Sống tích cực, làm việc tốt, biết yêu thương để có hạnh phúc
Cách đây tròn 10 năm, ngày 20-3-2013, Liên hợp quốc chính thức chọn ngày 20-3 hằng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc (International Day of Happiness) nhằm mục đích tôn vinh, nâng cao hạnh phúc cho mọi người trên toàn cầu.
Phóng viên (PV): Thưa bà, quan niệm về hạnh phúc ngày nay có khác xưa không, nhất là khi ngày nay, con người có quá nhiều áp lực trong cuộc sống?
PGS, TS Đặng Thị Hoa: Nếu nói về quan niệm hạnh phúc thì thực ra nội hàm hạnh phúc không thay đổi nhiều, vì hạnh phúc là khi con người đạt đến sự thỏa mãn, hài lòng. Tuy nhiên, xã hội biến đổi, các nhu cầu của xã hội, của con người thay đổi nên việc thỏa mãn, hài lòng cũng thay đổi. Ví dụ, ngày xưa chỉ cần gia đình có một bữa cơm, nồi cơm không cần độn ngô, khoai là cảm thấy hạnh phúc. Ngày nay, với một bộ phận người dân thì phải tiệc tùng, đi ăn hàng mới là hạnh phúc, nếu không, họ sẽ cảm thấy nhàm chán.
Trong bối cảnh hiện nay, con người phải chạy đua với rất nhiều thứ, không chỉ tài chính, kinh tế mà cả dưới góc độ tâm lý, tình cảm. Chẳng hạn, trong một gia đình, con cái thành đạt là cảm nhận hạnh phúc nhưng thế nào là thành đạt, kiếm nhiều tiền hay đỗ đạt...? Trước đây, phải đỗ đạt cao mới được ghi nhận nhưng kiếm nhiều tiền chưa chắc đã giỏi. Trong thời đại 4.0 ngày nay, những người tiếp cận cái mới, đạt được giá trị tinh thần mới được ghi nhận và đó là niềm hạnh phúc mới. Niềm hạnh phúc đó không chỉ đối với cá nhân mà còn cho cả những người thân của họ.
Niềm hạnh phúc của một gia đình.Ảnh: THANH TÙNG |
PV:Vậy hạnh phúc có thể được hiểu rộng ra hơn không, thưa bà?
PGS, TS Đặng Thị Hoa: Khái niệm hạnh phúc ngày nay mang nội hàm rộng hơn. Đó không chỉ là lợi ích vật chất mà có cả niềm vui tinh thần, không chỉ với một cá nhân, nhóm người mà cho cả cộng đồng. Chẳng hạn, khi Việt Nam gặp rủi ro do dịch bệnh, thiên tai... có rất nhiều người đến để giúp đỡ, kêu gọi giúp đỡ. Họ thực sự giúp được nhiều việc có ích bên cạnh hệ thống an sinh, hỗ trợ của Nhà nước. Sự giúp đỡ ấy tạo ra một niềm tin cho người dân, cả người chịu lẫn những người không chịu ảnh hưởng bởi rủi ro, giúp họ nhìn thấy sự quan tâm của xã hội. Qua những điều tốt đẹp ấy thì việc dạy dỗ con cái, thế hệ trẻ càng có ý nghĩa hơn. Nhiều cha mẹ hiện nay khuyến khích con làm điều tốt, làm từ thiện từ bé và sau này, khi trẻ lớn lên sẽ hình thành nhân cách đáng quý.
Xu hướng giúp đỡ người khác ngày càng phát triển vì có rất nhiều người cho rằng, trong xã hội hiện nay, mang lại hạnh phúc cho cá nhân là chưa đủ mà phải hướng đến việc mang lại hạnh phúc cho cộng đồng. Khi họ chia sẻ, họ cảm nhận hạnh phúc của mình tăng lên rất nhiều. Thêm vào đó, những người được giúp đỡ cũng thấy hạnh phúc. Như vậy, hạnh phúc đã được nhân lên. Điều đáng mừng là quan niệm sống này ngày càng nhiều lên trong giới trẻ dưới 40 tuổi. Trước đây, nói đến làm từ thiện, người ta hay nghĩ tới những người cao tuổi, có điều kiện tài chính, theo quan niệm của người Việt Nam là “để lại phúc cho con cháu”.
Nhưng hiện nay, nhiều người không giàu cũng thích đi làm từ thiện để chia sẻ niềm vui. Làm từ thiện cũng nhẹ nhàng hơn, như cách nhiều bạn trẻ lên vùng cao dạy trẻ múa, hát, vẽ, ngoại ngữ; hay đến biểu diễn văn nghệ an ủi người già tại các trung tâm dưỡng lão hoặc tặng những món quà nhỏ... Họ không nghĩ đó là chia sẻ hạnh phúc cho người khác, mà đơn giản chỉ là mang lại niềm vui cho người khác và họ thấy đó là hạnh phúc.
PV: Khi con người gặp biến cố, có phải họ không còn hạnh phúc không, thưa bà?
PGS, TS Đặng Thị Hoa: Trong cuộc sống, có những người gặp rủi ro và họ bi quan. Khi bi quan, họ không thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, thực tế có những người kiên cường vượt qua bi quan và hướng đến một cuộc sống tốt hơn. Có thể nói, sức bền bỉ, sự kiên nhẫn trong tâm lý này của người Việt Nam rất đáng ghi nhận. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Đại dịch đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn, tác động tâm lý tới nhiều người nhưng phần lớn người Việt Nam vẫn lạc quan. Họ coi đại dịch qua đi như một thứ thoáng qua.
Sau hơn một năm đại dịch, đa số mọi người vẫn bình thường và hầu như không có dấu hiệu gì cho thấy họ đã trải qua một đại dịch kinh hoàng hay đã từng chứng kiến những câu chuyện kinh hoàng trong đại dịch. Cuộc sống xã hội sớm lấy lại thăng bằng. Mọi việc trở lại bình thường với rất nhiều đam mê, tìm tòi cái mới và sáng tạo để xây dựng cuộc sống.
PV: Theo bà, làm thế nào để ngày càng nhiều người có được hạnh phúc?
PGS, TS Đặng Thị Hoa: Hạnh phúc không phải là cái để rèn luyện mà là cảm nhận cá nhân. Thời điểm để xác định hạnh phúc thì chỉ trong khoảnh khắc. Tìm kiếm hạnh phúc là một quá trình dài để con người theo đuổi. Ví dụ, tôi muốn theo đuổi hạnh phúc gia đình, tôi bớt cãi nhau với chồng, không mắng con và tạo không khí đầm ấm, hạnh phúc trong gia đình. Hay khi một người xác định hạnh phúc là có bằng cấp thì họ phải chăm chỉ học hành để theo đuổi ước mơ. Tương tự, người cho rằng có suy nghĩ tích cực sẽ hạnh phúc, vui vẻ thì họ cần theo đuổi lối suy nghĩ tích cực.
Mỗi người có mục tiêu sống và cảm nhận hạnh phúc khác nhau. Chúng ta không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người, cũng không có lời khuyên nào cả. Mỗi người có một cách riêng và họ xác định thế nào là hạnh phúc theo cách của mình. Chỉ có một lời khuyên duy nhất là bạn nên sống tích cực, làm việc tốt, biết yêu thương, chia sẻ với người khác, với cộng đồng để có được niềm hạnh phúc ý nghĩa!
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
(Theo www.qdnd.vn)