Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Trong thời gian tới, việc đổi mới mô hình tăng trưởng Việt Nam theo hướng “chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, góp phần tạo nền tảng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045.
Sản xuất linh kiện điện tử tại công ty TNHH 4P (Văn Giang, Hưng Yên) có vốn đầu tư trong nước. Ảnh tư liệu: Phạm Kiên/TTXVN |
Tuy nhiên, để hình dung và cụ thể hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, cần có một bộ chỉ số mô tả hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy.
Xin Thứ trưởng cho biết, tính cấp thiết trong xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII)?
Như nhiều quốc gia khác trên thế giới, ở cấp quốc gia, từ năm 2017, Việt Nam đã sử dụng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hằng năm nhằm xác định các điểm mạnh, điểm yếu của quốc gia để đưa ra các giải pháp, biện pháp cải thiện phù hợp, cũng như kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách liên quan nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong những năm qua kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực, báo cáo GII 2022; tiếp tục được WIPO ghi nhận là quốc gia có điểm số cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước cùng nhóm thu nhập.
Trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Việt Nam là một trong số ít những quốc gia thu nhập trung bình thấp được WIPO ghi nhận có tốc độ bắt kịp về đổi mới sáng tạo nhanh nhất.
Ở cấp địa phương, qua thực tế cho thấy các địa phương còn lúng túng trong việc tham gia thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện chỉ số GII cấp quốc gia, do nhiều số liệu thống kê tương tự ở cấp địa phương không có, đồng thời phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới lạ nên có những điểm không phù hợp với cấp địa phương của Việt Nam. Bên cạnh đó, do sự khác biệt giữa các địa phương về quy mô kinh tế - xã hội, dân số, đất đai, cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển... nên các địa phương cần và phải lựa chọn mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng. Điều này làm cho các địa phương không nắm được thực trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương mình; do đó kiến nghị cần có bộ chỉ số đổi mới sáng tạo dành riêng cho địa phương để căn cứ vào đó có thể chỉ đạo điều hành tốt hơn, sát với thực tiễn hơn.
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng bộ chỉ số cấp địa phương theo 10 bước như hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho xây dựng bộ chỉ số tổng hợp, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam.
Thưa Thứ trưởng, tại sao PII lại chọn triển khai thử nghiệm tại 20 tỉnh, thành phố để từ đó nhân rộng trên phạm vi toàn quốc?
Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực phối hợp với WIPO và các cơ quan liên quan xây dựng PII, gồm 51 chỉ số, chia làm 7 trụ cột theo nguyên lý của bộ chỉ số GII gồm 5 trụ cột đầu vào và 2 trụ cột đầu ra. Theo đó, 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm: Thể chế; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển kinh doanh. Hai trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội gồm: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; những tác động liên quan.
Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thử nghiệm PII tại 20 tỉnh, thành phố; chia thành 4 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 2 địa phương; nhóm thứ hai gồm 4 địa phương; nhóm thứ ba gồm 8 địa phương và 6 địa phương thuộc nhóm cuối cùng. Kết quả đánh giá cho thấy có phù hợp, tương đồng cao với đặc thù mô hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương phát triển kinh tế - xã hội và có hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Các địa phương thuộc nhóm cuối là các địa phương có hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội và trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
20 tỉnh, thành phố được lựa chọn triển khai thử nghiệm thuộc 6 vùng kinh tế, có mức thu nhập và cơ cấu kinh tế khác nhau, đủ tiêu chí để đại diện cho tất cả 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc. Trong quá trình triển khai thử nghiệm, sự tham gia đóng góp ý kiến của các địa phương đã giúp cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và hoàn thiện được khung chỉ số và các chỉ số thành phần.
Quá trình thử nghiệm bộ chỉ số cho thấy, do hệ thống thống kê của Việt Nam còn chưa bắt kịp với quốc tế nên một số chỉ số hiện chưa được thống kê cả ở cấp quốc gia và địa phương, vì vậy cần phải quyết tâm khắc phục trong thời gian tới để đánh giá xác thực hơn hiện trạng của các địa phương cũng như của quốc gia.
Sau khi thử nghiệm, năm 2023, PII sẽ đưa vào triển khai trên cả nước.
Xin Thứ trưởng cho biết, việc xây dựng và đưa PII triển khai trên cả nước sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như thế nào?
Kết quả phân tích, đánh giá tại mỗi địa phương tham gia thử nghiệm theo 51 chỉ số, nhóm chỉ số và trụ cột được trình bày đã chỉ ra 5 điểm mạnh và 5 điểm yếu của mỗi địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương có thể nhận diện được các vấn đề cần chú trọng để có các chỉ đạo, điều hành trong xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao các năng lực về kinh doanh, cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của địa phương và của quốc gia.
PII vừa được đánh giá thí điểm trên 20 tỉnh, thành phố, được kỳ vọng là công cụ để đo lường kết quả đổi mới sáng tạo và áp dụng trên cả nước từ năm 2023. PII được kỳ vọng sẽ là công cụ để mỗi tỉnh, thành phố xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu cũng như những yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khung chỉ số PII được xây dựng mang tính tương đồng, giúp từng địa phương có thể soi chiếu, từ đó điều chỉnh phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chuyên gia quốc tế độc lập do WIPO chỉ định cũng đã tiến hành kiểm định độc lập bộ chỉ số. Kết quả kiểm định của chuyên gia quốc tế đã khẳng định khung chỉ số và các chỉ số thành phần được thiết kế phù hợp, phản ánh được hiện trạng của đối tượng được đo lường; các bước xử lí dữ liệu, tính toán điểm số và thứ hạng đều được thực hiện đầy đủ, chính xác, minh bạch và đáng tin cậy.
Kết quả thử nghiệm cho thấy PII đủ mạnh để đưa ra những giải pháp hữu ích, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, các tỉnh, thành phố phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; sử dụng các kết quả đánh giá vào công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương.
Cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Báo Tin Tức (TTXVN)