Chủ Nhật, 06/03/2022, 08:52 (GMT+7)
.
BS CKII LÊ ĐĂNG NGẠN, NGUYÊN PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TIỀN GIANG:

Việc cho trẻ đi học trực tiếp để hòa nhập cộng đồng là cần thiết

(ABO) Sau nhiều nỗ lực, Tiền Giang đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Hiện nay, toàn tỉnh là "vùng xanh", ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà đã mở cửa lại tất cả trường học, cho học sinh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông trở lại trường học trực tiếp.

a
BS CKII Lê Đăng Ngạn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang. Ảnh: HẠNH NGA

Tuy nhiên, trong thời gian qua, có một số học sinh bị nhiễm Covid-19, gây lo lắng cho phụ huynh. Để giúp phụ huynh an tâm, đồng thuận với ngành Giáo dục trong việc mở cửa lại trường học, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã trao đổi với BS CKII Lê Đăng Ngạn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang xoay quanh các vấn đề trên.

* PV: Hiện nay, việc học sinh trở lại trường học trực tiếp là rất cần thiết, được xã hội đồng thuận cao. Thế nhưng, khi các em đến trường học trực tiếp, có một số ít học sinh dương tính với SARS-CoV-2 khiến cho phụ huynh rất lo lắng. Từ đó, phụ huynh mong muốn nhà trường tổ chức dạy online đối với lớp có học sinh F0. Bác sĩ có lời khuyên gì để phụ huynh an tâm?

* BS CKII Lê Đăng Ngạn: Tỉnh Tiền Giang hiện đang từng bước phục hồi các hoạt động một cách linh hoạt trong điều kiện bình thường mới do đã kiểm soát được dịch Covid-19. Số ca mắc đã giảm hẳn và trong nhiều ngày liên tục không có ca tử vong do Covid-19. Đây là kết quả của việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đạt miễn dịch cộng đồng; do tiêm vắc xin với độ bao phủ rất cao, sử dụng thuốc kháng vi rút, tiếp tục thực hiện 5K.

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, việc giao lưu, đi lại của người dân từ các vùng miền, các nước, nơi có tỷ lệ tiêm chủng khác nhau và cấp độ dịch cũng khác nhau làm tăng nguy cơ lây truyền và bùng phát dịch. Việc cho học sinh học trực tiếp tại các lớp học sẽ gia tăng số ca mắc trong nhà trường, đặc biệt ở các khối lớp nhỏ chưa được tiêm vắc xin. Do đó, việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện từ nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch một cách chủ động là điều kiện bắt buộc trong việc dạy và học trực tiếp; phát hiện sớm, cách ly, kiểm soát hiệu quả không để dịch lây lan.

Hiện nay, chủng Omicron của SARS-CoV-2 đang dần ưu thế, có đặc điểm là lây rất nhanh, không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như viêm đường hô hấp trên, rối loạn tiêu hóa, tự hồi phục trong 1 - 2 tuần. Do bệnh lây lan nhanh nên những trẻ tiếp xúc gần với người bệnh từ gia đình, trong lớp học nhiều khả năng đã bị lây nhiễm. Điều này có nghĩa là nguồn lây có thể từ gia đình, những người hàng xóm hoặc từ học sinh cùng lớp, cùng trường. Như vậy, việc cho trẻ học trực tuyến hay trực tiếp cũng đều có nguy cơ lây nhiễm nếu có tiếp xúc người bệnh.

* PV: Đối với nhóm trẻ chuẩn bị được tiêm ngừa (từ 5 đến 11 tuổi) và nhóm trẻ không được tiêm ngừa (dưới 5 tuổi) thì việc đi học trực tiếp khiến cho phụ huynh rất lo lắng. Ý kiến của bác sĩ về vấn đề này như thế nào?

* BS CKII Lê Đăng Ngạn: Trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình dịch đã được kiểm soát, việc cho trẻ đi học trực tiếp để hòa nhập cộng đồng là cần thiết trong thời gian dài giãn cách, và chúng ta cũng hình dung nguy cơ con em chúng ta có thể bị nhiễm bệnh. Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ, thầy cô giáo rất quan trọng khi hướng dẫn các cháu những biện pháp phòng, chống nhiễm bệnh, nhất là sau khoảng thời gian dài các cháu sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh nên trẻ cần phải được chăm sóc, rèn luyện, nhắc nhở thường xuyên.

"Trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình dịch đã được kiểm soát, việc cho trẻ đi học trực tiếp để hòa nhập cộng đồng là cần thiết trong thời gian dài giãn cách, và chúng ta cũng hình dung nguy cơ con em chúng ta có thể bị nhiễm bệnh."

