Thứ Sáu, 04/11/2022, 09:37 (GMT+7)
.
CHỦ TỊCH LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN VĂN TÚ:

Cần nhiều nguồn lực hỗ trợ cho hợp tác xã chuyển đổi số

Cùng các lĩnh vực khác, Tiền Giang đang đẩy nhanh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể (KTTT). Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang về vấn đề này.

* Phóng viên (PV): Trước hết xin đồng chí đánh giá thực trạng chuyển đổi số của các HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay?

* Đồng chí Nguyễn Văn Tú: Thực trạng chuyển đổi số của các HTX trên từng lĩnh vực có sự khác nhau. Ước tính, có khoảng 15% HTX nông nghiệp áp dụng công nghệ cao trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản; áp dụng công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh, phần mềm quản lý. Bên cạnh đó, có khoảng 10% HTX nông nghiệp bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, sử dụng website để giới thiệu, quảng bá, bán hàng, thực hiện phương thức tiếp thị trên các nền tảng số, quảng cáo trên Facebook, Google... 

Điều kiện về trang thiết bị công nghệ thông tin của một số HTX cơ bản đáp ứng yêu cầu để áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, có khả năng đáp ứng việc nâng cấp, ứng dụng công nghệ số và cập nhật phần mềm quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... vào sản xuất nông nghiệp.

Đối với các HTX phi nông nghiệp tỷ lệ này cao hơn. Có khoảng 70% HTX vận tải áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành trình, hoạt động của phương tiện; sử dụng phần mềm để quản lý khách, hàng hóa. 60% HTX thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý.

Riêng đối với quỹ tín dụng nhân dân, hầu hết đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận hành, quản lý. Một số đơn vị đã áp dụng thanh toán điện tử, chuyển tiền điện tử, gửi tiền tiết kiệm, có thực hiện phương thức tiếp thị trên các nền tảng số ngoài hệ thống của quỹ tín dụng nhân dân. Trình độ về tin học và chuyên môn của cán bộ, nhân viên đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

* PV: Hiện nay, đâu là khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi số của các HTX ở tỉnh?

* Đồng chí Nguyễn Văn Tú: Năng lực, tư duy và nhận thức của HTX đối với chuyển đổi số trong phát triển là vấn đề mới. Do đó, đòi hỏi phải được bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên HTX. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có một số HTX ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, các HTX này mới chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm nhiều.

Một rào cản nữa trong chuyển đổi số ở HTX là nguồn nhân lực có trình độ của cán bộ quản lý, đặc biệt là các HTX nông nghiệp còn hạn chế về số hóa hoặc công nghệ thông tin. Các hoạt động của HTX cơ bản vẫn theo kinh nghiệm.

Một số ít HTX có đội ngũ cán bộ trẻ, có kỹ năng sử dụng công nghệ số, song chiếm tỷ lệ không đáng kể và thường sử dụng các nền tảng mạng xã hội là chính. Phần lớn cán bộ, thành viên HTX chưa qua đào tạo về công nghệ thông tin nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số.

Năng lực khai thác thông tin, định hướng chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, tiếp cận thị trường số, làm việc trên môi trường mạng hay mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế.

Trên thực tế, một số ít HTX đã quan tâm đầu tư công nghệ, hạ tầng số, công nghệ thông tin, chú trọng đến việc xây dựng những bộ nhận diện số như: Chữ ký điện tử để khai báo thuế; xây dựng website hay tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử…

Tuy nhiên, hầu hết các HTX không tự làm chủ những phương tiện này. Hoạt động vận hành, khai thác vẫn ít được quan tâm và thực hiện qua đơn vị thứ ba dẫn tới hiệu quả không cao. Còn lại mặt bằng chung cho thấy, hạ tầng công nghệ thông tin của các HTX, nhất là HTX nông nghiệp còn lạc hậu. Nhiều HTX nông nghiệp còn chưa có máy tính, thiết bị kết nối Internet và còn xa lạ với các phần mềm, tiện ích như: Phần mềm Kế toán, Quản lý sản xuất; phần mềm Quản lý bán hàng…

Hoạt động tại HTX Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo).
Hoạt động tại HTX Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Nguồn vốn đầu tư cho chuyển đổi số còn hạn hẹp. Nhìn chung, các HTX trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, chủ yếu là HTX nông nghiệp sản xuất, kinh doanh theo lối truyền thống, nên còn hạn chế nguồn vốn và khả năng huy động vốn không cao. Do vậy, năng lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

* PV: Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh có giải pháp, kế hoạch gì để đẩy mạnh chuyển đổi số trong HTX?

* Đồng chí Nguyễn Văn Tú: Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KTTT, HTX các cấp, cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX. Đồng thời, tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công.

Liên minh HTX tỉnh sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ quản lý HTX về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử; tập trung vào kỹ năng tiếp thị, xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao... Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để HTX thật sự làm vai trò cầu nối, dẫn dắt thành viên trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất sản phẩm OCOP và các sản phẩm của HTX nông nghiệp như: Tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chất lượng, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp…

Đồng thời, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm gắn với hệ thống quảng bá, thương mại sản phẩm trên sàn thương mại điện tử B2B (bán sỉ) và B2C (bán lẻ). Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chuyển đổi số là xây dựng hệ thống thông tin quản lý nhà nước về HTX; đặc biệt là xây dựng nền tảng số cho phép từng bước số hóa mọi quy trình, hoạt động quản lý, hình thành cơ sở dữ liệu quản lý, liên thông và đồng bộ với hệ thống thông tin HTX.

Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh sẽ rà soát, tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số trong phát triển HTX theo hướng bền vững; huy động nguồn lực để hỗ trợ các HTX chuyển đổi số; hỗ trợ trang thiết bị, công cụ phục vụ chuyển đổi số dựa trên định hướng phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

M. THÀNH (thực hiện)

 

.
.
.