.

Tiếp tục tuyên truyền cho việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy

Cập nhật: 10:06, 03/04/2023 (GMT+7)

Hơn 3 tháng qua, việc triển khai bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao từ phía dư luận. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định do kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương vẫn chưa hoàn tất.
 

Thượng tá Lê Văn Trí, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Tiền Giang.
Thượng tá Lê Văn Trí, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Tiền Giang.

Tại tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 799 về việc thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, tạo thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).

Để hiểu rõ hơn về việc thực hiện các quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trên địa bàn tỉnh, Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Lê Văn Trí, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Tiền Giang.

* Phóng viên (PV): Theo quy định Luật Cư trú năm 2020, kể từ đầu năm 2023 sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy chính thức hết giá trị sử dụng. Như vậy, Công an tỉnh đã triển khai quy định này như thế nào đến nhân dân?

* Thượng tá Lê Văn Trí: Với quy định Luật Cư trú năm 2020, bắt đầu từ đầu năm 2023 sẽ chính thức bỏ sổ hổ khẩu, sổ tạm trú giấy, đây được xem là xu thế tất yếu trong công cuộc chuyển đổi số của quốc gia. Trước xu thế này, ngành Công an đã có những bước chuẩn bị rất cụ thể để hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các TTHC. Trong đó, có những vấn đề quan trọng là hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sẵn sàng kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC, dịch vụ công theo quy định; xây dựng hành lang pháp lý, đội ngũ nhân lực, nhất là ở cơ sở.

Đặc biệt, vừa qua, Bộ Công an đã có văn bản hướng dẫn 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; phối hợp Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND  các địa phương kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

* PV: Bước đầu triển khai thực hiện có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa đồng chí?

* Thượng tá Lê Văn Trí: Việc chính thức bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy là quy định hoàn toàn mới không riêng gì đối với tỉnh Tiền Giang mà rất nhiều tỉnh, thành khác trong nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có một số thuận lợi nhất định như có thời gian một năm để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thay đổi từ nhận thức của cán bộ thực hiện các TTHC, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong việc đơn giản hóa các thủ tục, hồ sơ. Một vấn đề nữa là có hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện, đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện đã gặp không ít khó khăn nhất định, trong đó có một số địa phương chưa bắt kịp đổi mới; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật tại một số nơi chưa đáp ứng nhu cầu, tắc nghẽn đường truyền; một số cán bộ chưa nắm vững quy định, quy trình, thủ tục mới…

* PV: Tiền Giang đã có những giải pháp như thế nào trong việc chỉ đạo khắc phục những khó khăn nêu trên?

* Thượng tá Lê Văn Trí: Theo Công văn 799 về việc thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị trên địa bàn thực hiện nghiêm Luật Cư trú, Nghị định 104/2022 ngày 21-12-2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công.

Công an tỉnh Tiền Giang cấp mã định danh cho người dân.
Công an tỉnh Tiền Giang cấp mã định danh cho người dân.

Quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa các cấp phải thường xuyên tra cứu, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ việc tiếp nhận và giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức (tỉnh đã kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); không yêu cầu người dân xuất trình hoặc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC, dịch vụ công trực tuyến; tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định nêu trên theo thẩm quyền.

Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành kết nối và thực hiện tái cấu trúc quy trình, hoàn thiện quy trình nội bộ để khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết TTHC, không yêu cầu người dân xuất trình hoặc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong khi đã có dữ liệu về dân cư được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc này sẽ hoàn thành trong quý I năm 2023.

Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai Chỉ thị 05 ngày 23-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các Bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo. Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan phải đảm bảo dữ liệu gốc của tỉnh luôn “đúng, đủ, sạch, sống” trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan nâng cấp các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh Tiền Giang, bảo đảm việc kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc tra cứu thông tin về cư trú trong thực hiện TTHC; khẩn trương hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền được giao tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công khai thác thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện nghiêm việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy theo quy định của Luật Cư trú, Nghị định 107, Nghị định 104 của Chính phủ.

Theo Luật Cư trú năm 2020, từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Một điều lưu ý là khi công dân có thay đổi thông tin về cư trú thì Công an xã, phường, thị trấn kịp thời cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

* PV: Với việc thực hiện bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, Công an tỉnh Tiền Giang đã triển khai những công việc gì để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các TTHC?

* Thượng tá Lê Văn Trí: Để người dân biết được chủ trương bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy theo Luật Cư trú năm 2020, thời gian qua, Công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau (qua báo, đài, mạng xã hội, họp Tổ nhân dân tự quản, in tờ bướm phát tận hộ gia đình...) để công dân biết chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ, từ đó tự giác đi làm thủ tục cấp Căn cước công dân.

Tính đến cuối tháng 3-2023, toàn tỉnh đã thu nhận được 1.735.030 hồ sơ cấp Căn cước công dân, còn 55.679 công dân đủ điều kiện chưa được cấp Căn cước công dân. Lực lượng Công an kịp thời tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư để đảm bảo dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ công tác khai thác, kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư với các dữ liệu chuyên ngành.

Phối hợp chặt chẽ Phòng Công nghệ thông tin và Bưu chính viễn thông - Sở Thông tin và Truyền thông giải quyết các lỗ hổng an ninh an toàn thông tin để ngày 13-2-2023 hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh chính thức kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã và người dân, doanh nghiệp thuận lợi giải quyết các TTHC khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy không còn giá trị sử dụng.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

TUẤN PHI

.
.
.