Thứ Ba, 15/03/2022, 14:37 (GMT+7)
.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tiêm chủng là yếu tố quyết định làm giảm ca COVID-19 nhập viện, ca nặng và tử vong

Sau một năm triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Việt Nam đã tiêm chủng được hơn 200 triệu liều, riêng Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân đầu năm 2022 đạt khoảng 18 triệu liều. GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã trao đổi về một số nội dung liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam.

b

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là yếu tố quyết định làm giảm ca COVID-19 nhập viện, ca nặng và tử vong.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết những bài học rút ra từ chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử của Việt Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Có thể nói rằng chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam đến nay đã thành công. Theo chúng tôi từ việc triển khai thành công chiến dịch này có thể rút ra nhiều bài học quý.

Thứ nhất, là cách tiếp cận với vaccine phòng COVID-19. Việt Nam tiếp cận đa nguồn đối với các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt.

Thứ hai, chúng ta đã sử dụng phương thức phân bổ vaccine hợp lý theo từng giai đoạn. Có giai đoạn ưu tiên vaccine cho các địa bàn có tình hình dịch nóng, ưu tiên cho đối tượng nguy cơ cao; nhưng cũng có giai đoạn chúng ta ưu tiên vaccine cho đảm bảo sản xuất một cách linh hoạt và hợp lý.

Thứ ba, đặc biệt quan trọng đó là Việt Nam đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử. Đến nay tỷ lệ tiêm các mũi vaccine cơ bản ở nước ta rất cao. Chúng ta đã sử dụng toàn bộ hệ thống y tế tham gia vào công tác tiêm chủng và đến nay trên toàn tuyến vẫn đang tiếp tục tiến hành tiêm mũi 3. Chúng ta cố gắng để sớm đi đến đích vào cuối tháng 3 này với độ bao phủ mũi 3 lên mức cao nhất.

Thứ tư, tăng cường công tác truyền thông. Các lực lượng truyền thông đã tham gia tích cực và hiệu quả cho chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19. Nhớ lại thời gian đầu có thể thấy người dân rất e ngại tiêm vaccine phòng COVID-19, có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Tuy nhiên, sau đó chúng ta tăng cường công tác truyền thông và đã đạt hiệu quả trong chiến dịch tiêm chủng.

Thứ năm, là sự phối hợp của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương. Đơn cử như việc vận chuyển vaccine. Lực lượng quân đội đã tham gia ngay từ đầu, thiết lập các kho bảo quản vaccine tại các quân khu, từ đó chuyển vaccine đến các địa phương một cách dễ dàng và thuận lợi, đảm bảo luôn luôn có vaccine cho công tác tiêm chủng.

Thứ sáu, là tham gia chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng chính quyền cơ sở trong công tác tiêm vaccine.

Một điểm nữa cần kể đến là thực hiện Chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân. Mặc dù trước đây, chưa bao giờ công tác tiêm chủng được triển khai vào mùa Xuân, nhất là những ngày Tết, nhưng năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định triển khai tiêm trong cả dịp Tết.

Có thể nói sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức tiếp cận vaccine, tổ chức chiến dịch tiêm vaccine đảm bảo cho chiến dịch tiêm chủng thành công.

b

Sau một năm triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Việt Nam đã tiêm chủng được hơn 200 triệu liều, riêng Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân đầu năm 2022 đạt khoảng 18 triệu liều.

PV: Hiện nay qua thống kê của Bộ Y tế cho thấy số ca mắc COVID-19 rất cao, tuy nhiên số ca bệnh tăng nặng và tử vong giảm so với trước đây. Vậy theo Bộ trưởng việc triển khai tiêm chủng có là yếu tố quyết định của việc này hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Việc tiêm chủng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc giảm tiến triển nặng của các ca bệnh COVID-19. Có thể nói rằng thời gian qua, chúng ta thấy số ca mắc COVID-19 ở nước ta gia tăng vì nhân tố biến chủng Omicron BA2 với sức lây lan rất nhanh so với biến chủng Omicron gốc.

Vai trò quan trọng của tiêm vaccine là làm giảm các ca bệnh nặng, điều này đã được chứng minh trong thực tiễn cho thấy giảm ca nhập viện, giảm ca nặng và ca tử vong rõ rệt dù số mắc ở nước ta gia tăng.

Khi chúng ta mở cửa, chúng ta chuyển phương thức quản lý rủi ro và quản lý yếu tố tăng nặng của bệnh nhân thay cho phương thức quản lý ca bệnh như trước đây. Hệ thống y tế ở nước ta tăng cường năng lực để có thể kiểm soát tốt tình hình dịch, kiểm soát tốt nguy cơ cũng như tỷ lệ tử vong với người mắc COVID-19.

PV: Hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên ở Việt Nam rất cao, tuy nhiên mục tiêu của Chính phủ là tất cả người dân Việt Nam được tiếp cận vaccine để phòng ngừa. Vậy thời điểm nào triển khai tiêm cho lứa tuổi nhỏ hơn, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Chúng tôi hiện nay đang lập kế hoạch, lên phương án tiêm vaccine cả về nhân lực, cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi và kể cả phương án tiêm mũi thứ 4 đối với người có bệnh nền và một số đối tượng cần bảo vệ.

Hiện Bộ Y tế đang giao cho các cơ quan chuyên môn, hội đồng khoa học, các chuyên gia để đánh giá, nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, hiệu quả để phù hợp với từng giai đoạn; Sẽ phân tích các yếu tố nguy cơ về những lợi ích và rủi ro để từ đó triển khai tiêm cho những đối tượng này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống

.
.
.