An toàn, tính mạng người bệnh là quan trọng nhất trong việc di dời bệnh viện
Hôm nay, ngày 10-2-2023 sẽ chính thức bắt đầu công tác di dời Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Tiền Giang về cơ sở mới tại xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho. Việc di dời dự kiến thực hiện trong 3 ngày, từ ngày 10 đến 12-2-2023. Đây là một sự kiện hết sức quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh ở bệnh viện tuyến cuối của tỉnh Tiền Giang nên được dư luận đặc biệt quan tâm. Báo Ấp Bắc đã có trao đổi với Tiến sĩ - Bác sĩ (TS.BS) Đỗ Quang Thành, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Tiền Giang về công tác di dời bệnh viện.
* Phóng viên (PV): Xin tiến sĩ cho biết kế hoạch di dời bệnh viện được triển khai như thế nào?
* TS.BS Đỗ Quang Thành: Kế hoạch tổng thể di dời nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối bệnh nhân, di dời toàn bộ trang thiết bị y tế, các thiết bị khác đã được Ban Chỉ đạo di dời BVĐK tỉnh Tiền Giang xây dựng từ rất sớm, sau đó phổ biến cho 33 khoa, phòng của bệnh viện thực hiện.
Ban Giám đốc BVĐK tỉnh Tiền Giang cũng chỉ đạo các khoa, phòng có từng kế hoạch cụ thể trên cơ sở kế hoạch tổng thể nhằm tăng cường trách nhiệm và lãnh đạo, chỉ đạo việc di dời an toàn bệnh nhân đến từng khoa, từng phòng, từng nhân viên y tế (trên 1.200 nhân viên y tế).
Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính về công tác di dời và các vấn đề khi bước vào hoạt động tại cơ sở mới. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch phối hợp với bệnh viện các tuyến để hỗ trợ tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp khẩn, cấp cứu.
Về giao thông đi lại, chúng tôi đã đề xuất Sở Giao thông vận tải xem xét hỗ trợ có các tuyến xe buýt và trạm dừng tại bệnh viện mới, xin lắp thêm hệ thống đèn báo giao thông ngay cổng vào bệnh viện nhằm tạo thuận tiện và an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế khi lưu thông.
Chúng tôi cũng đã họp với Công an, Quân đội đề xuất sự hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự tại 2 cơ sở trong thời gian di dời và đảm bảo thông thoáng trên tuyến đường vận chuyển. Chúng tôi cũng đã phối hợp với các cơ quan báo chí đề nghị hỗ trợ việc thông báo thời gian di dời, thời gian hoạt động tại cơ sở mới nhằm giúp người dân đi đúng tuyến…
Như vậy, công tác chuẩn bị cho việc di dời BVĐK tỉnh Tiền Giang đến cơ sở mới đã hoàn chỉnh cơ bản. Đến thời điểm này, chúng tôi đã cùng với các công ty di dời tiến hành đánh số tỉ mỉ từng loại trang thiết bị y tế chuyên dụng lớn, nhỏ, dụng cụ văn phòng, toàn bộ bàn ghế, tủ đựng hồ sơ, máy tính, hồ sơ bệnh án… và đóng thùng tất cả, ghi chú rõ ràng, cụ thể từng đồ vật trên thùng; đồng thời đã di dời một số vật dụng tiền trạm cơ sở mới của bệnh viện.
Theo kế hoạch, từ 7 giờ ngày 12-2-2023 (ngày chủ nhật), cơ sở mới của BVĐK tỉnh Tiền Giang (số 315, Quốc lộ 1A, ấp Long Hưng, xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho) sẽ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu và từ 6 giờ ngày 13-2-2023 (ngày thứ hai) sẽ tiếp tục tiếp nhận toàn bộ bệnh nhân khám nội, ngoại trú, cấp cứu tại một nơi duy nhất là cơ sở mới này của bệnh viện.
* PV: Phương án đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong quá trình di chuyển từ cơ sở điều trị hiện tại đến cơ sở mới sẽ được thực hiện ra sao, thưa tiến sĩ?
* TS.BS Đỗ Quang Thành: Chúng tôi đặt an toàn, tính mạng người bệnh là quan trọng nhất trong công tác di dời bệnh viện. Vì vậy, công tác vận chuyển bệnh nhân được Ban Giám đốc bệnh viện tính toán rất cụ thể và chi tiết, chúng tôi có kế hoạch lập riêng 2 Tổ công tác chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát việc di dời bệnh nhân do 2 Phó Giám đốc Bệnh viện trực tiếp làm Tổ trưởng.
TS.BS Đỗ Quang Thành kiểm tra công tác chuẩn bị di dời BVĐK tỉnh Tiền Giang. |
Ban Giám đốc cũng chia cụ thể 3 ê kíp (gồm bác sĩ, điều dưỡng) theo dõi tại từng giai đoạn trong thời gian vận chuyển gồm bàn giao bệnh nhân tại cơ sở cũ, theo dõi bệnh nhân trên đường vận chuyển và giai đoạn tiếp nhận bệnh nhân tại nơi cơ sở mới.
