Thứ Năm, 15/09/2022, 17:14 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tận dụng lợi thế, đẩy mạnh xuất khẩu

(ABO) Đánh giá về tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết:

Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn như diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi chiến tranh giữa Nga và Ukraine… nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang trong 8 tháng đầu năm 2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, ước đạt 2,63 tỷ USD, tăng hơn 22% so cùng kỳ và đạt hơn 78% so với kế hoạch năm; trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng hơn 82% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang.

Thủy sản xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Thủy sản xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

* Phóng viên: Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh Tiền Giang thơi gian qua như thế nào?

* Đồng chí Đặng Văn Tuấn: Đối với nhóm ngành Thủy sản, trong 8 tháng đạt 70.723 tấn, với trị giá đạt hơn 225 triệu USD, tăng hơn 20% về lượng và tăng gần 74% về trị giá so với cùng kỳ. Sau thời gian dài gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thế giới tăng bật trở lại, trong đó có mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh. Đồng thời, sau khi áp lệnh trừng phạt với Nga (nguồn cung cá thịt trắng hàng đầu), các nước như EU, Mỹ, Anh rơi vào tình trạng thiếu cá thịt trắng và phải tìm kiếm thêm các nguồn cung khác. Đó là lý do giúp xuất khẩu cá tra tăng khá cao so với cùng kỳ.

Về thị trường trong nước, đồng chí Đặng Văn Tuấn cho biết thêm, trong 8 tháng đầu năm 2022, hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn ra ổn định, lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường dồi dào, các đơn vị phân phối lớn đã chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu và hàng hóa khác phục vụ nhu cầu, nhất là trong các đợt cao điểm mua sắm, vẫn đảm bảo ổn định về giá đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Tại thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh (hơn 30.000 đồng/lít), các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng có tăng giá làm cho sức mua giảm do tâm lý tiết kiệm của người dân. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, tình hình thị trường vẫn ở trạng thái ổn định, giá cả thị trường được kiểm soát, mặc dù một vài mặt hàng có tăng hoặc giảm giá nhưng ở mức biên độ không lớn, tính đến thời điểm này chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu nguyên liệu vẫn đang là thách thức lớn nhất với xuất khẩu cá tra, chưa kể giá thức ăn tăng liên tục, các loại vật tư đầu vào khác cũng tăng cao khiến giá thành sản xuất bị đội lên. Dự báo, trong những tháng cuối năm 2022, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao do nhu cầu tiêu thụ gia tăng và ổn định do giá cá tra cạnh tranh và có thể lấp khoảng trống ở một số phân khúc với sản phẩm cá thịt trắng (cá tuyết, cá minh thái) bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga.

Đối với mặt hàng gạo, trong 8 tháng đạt 71.338 tấn, với trị giá đạt hơn 35 triệu USD, giảm hơn 46% về lượng và giảm hơn 50% về trị giá so với cùng kỳ. Theo thông tin từ các thương nhân xuất khẩu gạo của tỉnh, hiện xuất khẩu gạo đang gặp không ít khó khăn, thách thức, như chi phí cảng biển, giá cước tàu biển, chi phí thuê vỏ container... ở mức quá cao đang làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc bởi Hải quan Trung Quốc đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn trong quy định xuất nhập khẩu.

Nhóm hàng rau quả xuất khẩu cũng đạt 10.078 tấn, với trị giá đạt hơn 19 triệu USD, tăng hơn 25% về lượng và tăng 2,43% về trị giá so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh, đặc biệt là trái cây đã xuất đi các thị trường Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng đa dạng hơn.
Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng đa dạng hơn.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Tiền Giang, như: Kim loại thường khác và sản phẩm (kể cả đồng) ước đạt 719,49 triệu USD, tăng hơn 43%; may mặc ước đạt hơn 352 triệu USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ; giày ước đạt 450 triệu USD, tăng hơn 23%...

Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu khá cao như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; xơ, sợi dệt các loại, thiết bị điện…

* Phóng viên: Cơ cấu thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Đặng Văn Tuấn: Hàng hóa của tỉnh Tiền Giang đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Xuất khẩu sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA. 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của tỉnh, chiếm hơn 43%, so cùng kỳ tăng gần 27%; châu Mỹ chiếm 27%, châu Âu chiếm hơn 25%...

* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

T.A (thực hiện)

.
.
.