Thứ Sáu, 22/04/2022, 10:47 (GMT+7)
.
BÁC SĨ CHUYÊN KHOA 2 VÕ THÀNH NHƠN, PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TIỀN GIANG:

Vắc xin phòng Covid-19 có hiệu quả bảo vệ rõ rệt cho trẻ

Theo thống kê ban đầu, Tiền Giang có khoảng 173 ngàn trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc nhóm đối tượng ưu tiên được Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong đợt này. Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Võ Thành Nhơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang trao đổi xoay quanh vấn đề tổ chức tiêm chủng cho trẻ em an toàn và những khuyến cáo cần thiết trong chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.

* Phóng viên (PV): Sáng 20-4, Tiền Giang đã khởi động chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn. Vậy kế hoạch thực hiện tiêm chủng cho trẻ đợt này sẽ như thế nào, thưa bác sĩ?

* BSCK2 Võ Thành Nhơn: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc tiêm vắc xin để bảo vệ nhóm trẻ nhỏ là vấn đề được thế giới và nước ta đặc biệt quan tâm. Rất nhiều quốc gia đã tiến hành tiêm vắc xin cho trẻ em và cho thấy hiệu quả bảo vệ rõ rệt của vắc xin. Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã được triển khai và cho thấy tính an toàn của vắc xin.

Căn cứ Công văn 1535 ngày 28-3-2022 của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin cho nhóm đối tượng này. Ngày 18-4 vừa qua, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 13 ngàn liều vắc xin Covid-19 cho trẻ em của Moderna do Bộ Y tế phân bổ đợt đầu tiên. Với lượng vắc xin tiếp nhận được, chúng tôi đã phân bổ đến các đơn vị tiêm chủng trong toàn tỉnh để triển khai tiêm cho trẻ.

Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh có gần 173 ngàn trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, tập trung nhiều nhất tại huyện Cái Bè với trên 32 ngàn trẻ, kế đến là huyện Châu Thành hơn 23 ngàn trẻ, TP. Mỹ Tho hơn 21 ngàn trẻ; huyện có số lượng trẻ ít nhất là Tân Phú Đông với hơn 5 ngàn trẻ.

Dự kiến trong tháng 4-2022, Tiền Giang sẽ hoàn tất tiêm mũi 1 và tiếp tục tiến hành tiêm mũi 2 cách mũi 1 sau 4 tuần. Theo hướng dẫn chuyên môn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chúng tôi tổ chức tiêm theo từng nhóm học sinh khối lớp 6, 5, 4, sau đó đến nhóm học sinh khối lớp 3, 2, 1 và sau cùng là khối mầm non. Mục tiêu của chiến dịch là trên 95% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm đủ liều cơ bản vắc xin phòng Covid-19.

Chúng tôi triển khai tiêm chủng với hình thức chiến dịch, tổ chức đồng loạt tại tất cả các điểm tiêm của các cơ sở y tế, trường học và các điểm tiêm lưu động do các đơn vị đủ điều kiện tiêm chủng tổ chức trên địa bàn tỉnh thực hiện khi được cung cấp đủ vắc xin. Loại vắc xin sử dụng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm liều cơ bản là vắc xin Pfizer hoặc Moderna.

* PV: Bác sĩ có thể cho biết về tính an toàn của vắc xin Pfizer và Moderna được sử dụng tiêm cho trẻ đợt này là như thế nào?

* BSCK2 Võ Thành Nhơn: Trong các thử nghiệm trước khi FDA phê duyệt và sau khi đưa vào sử dụng cho thấy, hầu hết các tác dụng phụ là nhẹ đến trung bình và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào liên quan đến tiêm chủng được báo cáo, không có sự việc nghiêm trọng nào liên quan đến tiêm chủng được ghi nhận.

Phản ứng toàn thân trong 7 ngày sau khi tiêm chủng chiếm 86,2%, đại đa số là nhẹ đến trung bình. Các phản ứng thường ít xảy ra hơn ở trẻ từ 5 - 11 tuổi so với những người từ 16 - 25 tuổi. Các phản ứng sau liều thứ 2 nhiều hơn sau liều đầu tiên, khởi phát trung bình từ 1 - 2 ngày sau khi tiêm chủng và hết sau 1 - 2 ngày.

