Thị trường lao động sẽ chuyển động tích cực
Với sự phục hồi tích cực của kinh tế tỉnh Tiền Giang trong năm 2022 và thời điểm đầu năm 2023, thị trường lao động năm 2023 kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển động tích cực. Theo đó, dự báo năm 2023, tỉnh Tiền Giang cần khoảng từ 17.000 đến 20.000 lao động. Để có những thông tin về tình hình việc làm, cũng như thị trường lao động, Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang Nguyễn Thị Dân Quyền.
* Phóng viên (PV): Đồng chí có thể khái quát lại những nét chính về tình hình cung cầu nhân lực năm 2022 của tỉnh Tiền Giang?
* Đồng chí Nguyễn Thị Dân Quyền: Năm 2022, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp đã dần khôi phục, quay trở lại sản xuất và thực hiện kế hoạch tuyển dụng nhân sự đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn còn hoạt động cầm chừng vì chưa đảm bảo đủ lực lượng lao động trong các khâu sản xuất trực tiếp; mặt khác vì phải thăm dò tình hình dịch bệnh, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất.
Trong năm 2022, thống kê 266 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tuyển dụng với số lượng 12.937 lao động (giảm gần 60% so với năm 2021); nhu cầu tuyển dụng chủ yếu tập trung các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Mỹ Tho và các khu, cụm công nghiệp với phần lớn là tuyển dụng lao động phổ thông. Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu ở các nhóm ngành: May mặc - thiết kế thời trang (53,12%), giày da - túi xách (24,94%), chế biến nông - thủy sản (12,6%)…
Nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo chiếm 12,88% tổng nhu cầu, có xu hướng tăng so với năm 2021, tập trung ở các nhóm ngành: Kinh doanh - kinh tế, Kế toán - kiểm toán, Điện - điện tử, Cơ khí… Trong đó nhu cầu nhân lực đối với trình độ đại học chiếm 0,39%, trình độ cao đẳng 0,63%, trung cấp 4,42%, sơ cấp nghề và chứng chỉ nghề 7,44%. Nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo chiếm 87,12%, tập trung chủ yếu vào các ngành may mặc, giày da - túi xách, chế biến thủy sản, phục vụ - giúp việc nhà…
Theo thống kê, nhu cầu tìm việc của người lao động năm 2022 tăng hơn 6% so với năm 2021, cụ thể có 3.247 lao động có nhu cầu gửi thông tin và hồ sơ tìm việc làm qua hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang, trong đó số lao động đăng ký trực tiếp chiếm khoảng 92%, lao động nữ chiếm 62,5%; tập trung nhiều nhất ở các nhóm ngành may mặc - thiết kế thời trang (27,5%), giày da - túi xách (21,13%)…
* PV: Dự báo nhu cầu nhân lực năm 2023 của tỉnh Tiền Giang sẽ như thế nào, thưa đồng chí?
* Đồng chí Nguyễn Thị Dân Quyền: Theo thông tin cung cấp từ các cơ quan chuyên môn, số liệu thu thập từ các doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng trong năm 2022 - 2023, dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động của tỉnh Tiền Giang trong năm 2023 là cần khoảng từ 17.000 đến 20.000 lao động.
Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang. |
Về nhu cầu tuyển dụng lao động tại các khu, cụm công nghiệp, trong đó Khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước) với nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động sẽ tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng ở các lĩnh vực như chế biến, cơ khí, điện tử, dệt… Bên cạnh đó, một số công ty trong Khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành), Cụm công nghiệp Trung An (TP. Mỹ Tho) với nhu cầu tuyển dụng lao động để bổ sung thay thế ở các lĩnh vực giày da, may ba lô, túi xách…
Về tuyển dụng lao động ngoài khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp may mặc ở các địa phương như: TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, huyện Cai Lậy và TX Gò Công, cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông số lượng lớn để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong cả năm.
Về tuyển dụng theo ngành nghề, nhu cầu tuyển dụng ở các ngành may mặc, giày da - túi xách tiếp tục cao. Ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng các lĩnh vực tư vấn, tiếp thị, phục vụ, bảo vệ tiếp tục tăng, đặc biệt là tư vấn bất động sản, tư vấn bảo hiểm, tiếp thị bán hàng; tuy nhiên lao động có nguyện vọng và khả năng làm việc, đáp ứng các công việc này chưa cao.
Đối với nhu cầu nhân lực có trình độ, dự báo một số ngành tiếp tục có xu hướng thu hút nhân lực như kế toán, tài chính, kinh tế, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, phiên dịch, tài xế... Dự báo nhu cầu nhân lực về cơ cấu trình độ: Tỷ lệ lao động phổ thông vẫn ở mức cao khoảng 80%; nhu cầu lao động có trình độ sơ cấp, chứng chỉ nghề khoảng 7%; trình độ trung cấp trở lên với khoảng 13%.
Tình trạng thiếu hụt lao động vẫn diễn ra do phần lớn là nhu cầu tuyển dụng công nhân trực tiếp sản xuất, trong khi nguồn lao động phổ thông ngày càng khan hiếm.
* PV: Như vậy, dự kiến nguồn cung nhân lực của tỉnh Tiền Giang trong năm 2023 sẽ ra sao, thưa đồng chí?
* Đồng chí Nguyễn Thị Dân Quyền: Lực lượng lao động qua đào tạo ngày càng tăng, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập giữa cung - cầu lao động dẫn đến việc phát triển thị trường lao động vẫn chưa đồng bộ, còn thể hiện sự chênh lệch cung - cầu lao động về số lượng. Đặc biệt, chất lượng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Cần phải tiếp tục tăng cường hướng dẫn các kỹ năng chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ trong công việc, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, làm việc…
Năm 2023 dự kiến số học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên các trường, cơ sở đào tạo trong tỉnh vào khoảng hơn 2.500 người, cùng với đó người lao động có nhu cầu thay đổi việc làm cũng thường rất lớn, nên nhu cầu tìm việc của người lao động sẽ tiếp tục tăng.
Nguồn lao động thất nghiệp, lao động phổ thông là nguồn lực lớn, tuy nhiên, phần lớn lao động phổ thông sau khi nghỉ việc sẽ tự tìm kiếm việc làm hoặc qua giới thiệu của người thân, bạn bè, lượng lao động phổ thông có nhu cầu tìm việc qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm còn hạn chế.
* PV: Theo đồng chí, để tăng cường kết nối cung cầu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang sẽ có giải pháp gì?
* Đồng chí Nguyễn Thị Dân Quyền: Để tăng cường kết nối cung cầu của thị trường lao động, thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang sẽ tăng cường tư vấn online qua mạng xã hội, website: dichvuvieclamtiengiang.vn, cũng như tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm cung cấp thông tin hồ sơ người tìm việc và thông tin nhu cầu việc làm để người lao động vào truy cập thông tin; đưa thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động và doanh nghiệp có nhu cầu thông qua email, website…
Bên cạnh đó, trung tâm sẽ kết nối với các doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, lưu động tại các địa phương để hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp tìm việc cũng như tuyển dụng.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đ.PHI - T.LÂM (thực hiện)