những kết quả đạt được trong những năm qua, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Đoàn Văn Tuấn cho biết:

Những năm qua, công tác đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện được quan tâm; hệ thống giao thông được nâng cấp, cải tạo đồng bộ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa có tải trọng lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư vào đầu tư lĩnh vực công nghiệp, thương mại, thúc đẩy phát triển KT- XH của huyện. Điều đó khẳng định Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về khâu “đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông” là hoàn toàn đúng đắn.

Đường tỉnh 878 đấu nối với cầu Nguyễn Văn Tiếp kết nối đường tỉnh 865 thúc đẩy phát triển vùng phía Tây huyện Tân Phước.
Đường tỉnh 878 đấu nối với cầu Nguyễn Văn Tiếp kết nối đường tỉnh 865 thúc đẩy phát triển vùng phía Tây huyện Tân Phước.

Hệ thống đường giao thông liên xã, giao thông nông thôn đầu tư mạnh mẽ, kết nối thông suốt từ trung tâm huyện đến các xã, thị trấn. Trong đó, các trục - tuyến đường then chốt đã được huyện đầu tư mở rộng, nâng cấp (láng nhựa và nâng cấp đường): Đường Tràm Mù (đường huyện 41) đoạn từ đường tỉnh 867 - UBND xã Thạnh Tân; đường Tây kinh Năng (đường huyện 44), đường Đông kinh Năng, đường đê 19-5; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trong cụm dân cư thị trấn Mỹ Phước.

Ngoài ra, huyện còn chú trọng đầu tư một số tuyến đường trục chính có khu, cụm công nghiệp, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười như: Đường Bắc Đông (đường huyện 40), đường Nam Trương Văn Sanh (đường huyện 42), xây dựng mới cầu kinh 3 (đường huyện 43), đường Tây kinh Tây (đường huyện 47)…

Có thể nói, trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 95 công trình (45 công trình cầu), tổng chiều dài trên 108 km, tổng kinh phí thực hiện 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư đường tỉnh 867 (đoạn từ cầu 500 đến cầu Tràm Mù) dài khoảng 7 km và sắp hoàn thành đường tỉnh 878 dài khoảng 6,5 km, rộng 11 m đấu nối vào Dự án Cầu Nguyễn Văn Tiếp, tạo thuận lợi cho việc lưu thông và vận chuyển hàng hóa ở khu vực phía Tây của người dân và các khu công nghiệp.

* Phóng viên (PV): Theo đồng chí, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng đường tỉnh 878 (đấu nối) vào cầu Nguyễn Văn Tiếp tác động như thế nào đến việc phát triển kinh tế vùng phía Tây của huyện Tân Phước?

* Đồng chí Đoàn Văn Tuấn: Hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp đồng bộ kết nối với các tuyến đường tỉnh qua địa bàn, tạo thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa có tải trọng lớn; phục vụ vận chuyển vật tư, nguyên liệu, hàng hóa cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất.

Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng đường tỉnh 878, cầu Nguyễn Văn Tiếp sẽ kết nối đường tỉnh 865 với đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao Thân Cửu Nghĩa tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông Tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp - Long An - Tiền Giang) với các tỉnh trong việc giao thương hàng hóa, từ đó tạo thuận lợi cho huyện Tân Phước phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, thu hút nhiều nhà đầu tư đến địa bàn huyện và còn nhiều triển vọng cho các dự án lớn, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiếp tục mở ra cho những năm tiếp theo.

* PV: Trong thời gian tới, huyện Tân Phước có những định hướng đột phá nào nhằm phát triển hạ tầng giao thông để tạo “luồng gió” mới cho giao thông của huyện?

* Đồng chí Đoàn Văn Tuấn: Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang. Theo đó, các dự án giao thông then chốt cần tập trung đầu tư nâng cấp như mở rộng đường tỉnh 867 (đoạn từ cầu Tràm Mù đến Bắc Đông) với quy mô mặt đường láng nhựa rộng 9 m phục vụ tốt hơn việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, kết nối giao thông qua Quốc lộ 62 - Long An và đường N2 đi TP. Hồ Chí Minh. Thông qua đó, huyện sẽ thuận lợi khai thác tiềm năng đất đai khu vực phía Bắc của huyện phát triển, với nhiều dự án quy hoạch được duyệt như: Cụm công nghiệp Thạnh Tân 75 ha, Khu chăn nuôi tập trung Thạnh Hòa 200 ha.

Thời gian qua, huyện Tân Phước đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông.
Thời gian qua, huyện Tân Phước đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông.

Đồng thời, huyện đẩy mạnh phát triển vùng Đồng Tháp Mười với dự án được xây dựng mới hoàn toàn có điểm đầu kết nối trực tiếp với nút giao Thân Cửu Nghĩa thuộc Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nằm trên địa bàn huyện Châu Thành và điểm cuối đấu nối vào vòng xoay thị trấn Mỹ Phước thuộc huyện Tân Phước, có chiều dài 12,5 km.

Đây là tuyến đường then chốt có tính đột phá phát triển vùng Đồng Tháp Mười, tuyến đường này được mở ra sẽ tạo thuận lợi cho các dự án lớn hình thành và phát triển như: Dự án Khu công nghiệp Tân Phước 1 (470 ha) ở xã Tân Lập 1, Khu công nghiệp Tân Phước 2 (300 ha) ở xã Tân Lập 2, Khu nông nghiệp công nghệ cao (200 ha) ở thị trấn Mỹ Phước.

Bên cạnh đó, huyện còn tập trung đầu tư, triển khai thực hiện các công trình giao thông nội vùng huyện đạt chuẩn theo quy hoạch để đến năm 2024 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Và đến năm 2025, huyện có 50% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Đặc biệt, đối với hệ thống đường giao thông nông thôn, huyện đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường giao thông nông thôn, đảm bảo kết nối thuận tiện với hệ thống đường huyện, đường tỉnh tạo thành mạng lưới đường hoàn chỉnh. Đồng thời, huyện mở rộng, nâng cấp các tuyến đường theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn; đầu tư các trục đường liên xã, liên ấp, cứng hóa mặt đường và đồng bộ hóa cầu cống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Đến năm 2030, huyện có 100% đường xã, liên xã đạt cấp kỹ thuật (tiêu chuẩn nền và mặt đường nông thôn loại A, B đạt chuẩn nông thôn mới).

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

TUẤN LÂM (thực hiện)

.
.
.