Viêm cơ tim là một tác dụng hiếm gặp và nghiêm trọng có liên quan đến vắc xin Covid-19 dựa trên mRNA; tỷ lệ báo cáo về viêm cơ tim do vắc xin xuất hiện cao nhất ở nam giới từ 12 - 29 tuổi. Đến nay, hiếm gặp viêm cơ tim ở trẻ từ 5 - 11 tuổi và diễn biến lâm sàng nhẹ.

Từ đánh giá cho bằng chứng chắc chắn về lợi ích của việc tiêm chủng ở trẻ từ 5 - 11 tuổi đối với việc phòng ngừa triệu chứng Covid-19 đã được xác nhận. Trong đó giảm 91% khả năng mắc hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) khi tiêm đủ hai liều vắc xin.  Như vậy, tiêm phòng là biện pháp quan trọng để bảo vệ trẻ em chống lại Covid-19 và giảm sự lây truyền SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

* PV: Để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, ngành Y tế đã triển khai những giải pháp gì, thưa bác sĩ?

* BSCK2 Võ Thành Nhơn: Việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã được tỉnh chuẩn bị kỹ lưỡng. Cụ thể, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm chủng cho trẻ đang đi học từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp chính quyền địa phương để lập danh sách. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai ngay khi được phân bổ vắc xin.

BSCK2 Võ Thành Nhơn và lãnh đạo Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho giám sát tiêm chủng cho trẻ em tại Trường THCS Bảo Định, TP. Mỹ Tho vào sáng 20-4-2022.
BSCK2 Võ Thành Nhơn và lãnh đạo Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho giám sát tiêm chủng cho trẻ em tại Trường THCS Bảo Định, TP. Mỹ Tho vào sáng 20-4-2022.

Dù đã thực hiện tiêm chủng thành công cho nhóm tuổi lớn và vắc xin sử dụng được đánh giá là an toàn, nhưng chúng tôi cũng đã thận trọng tập huấn lại cho lực lượng trực tiếp tham gia tiêm chủng cho trẻ em đợt này. Trong đó, chúng tôi lưu ý rất kỹ phải thực hiện khám sàng lọc trước tiêm, cách theo dõi, chăm sóc trẻ sau khi tiêm chủng.

Chúng tôi tổ chức giám sát, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình tổ chức triển khai tiêm chủng. Nói chung là chúng tôi đã quán triệt nguyên tắc tổ chức tiêm vắc xin an toàn, khoa học, hiệu quả theo các hướng dẫn đã ban hành của Bộ Y tế.

* PV: Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với phụ huynh trong việc chăm sóc trẻ trước và sau tiêm vắc xin?

* BSCK2 Võ Thành Nhơn: Để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình tiêm chủng, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý cẩn thận, chăm sóc và theo dõi trẻ trước, trong và sau quá trình tiêm chủng. Kịp thời phát hiện những triệu chứng bất thường nguy hiểm với trẻ. Trước khi con trẻ tiêm phòng vắc xin, cha mẹ và người chăm sóc cần tìm hiểu đầy đủ về tác dụng của tiêm vắc xin phòng Covid-19 đối với trẻ.

Trước khi đưa trẻ đi tiêm, cần chuẩn bị tâm lý thật tích cực cho trẻ. Cha mẹ cần cho trẻ ăn, uống đầy đủ trước và sau khi tiêm, không để trẻ tiêm vắc xin trong tình trạng đói hay quá no. Tại điểm tiêm chủng, cần thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế. Ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm và thông báo ngay với cán bộ y tế khi trẻ có dấu hiệu bất thường.

Các phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng giống như các phản ứng ghi nhận ở đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Sau khi về nhà, để trẻ nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh, tập thể dục trong 3 ngày sau tiêm, cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ dinh dưỡng.

Nếu trẻ sốt, sưng, đau tại vết tiêm thì đây là những phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc xin. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5oC, cho trẻ hạ sốt theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như lừ đừ, bỏ ăn, quấy khóc dai dẳng, đau ngực, mệt lả, vã mồ hôi, khó thở… khi hoạt động bình thường và khi nằm; sốt cao khó hạ nhiệt độ hoặc kéo dài hơn 24 giờ, vân tím, phát ban trên da thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

Phụ huynh tuyệt đối không đắp lá cây hay bôi thuốc lạ lên vị trí tiêm. Nếu trẻ sưng đau nhiều hay sốt, phụ huynh cho con uống thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường như paracetamol với liều lượng 10 - 15 mg/kg cân nặng của trẻ.

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)
 

.
.
Liên kết hữu ích
.