.
CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH TIỀN GIANG VÕ VĂN LẬP:

Chương trình OCOP đã phát huy hiệu quả

Cập nhật: 09:02, 25/07/2022 (GMT+7)

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai từ năm 2019, đến nay Tiền Giang đã xây dựng và công nhận 119 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 75 sản phẩm 4 sao và 44 sản phẩm 3 sao, với 36 chủ thể tham gia (có 8 hợp tác xã, 22 doanh nghiệp và 6 hộ sản xuất, kinh doanh). Đánh giá về hiệu quả và sức lan tỏa của Chương trình OCOP, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang) Võ Văn Lập cho biết:

Sản phẩm sau khi được đánh giá, các chủ thể đưa vào sản xuất phát triển mạnh trên thị trường, nhiều sản phẩm được đưa vào siêu thị, các cửa hàng tiện ích, các giỏ quà tặng; các doanh nghiệp. Cơ sở là chủ thể sản phẩm OCOP cũng từng bước mở rộng sản xuất, phát triển đa dạng sản phẩm.

Một trong những điển hình là Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây), ban đầu có 4 sản phẩm, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nay đã phát triển 14 dòng sản phẩm, trong đó được công nhận 7 sản phẩm OCOP. Điều đặc biệt là công ty hiện đã mở hơn 30 đại lý phân phối trong và ngoài tỉnh tại các điểm du lịch nổi tiếng như: Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, với doanh số hằng tháng trên 3 tỷ đồng. Từ cơ sở nhỏ lẻ đến nay công ty đã đầu tư, mở rộng nhà máy với vốn đầu 40 tỷ đồng, được tỉnh Tiền Giang phê duyệt và Quỹ Hỗ trợ khoa học tỉnh cho vay ưu đãi 5 tỷ đồng.

Đồng chí Võ Văn Lập tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của Tiền Giang.
Đồng chí Võ Văn Lập tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của Tiền Giang.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Trí Sơn (TP. Mỹ Tho) cũng đã tạo ra nhiều giỏ quà compo từ sản phẩm OCOP cung cấp cho khách hàng cao cấp và mới đây đã ký kết chương trình phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm (TP. Hồ Chí Minh) nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Công ty hiện có 40 sản phẩm, trong đó đã có 18 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao, mở 49 nhà phân phối khắp các tỉnh, thành và đạt doanh số hơn 3 tỷ đồng/tháng.

Chưa kể, sản phẩm mắm tôm chà Gò Công sau khi được chứng nhận OCOP, được hệ thống các siêu thị đưa vào kinh doanh, nên doanh số tăng hàng trăm triệu mỗi tháng. Đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, sản phẩm không đủ cung cấp cho các gói compo phục vụ tại thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Hợp tác xã Đông Nghi, với sản phẩm OCOP từ sữa dê, đã mở rộng nâng cấp thành điểm du lịch nông thôn, mở nhiều đại lý phân phối từ Phú Quốc, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội, với doanh số hiện đạt khoảng 300 triệu đồng/tháng và hiện không đủ nguyên liệu để sản xuất… Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP của các chủ thể khác cũng đã đi vào giỏ quà tặng, gian hàng của cửa hàng tiện ích…

* Phóng viên (PV): Tất nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP cũng sẽ gặp không ít khó khăn, hạn chế?

* Đồng chí Võ Văn Lập: Nhìn chung, kết quả đạt được thông qua thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Một trong những nguyên nhân là do công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, thường xuyên, liên tục nên nhiều cơ sở sản xuất chưa hiểu hết ý nghĩa, nội dung chương trình, chưa thấy lợi ích thiết thực khi tham gia. Vai trò và sự tham gia của chính quyền ở một số địa phương còn hạn chế, chưa chủ động trong triển khai, hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia chương trình.

Sản phẩm chế biến tuy có bước phát triển nhưng chưa nhiều, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp; thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu.

* PV: Như vậy, để Chương trình OCOP tiếp tục phát huy hiệu quả, cần phải làm gì, thưa đồng chí?

* Đồng chí Võ Văn Lập: Định hướng trong thời gian tới là tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến Chương trình OCOP thông qua nhiều hình thức. Đồng thời, gắn với công tác đào tạo, tập huấn và tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.

Một trong những nội dung trọng tâm nữa là tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, chẳng hạn về quản lý nhãn hiệu các sản phẩm OCOP sẽ hỗ trợ giấy chứng nhận, tem sao OCOP đối với sản phẩm đạt 3, 4, 5 sao. Riêng đối với sản phẩm dịch vụ du lịch sẽ hỗ trợ bảng giới thiệu; tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm định hướng tham gia OCOP.

Song song đó là hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua việc cập nhật, xây dựng Cẩm nang sản phẩm OCOP Tiền Giang nhằm giới thiệu quảng bá các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang. Tổ chức quảng bá các sản phẩm OCOP tỉnh qua các hội chợ, diễn đàn trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia hội chợ, triển lãm trong nước (ưu tiên tập trung vào các chương trình OCOP quốc gia) nhằm quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ giới thiệu và đưa sản phẩm OCOP vào thương mại điện tử và cổng thông tin điện tử kết nối OCOP https://ketnoiocop.vn.

Ngoài ra, còn thực hiện hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, thực hiện giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên Cổng thông tin du lịch tỉnh; hỗ trợ hoàn thiện, nâng chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, Homestay, Farmstay… Hỗ trợ xây dựng, trang trí nâng cấp gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP bao gồm xây dựng, sửa chữa, mua giá, kệ trưng bày sản phẩm, bảng hiệu, trang trí điểm bán hàng và các hạng mục cần thiết, phù hợp khác bên trong điểm bán hàng và lồng ghép các chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP…

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

.
.
.