Thứ Sáu, 21/04/2023, 21:11 (GMT+7)
.

Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý khi con bị bạo lực học đường

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội lưu ý phụ huynh các dấu hiệu nhận biết các dấu hiệu và xử lý vấn đề khi con bị bạo lực học đường là điều các bậc làm cha mẹ cần đặc biệt quan tâm.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội.

Dấu hiệu trẻ bị bạo lực học đường

Xin ông cho biết những dấu hiệu nào trẻ thường có khi gặp vấn đề ở trường học, đặc biệt là vấn đề bạo lực học đường?

PGS.TS Trần Thành Nam: Phụ huynh cần để ý nếu trẻ có những biểu hiện như: Áo quần, sách vở, đồ dùng bị rách, mất hay hủy hoại khi đi học về; có vết cắt, cào, bầm không giải thích được; có ít bạn bè chơi đùa; sợ đi học, sợ đi bộ đến trường và về nhà, hay tham gia sinh hoạt có tổ chức với bạn bè; đi đường vòng để đến trường hay về nhà.

Trẻ gặp vấn đề ở trường học cũng thường có biểu hiện không còn hứng thú làm bài, hay thình lình học sút hẳn. Lộ vẻ buồn rầu, vui buồn bất thường, khóc, hay trầm cảm khi từ trường về. 

Thường xuyên than nhức đầu, đau bụng hay các triệu chứng bệnh khác không có nguyên do. Khó ngủ và thường xuyên bị ác mộng; ăn không ngon; lộ vẻ lo lắng và giảm lòng tự tin.

Con bị bạo lực học đường: Phụ huynh cần làm gì?

Vậy gia đình nên làm gì khi phát hiện con bị bạo lực học đường, thưa Phó Giáo sư?

PGS.TS Trần Thành Nam: Việc đầu tiên cha mẹ cần làm là bảo đảm con được để mắt và an toàn; lắng nghe và chia sẻ, hỏi rõ điều gì đã xảy ra, ở đâu, khi nào, có bao nhiêu người là nạn nhân giống con. 

Cùng với đó, dự báo những nguy cơ có thể tiếp diễn, những hành vi leo thang có thể xảy ra.

Cha mẹ cũng cần báo cáo với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường, đề nghị phối hợp giám sát. Đồng thời, tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý từ chuyên gia. Làm việc với nhóm bắt nạt, yêu cầu hỗ trợ tâm lý cho kẻ bắt nạt và nhóm a dua… 

Mục tiêu là phải giáo dục sự thấu cảm, đi đến cam kết không tái phạm hành vi và những hình thức quản lý giám sát.

Dạy trẻ kỹ năng ứng phó với bạo lực học đường

Điều quan trọng nhất là người bị bắt nạt phải tự đối mặt và vượt qua, vậy trẻ cần được trang bị những kỹ năng gì để có một sức khỏe tâm lý vững vàng, từ đó có thể phòng ngừa việc bị bạo lực học đường?

PGS.TS Trần Thành Nam: Để phòng ngừa bị bạo lực học đường, cha mẹ cần dạy trẻ kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giải quyết vấn đề cho con, rà soát các ý tưởng tự hại hoặc tự sát.

Cung cấp kiến thức để con hình thành thói quen vệ sinh sức khỏe tâm thần.

Đồng thời, dạy kỹ năng ứng phó với bạo lực trực tiếp (như, bình tĩnh và tự tin, nói dừng lại, nếu đi quá giới hạn sẽ báo cáo; tự bảo vệ bản thân, tìm kiếm sự giúp đỡ xung quanh, ghi lại chứng cứ) và trực tuyến (không phản hồi, lưu bằng chứng; chặn, báo cáo) một cách đúng đắn.

Cảm ơn Phó Giáo sư!

(Theo baochinhphu.vn)

 

 

.
.
.