Cán bộ Mặt trận - nhân tố phát huy sức mạnh đại đoàn kết
Từ thực tiễn công tác, có thể khẳng định, đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp luôn là những người mang trong mình cái tâm, niềm đam mê, nhiệt huyết, trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, hoạt động bền bỉ để gắn kết cộng đồng.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng. |
Đó là nhấn mạnh của đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017 – 2022 khi trao đổi với báo chí về vai trò và những đóng góp của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở trước thềm sự kiện quan trọng này diễn ra ngày 25 – 27-11 tới đây.
Phóng viên (PV): Hội nghị biểu dương Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) cấp xã và Trưởng Ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022 nhằm khẳng định, ghi nhận những cống hiến của đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở. Nhìn lại giai đoạn 5 năm vừa qua, đồng chí đánh giá như thế nào về những đóng góp của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận tại xã, phường, thị trấn?
Đồng chí Nguyễn Hữu Dũng: Từ thực tiễn công tác, có thể khẳng định, đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp luôn là những người mang trong mình cái tâm, niềm đam mê, nhiệt huyết, trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, hoạt động bền bỉ để gắn kết cộng đồng. Đây được xem là những hạt nhân quan trọng, cần thiết góp phần xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong giai đoạn 2017-2022, đội ngũ Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận đã trực tiếp và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để chuyển tải đồng bộ, toàn diện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chương trình hành động, Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp đến các khu dân cư, hộ gia đình và từng cá nhân trong cộng đồng dân cư thông qua các mô hình, cách thức khác nhau; đồng thời thường xuyên thăm hỏi, tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Trong triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Mặt trận phát động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, mỗi cán bộ Mặt trận cơ sở đã dày công trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi và hành động để chủ trương lớn của Đảng thực sự là cuộc “cách mạng” thay da đổi thịt ở mỗi vùng quê. Đặc biệt, trong những ngày tháng cả nước chung sức, đồng lòng phòng chống đại dịch COVID-19, hình ảnh những Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trong phòng, chống dịch và huy động người dân phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng” để sẻ chia với những người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch đã để lại dấu ấn và tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân cả nước. Những ATM gạo, ATM ô xy, “chợ 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng”, “suất ăn miễn phí”, cùng hàng triệu “phần quà đại đoàn kết”, “túi an sinh”, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn trang thiết bị y tế... chính là minh chứng cho sự nỗ lực, tinh thần tận hiến của đội ngũ cán bộ Mặt trận.
Không chỉ vậy, những cán bộ Mặt trận ở cơ sở đã phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội ở khu dân cư. Qua hoạt động này, Mặt trận và các đoàn thể đã có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng với các cơ quan Đảng, Nhà nước góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng nguyện vọng các tầng lớp nhân dân. Cũng từ đây, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy, giúp cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện tốt hơn phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Mặc dù có cách thể hiện khác nhau về phương thức, cách làm nhưng có điểm chung nhất là những cán bộ Mặt trận đã thấm nhuần, vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về công tác Mặt trận. Với phương châm “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, những việc làm và đóng góp của họ thực sự là những nhân tố góp phần quan trọng trong xây dựng phát huy, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
PV: Tại Hội nghị này, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ biểu dương gần 300 đại biểu đại diện cho hàng chục ngàn cán bộ Mặt trận cơ sở trong cả nước. Xin đồng chí cho biết dựa trên những tiêu chí nào để Mặt trận lựa chọn được những cán bộ tiêu biểu nhất?
Đồng chí Nguyễn Hữu Dũng: Tại Hội nghị, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam biểu dương 299 đại biểu đại diện cho gần 11.000 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và hơn 90.000 Trưởng ban công tác Mặt trận trong cả nước. Trong các đại biểu được biểu dương lần này có 132 người là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, 167 cá nhân là Trưởng ban Công tác Mặt trận. Đây đều là những điển hình tiêu biểu có thành tích nổi bật trong công tác Mặt trận giai đoạn 2017-2022 và được bình chọn chặt chẽ theo quy định, qua nhiều cấp từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Để ghi nhận những đóng góp của các điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực, tại Hội nghị sẽ có 63 đại biểu được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 236 đại biểu được tặng Bằng khen của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Đối với các đại biểu được tôn vinh lần này phải đảm bảo thời gian công tác từ 5 năm (giai đoạn 2017-2022) có thành tích xuất sắc tiêu biểu tạo được sự chuyển biến trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung Chương trình hành động của Mặt trận, đặc biệt là trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì, các hoạt động tự quản tại cộng đồng dân cư; có mô hình hoạt động hiệu quả cao; có cách làm sáng tạo cần được phổ biến và nhân rộng trong xã hội; đã được tặng thưởng Bằng khen của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoặc Bằng khen của UBND cấp tỉnh, thành phố, Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, thành phố.
PV: Đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho Hội nghị biểu dương Chủ tịch Mặt trận cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu giai đoạn 2017-2022 diễn ra như thế nào rồi thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Hữu Dũng: Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của MTTQ Việt Nam do đó ngay từ đầu năm, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đưa vào nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022. Công tác tổ chức được triển khai bài bản, đảm bảo các quy định của Đảng, Nhà nước về tổ chức Hội nghị cấp toàn quốc.
Ngay sau khi Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư về việc tổ chức Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch và các hướng dẫn, tiêu chí lựa chọn đại biểu để triển khai trong toàn quốc.
Ở Trung ương, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và các Tiểu ban gồm tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Tuyên truyền, Tiểu ban Hậu cần tổ chức Hội nghị. Ban Chỉ đạo đã thường xuyên rà soát, đôn đốc các Tiểu ban và các bộ phận tham mưu có liên quan để triển khai công tác tổ chức đảm bảo đúng tiến độ, nội dung, yêu cầu đề ra.
Đến thời điểm này, công tác tổ chức cho Hội nghị đã được hoàn tất. Trong chiều ngày 26/11, Ban Thường trực, Ban Chỉ đạo sẽ chủ trì tổng duyệt chương trình Hội nghị, họp các Trưởng đoàn đại biểu và các Tiểu ban, các cán bộ liên quan để quán triệt tổng thể công tác tổ chức, phục vụ đại biểu, trên tinh thần đảm bảo an toàn, chu đáo để Hội nghị biểu dương Chủ tịch Mặt trận cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu giai đoạn 2017-2022 diễn ra thành công và để lại ấn tượng tốt đẹp trong mỗi đại biểu tham dự.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 44,5% với 42 dân tộc 299 đại biểu được biểu dương Chủ tịch Mặt trận cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu giai đoạn 2017-2022 có đầy đủ thành phần đại diện cho đồng bào các dân tộc, tôn giáo, là hội viên Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ đến từ các khu vực thành thị, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Tổ quốc. Trong đó, đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 44,5% với 42 dân tộc, trong đó có 44 đại biểu là Chủ tịch MTTQ cấp xã, 89 đại biểu là Trưởng ban Công tác Mặt trận; 18 đại biểu được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 115 đại biểu được tặng Bằng khen của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. |
Theo dangcongsan.vn