BS CKII LÊ ĐĂNG NGẠN

Ngoài ra, Bộ Y tế vừa có Quyết định 457 cho phép tiêm vắc xin Pfizer phòng Covid-19 liều 0,2 ml chứa 10 mcg cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch và sẽ triển khai sớm ngay khi nhận được phân bổ vắc xin để bảo vệ cho trẻ ở nhóm tuổi này.

a
Việc cho trẻ đi học trực tiếp để hòa nhập cộng đồng là cần thiết. Ảnh: PHI CÔNG

* PV: Theo bác sĩ, nếu trẻ đến trường không may bị nhiễm Covid-19 thì phụ huynh và nhà trường cần có hướng xử lý như thế nào để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo việc mở cửa trường học không bị gián đoạn?

* BS CKII Lê Đăng Ngạn: Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp, quy trình xử trí khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 trong cơ sở giáo dục như sau:

Đối với các phụ huynh học sinh khi phát hiện con có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… thì cho học sinh nghỉ tại nhà, báo ngay cho nhà trường, cơ quan y tế để có biện pháp xử lý thích hợp.

Trường hợp phát hiện ca mắc Covid-19 ngay trong trường, thầy cô cần chuyển học sinh này xuống phòng cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã/phường hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để ngay lập tức cùng xử lý.

Đối với lớp có học sinh mắc Covid-19: Cho học sinh ngồi yên tại chỗ, điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành Y tế. Tổ chức test kháng nguyên nhanh mẫu gộp cho toàn bộ học sinh của lớp đó. Cho học sinh di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học.

Những học sinh không phải là F1 khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đi học bình thường. Trường hợp học sinh là F1, cho ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định.

Về thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà: Đối với trường hợp học sinh F1 đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, ở nhà không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7, âm tính, cho đi học trở lại; đối với học sinh F1 chưa được tiêm vắc xin, cho nghỉ tại nhà, theo dõi chặt các biểu hiện, xét nghiệm theo quy định; nghỉ học không quá 14 ngày.

Nếu không có sự giao lưu, tiếp xúc giữa F0 với học sinh lớp khác, các lớp này vẫn đi học bình thường.

* PV: Một số phụ huynh rất băn khoăn trong việc có nên cho con em của mình (từ 5 đến 11 tuổi) tiêm ngừa Covid-19, theo bác sĩ thì sao?

* BS CKII Lê Đăng Ngạn: Tại Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ đã ghi nhận hơn 1,9 triệu trẻ em đã bị nhiễm bệnh và gần 100 trẻ đã chết, nằm trong nhóm 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy sự gia tăng gần đây về các trường hợp trẻ em mắc Covid-19 ở nhóm tuổi nhỏ tại Việt Nam. Theo dữ liệu của FDA, vắc xin Pfizer có hiệu quả 90,7% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong ở trẻ em.

Đầu tháng 11-2021, CDC Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo chính thức về việc tiêm chủng vắc xin Pfizer ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Liều dùng bằng 1/3 liều được phép dùng cho những người từ 12 tuổi trở lên. Hai mũi vắc xin Pfizer sẽ được tiêm cách nhau 3 tuần, phản ứng phụ ghi nhận tương tự như những phản ứng ở thanh, thiếu niên và người lớn. Trẻ sẽ được theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm tại nơi tiêm và tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 7 ngày đầu sau tiêm. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường liên hệ ngay với trạm y tế gần nhất qua số điện thoại trên phiếu tiêm ngừa; tiếp tục thực hiện 5K.

Như vậy, việc bảo vệ trẻ em bằng vắc xin ngừa Covid-19 là cần thiết khi trẻ trở lại trường học, tham gia vào các hoạt động học tập và sinh hoạt.

* PV: Bác sĩ có lời khuyên gì cho phụ huynh, học sinh và nhà trường khi học sinh trở lại trường học trực tiếp?

* BS CKII Lê Đăng Ngạn: Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng nhóm tuổi người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên trên địa bàn Tiền Giang rất cao, trẻ đã được bảo vệ bằng vắc xin nên khi nhiễm bệnh đều nhẹ và tự hồi phục nên quý phụ huynh không nên lo lắng quá mức về việc cho trẻ học trực tiếp. Nhà trường cần đảm bảo các điều kiện theo quy định về cơ sở vật chất, kiểm soát nhiễm khuẩn bảo đảm an toàn cho trẻ.

Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế theo dõi số ca mắc tại các trường, lớp để đánh giá mức độ nguy cơ và giải pháp phù hợp cho từng thời điểm. Ngoài ra, việc phụ huynh chủ động phối hợp với nhà trường, gia đình trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo của ngành Y tế, phát hiện sớm nhất các trường hợp trẻ mắc bệnh, cách ly theo dõi, điều trị, phòng lây nhiễm cho bản thân, gia đình và cộng đồng là quan trọng, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như có bệnh lý nền, béo phì, nhóm trẻ nhỏ chưa đưọc tiêm vắc xin.

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

THIÊN QUANG (thực hiện)

 

.
.
.