Cần hiểu về lịch sử nước nhà, để có hành động, ứng xử phù hợp với môn học Lịch sử
Làm gì để học sinh yêu thích môn Lịch sử, giải pháp nào để những giờ học sử sẽ không còn khô khan,… là những trăn trở rất lớn không chỉ của ngành Giáo dục, mà còn là vấn đề quan tâm của dư luận xã hội. Để bạn đọc có thêm góc nhìn về môn Lịch sử, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp, nguyên Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tiền Giang, người có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu lịch sử.
* PV: Thưa Tiến sĩ, thời gian gần đây thông tin đưa môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở bậc THPT đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm của Tiến sĩ về vấn đề này như thế nào?
* Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp: Theo tôi được biết, Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) soạn thảo và đã được thông qua từ 2018, môn Lịch sử được bố trí giảng dạy như sau: Ở bậc Tiểu học, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, trên cơ sở đó khơi dậy sự say mê, hứng thú học tập và bước đầu phát triển những năng lực cơ bản của học sinh.
Ở bậc THCS - giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung chương trình môn Lịch sử ở bậc học này trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.
Ở bậc THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội.
Theo Bộ GD-ĐT, sự sắp xếp môn Lịch sử là môn tự chọn trong tổ hợp các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế. Cá nhân tôi nghĩ rằng, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình toàn cầu hóa và sự hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng. Nước ta cũng nằm trong xu thế đó, tuy nhiên trong đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chúng ta cần giữ vững bản sắc và nét đặc thù của Việt Nam để không bị “hòa tan”. Giáo dục của chúng ta phải tính đến sự đặc thù trong chương trình giáo dục phổ thông.
Một số nước Âu Mỹ, do hoàn cảnh lịch sử khác Việt Nam, nên họ xếp môn lịch sử là môn tự chọn ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Nhưng ở Việt Nam lại khác, lịch sử của nước ta là lịch sử của hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Cả dân tộc Việt Nam từ thời cổ đại đến thời hiện đại và ngay cả trong thời đương đại đã kiên cường và hy sinh không biết bao nhiêu xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do cho đất nước. Các dân tộc trên thế giới, dân tộc nào cũng có lòng yêu nước.
Tuy nhiên, do phải liên tục đấu tranh chống các thế lực ngoại xâm hùng mạnh, nên lòng yêu nước ở Việt Nam phát triển thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Đó là sức mạnh vô địch để cả dân tộc ta muôn người như một, đoàn kết, thống nhất trong ý chí và hành động để sẵn sàng chiến đấu, chiến thắng giặc ngoại xâm.
Chúng ta phải thấy đó là truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa kiên cường, là nét đặc thù độc đáo của dân tộc ta. Chính vì thế, việc môn Lịch sử, nhất là lịch sử Việt Nam xem là môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông cần phải được các cấp có thẩm quyền xem xét thấu đáo.
Việc đưa môn Lịch sử trở thành môn tự chọn nhằm góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong tương lai. (Trong ảnh buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp cho học sinh tỉnh Tiền Giang năm 2021). |
Bởi ở bậc trung học phổ thông, Lịch sử là môn tự chọn nằm trong tổ hợp các môn Khoa học xã hội. Khi đó, chắc chắc sẽ có một số không nhỏ học sinh không được học lịch sử. Câu hỏi đặt ra là việc cung cấp tri thức liên tục về lịch sử Việt Nam thời hiện đại sẽ như thế nào? Việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho học sinh bậc trung học phổ thông sẽ ra sao? Đây là câu hỏi mà dư luận rất quan tâm.
Tôi được biết năm 2022 là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT, trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GD-ĐT tiếp tục lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tôi kỳ vọng nền giáo dục nước ta tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhưng phải đảm bảo được tinh thần dân tộc, hiểu sâu sắc về nguồn cội đảm bảo khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trong quá trình hội nhập quốc tế.
* PV: Theo đánh giá của Tiến sĩ, việc dạy và học môn Lịch sử ở tỉnh Tiền Giang thời gian qua đã đổi mới thế nào?
* Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp: Tôi nhớ, vào năm 1985, lúc tôi tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và được phân công làm công tác giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang, vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy nói chung và phương pháp giảng dạy môn Lịch sử nói riêng đã được đặt ra. Ở thời điểm đó, cứ vào dịp thay sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT thường tổ chức các lớp tập huấn đổi mới phương pháp giảng dạy môn Lịch sử. Sở GD-ĐT tập huấn cho giáo viên môn Lịch sử ở địa phương.
Trên thực tế, giảng viên môn Lịch sử ở trường sư phạm và giáo viên môn lịch sử các bậc học đã thực hiện việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn Lịch sử với nội dung chính là dạy - học tích cực, lấy học sinh - sinh viên làm trung tâm, là chủ thể trong quá trình dạy - học. Người thầy giữ vai trò hướng dẫn, điều khiển, hỗ trợ cho chủ thể hoạt động để lĩnh hội tri thức và phát triển tư duy.
Trong thời gian công tác ở Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang từ năm 1985 - 2005, tôi là cộng tác viên chuyên môn của Sở GD-ĐT, nên có điều kiện tham dự các buổi hội giảng môn Lịch sử và dự giờ đột xuất. Qua đó, tôi nhận thấy giáo viên môn Lịch sử của tỉnh nhà thực hiện khá tốt việc đổi mới giảng dạy môn Lịch sử. Hầu hết các trường đều có giáo cụ trực quan phục vụ cho việc giảng dạy. Cách ra đề thi cũng thay đổi, từ hình thức tự luận chuyển sang hình thức trắc nghiệm khách quan với các câu hỏi không quá chú trọng đến việc ghi nhớ máy móc, mà chủ yếu là các câu hỏi nhằm phát triển tư duy học sinh.
* PV: Tuy nhiên dư luận cho rằng môn Lịch sử vẫn chưa tạo được sức hút đối với học sinh. Ở góc độ là người giảng dạy, nghiên cứu về lịch sử nhiều năm qua, theo Tiến sĩ cần phải làm gì để việc dạy và học môn Lịch sử được tốt hơn?
* Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp: Theo tôi, để việc dạy và học môn Lịch sử tốt hơn và thật sự hấp dẫn với học sinh, giáo viên cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Bên cạnh lòng yêu nghề, giáo viên cần ra sức trau dồi nghiệp vụ sư phạm, sử dụng nhuần nhuyễn và linh hoạt các phương pháp giảng dạy. Cần biến những sự kiện lịch sử thành những câu chuyện gần gũi hơn, gắn với học sinh nhiều hơn, tạo điều kiện cho các em cùng sáng tạo trong từng tiết học, tránh lối dạy theo kiểu “hàn lâm” đọc - chép. Bên cạnh đó, giáo viên môn Lịch sử cần thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy bộ môn, rồi dự giờ, hội giảng, họp chuyên môn,...
Bên cạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, cần phải đổi mới cả phương thức kiểm tra, đánh giá học sinh. Thay vì cho các em làm bài kiểm tra viết như trước đây, giáo viên có thể thay đổi hình thức kiểm tra như cho học sinh thuyết trình, làm sản phẩm học tập, viết báo cáo, sân khấu hóa,… Như vậy, học sinh sẽ không còn ngán ngẫm với những bài kiểm tra mang tính hàn lâm, số liệu khô khan.
Ngành Giáo dục, nhà trường nên quan tâm đến những khoản kinh phí hợp lý để mua sắm trang thiết bị cần thiết cho việc giảng dạy môn Lịch sử, tổ chức cho học sinh được học môn Lịch sử ở ngoài nhà trường như bảo tàng, “địa chỉ đỏ”, các di tích lịch sử... Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ học sinh và bản thân học sinh trong việc học tập môn lịch sử, để mỗi người hiểu lịch sử không chỉ là một phần của đất nước nói chung, mà thực ra là một phần trong mỗi con người chúng ta, từ đó có hành động, ứng xử phù hợp với môn học này.
* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!
GIA TUỆ - ĐỖ PHI (thực hiện)