Đồng thời, bệnh viện cũng phối hợp với bệnh viện các tuyến gồm bệnh viện tuyến trên tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho, Bệnh viện Quân y 120, BVĐK khu vực Cai Lậy, BVĐK khu vực Gò Công để hỗ trợ tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp khẩn, cấp cứu tại thời điểm trước, trong và sau di dời.
Chúng tôi cũng đã phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giao thông vận tải vạch ra lộ trình di chuyển cụ thể nhằm đảm bảo lộ trình thông thoáng, nhanh, an toàn và đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở. Bệnh viện cũng đã thông báo rộng rãi trên phương tiện truyền thông để cho người dân biết ngày di dời, ngày hoạt động để bệnh nhân chủ động được việc đến khám và biết được nơi tiếp nhận cấp cứu.
* PV: Cũng như đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, công tác đảm bảo an toàn khi di dời trang thiết bị y tế sẽ như thế nào, thưa tiến sĩ?
* TS.BS Đỗ Quang Thành: Việc di dời trang thiết bị, cơ sở vật chất của chuyên ngành Y tế là khó khăn, phức tạp hơn việc di dời các cơ sở khác. Các trang thiết bị đắt tiền và kỹ thuật phức tạp đòi hỏi việc tháo ra, vận chuyển và lắp vào để hoạt động đòi hỏi có đội ngũ vận chuyển chuyên nghiệp y tế, các kỹ sư có tay nghề cao và số lượng kỹ sư nhiều. Chúng tôi có 3 nhóm loại trang thiết bị, vật dụng cần di dời gồm: Thiết bị y tế lớn cần tháo lắp và kiểm định, thiết bị y tế kỹ thuật cao không cần tháo lắp và thiết bị khác.
Đến hiện tại, đã phối hợp với các công ty vận chuyển chuyên nghiệp phân loại, đánh số, đóng gói từng loại trang thiết bị lớn, vừa, nhỏ, vật dụng văn phòng và có phương án chi tiết tháo dỡ, vận chuyển, lắp ráp và sau đó là vận hành, kiểm định trước khi đi vào hoạt động.
* PV: Theo thông báo, ngày 13-2-2023, mọi hoạt động khám bệnh, tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu sẽ thực hiện tại cơ sở mới của BVĐK tỉnh Tiền Giang, tiến sĩ có thể giới thiệu về quy mô cơ sở mới của bệnh viện để người dân được rõ?
* TS.BS Đỗ Quang Thành: Cơ sở mới của BVĐK tỉnh Tiền Giang có quy mô 1.000 giường bệnh với tổng mức đầu tư trên 2.300 tỷ đồng, là dự án thuộc Nhóm A, công trình bệnh viện cấp I. BVĐK tỉnh Tiền Giang được xây dựng có tổng diện tích khoảng 100.000 m2 (10 ha) tại xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; trong đó tổng diện tích xây dựng là 23.258 m2. Các hạng mục công trình của bệnh viện bao gồm 4 khối nhà chức năng chính, quy mô công trình cao từ 1 đến 10 tầng (khối nhà chính N1, khối nhà dinh dưỡng N2, khối nhà truyền nhiễm N3 và khối nhà tang lễ N4) và các hạng mục phụ trợ.
Cơ sở mới BVĐK tỉnh Tiền Giang tại xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho được xây dựng khang trang, hiện đại. Ảnh: MINH THÀNH |
Khối nhà chính cao 10 tầng nổi và 1 tầng hầm được phân bố các khoa: Cấp cứu người lớn; cấp cứu nhi; hồi sức tích cực - chống độc người lớn và trẻ em; phòng mổ (khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức); các khoa lâm sàng nội trú; cận lâm sàng (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh); dược; khám bệnh ngoại trú; khu cấp phát thuốc bảo hiểm, nhà giữ xe tầng hầm và các phòng chức năng, hành chính…
Khối nhà dinh dưỡng, dịch vụ cao 3 tầng gồm khoa Dinh dưỡng, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và bếp ăn cho bệnh nhân, người nhà người bệnh và nhân viên y tế. Khối nhà truyền nhiễm cao 4 tầng, đây là khối nhà thuộc khoa Nhiễm phụ trách, thiết kế tách ra riêng biệt với các khoa, phòng khác nhằm đảm bảo được vấn đề phòng, chống lây nhiễm.
Còn lại là Khối nhà tang lễ cao 1 tầng và các công trình phụ trợ quy mô đơn giản gồm các nhà bảo vệ, nhà khí y tế và nồi hơi, trạm điện, nhà lưu rác thải, khối nhà xử lý nước thải, các cổng, tường rào. Các hạng mục khác gồm sân vườn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà khác, chiếu sáng ngoài nhà, phòng, chống mối, chống sét, camera, âm thanh công cộng, thông tin liên lạc, thông gió và điều hòa không khí, khí y tế.
Trong đợt di dời này, chúng tôi còn lưu lại cơ sở hiện tại của BVĐK tỉnh Tiền Giang 5 khoa điều trị nội trú để phục vụ bệnh nhân, gồm các khoa Nội A, Thận nhân tạo, Lão khoa, Đông y và Phục hồi chức năng. Khi điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ tiếp tục di dời các khoa điều trị này về cơ sở mới của bệnh viện.
* PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!
THỦY HÀ (thực hiện)