Thứ Tư, 10/05/2023, 15:12 (GMT+7)
.

Cần thay đổi chiến lược phân luồng học sinh

Năm nay, câu chuyện “ép” học sinh kém sau khi hoàn thành trung học cơ sở (THCS) không thi vào lớp 10 công lập mà chuyển sang học nghề tiếp tục xuất hiện.

Phải chăng công tác hướng nghiệp đang có vấn đề hay do bệnh thành tích, khiến câu chuyện cứ dai dẳng nhiều năm. TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

* Phóng viên (PV): Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ông cho biết vì sao chủ trương phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS đến nay vẫn gặp nhiều lúng túng khi áp dụng, chúng ta cần cân nhắc thế nào để học sinh khỏi thiệt thòi?

* TS Hoàng Ngọc Vinh: Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, công tác phân luồng cần nhìn nhận một cách khôn ngoan hơn. Người lao động tương lai rất cần nền tảng văn hóa phổ thông trung học để có thể học suốt đời. Bởi vậy, không thể lấy tỷ lệ phân luồng để “ép” học sinh THCS vào học nghề. Chỉ nên phân luồng những người không thể học được ở bậc THPT do sức khỏe, điều kiện kinh tế hoặc không muốn học... Chúng ta nên tạo điều kiện tối đa để các em được tiếp tục đi học lớp 10.

TS Hoàng Ngọc Vinh.
TS Hoàng Ngọc Vinh.

Nếu ở độ tuổi này đi học nghề sớm quá, các em sẽ chủ yếu làm những công việc liên quan đến lao động tay chân hoặc xuất khẩu lao động. Tương lai 5 đến 10 năm nữa, chúng ta khó có nguồn đầu vào tốt đáp ứng nhu cầu đào tạo đại học phục vụ cho nền kinh tế năng động, đổi mới và sáng tạo. Do đó, chiến lược phân luồng học sinh rất cần phải thay đổi trong hoàn cảnh hiện nay để các em có thể “chống chọi” được với những thách thức, yêu cầu kỹ năng của thế kỷ 21, đặc biệt trong nền kinh tế số.

* PV: Câu chuyện học sinh kém bị “ép” không thi vào lớp 10 công lập mà chuyển sang học nghề phải chăng còn là bệnh thành tích, thưa ông?

* TS Hoàng Ngọc Vinh: Hiện nay, việc cung cấp chỗ học cấp THPT không đủ, dẫn đến sự cạnh tranh thi vào lớp 10. Sẽ có một số lượng không nhỏ học sinh vào hệ thống giáo dục thường xuyên hoặc các trường ngoài công lập. Nếu trường nào có tỷ lệ học sinh trượt cao, chất lượng dạy học sẽ bị đánh giá, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.

Việc đánh giá học sinh bằng điểm số hiện nay ở các trường không trung thực. Điều đó dẫn tới những ảo tưởng về năng lực thực của học sinh, khiến gia đình không có sự chuẩn bị, định hướng kịp thời. Mặt khác, ở các thành phố lớn, mật độ dân số, nhà chung cư ngày càng nhiều nhưng diện tích đất cho trường học không được quan tâm đúng mức dẫn tới thiếu trầm trọng. Do đó, Nhà nước nên mở thêm trường công, có chính sách, cơ chế thuận lợi huy động nguồn lực để phát triển trường tư, giảm áp lực cạnh tranh vào trường công như hiện nay để tạo điều kiện tối đa cho những học sinh muốn có học vấn ở trình độ THPT.

Học sinh chuẩn bị bước vào Kỳ thi lớp 10 THPT tại điểm thi Trường THCS Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: KHÁNH HÀ
Học sinh chuẩn bị bước vào Kỳ thi lớp 10 THPT tại điểm thi Trường THCS Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: KHÁNH HÀ

* PV: Theo ông, công tác hướng nghiệp hiện nay ở các trường THCS có nên phó mặc hết cho nhà trường, giáo viên hay không?

* TS Hoàng Ngọc Vinh: Vai trò của cố vấn nghề nghiệp ở trường THCS là giúp học sinh hiểu rõ hơn về sở thích, kỹ năng và lựa chọn nghề nghiệp của mình, đồng thời cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ khi các em khám phá và theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp của mình. Một số nhiệm vụ cụ thể mà cố vấn nghề nghiệp có thể thực hiện trong môi trường trường THCS gồm: Khám phá nghề nghiệp, lập kế hoạch học tập, tư vấn nghề nghiệp cá nhân, lập kế hoạch học nghề hay học đại học, tìm việc và thực tập, giúp học sinh tìm hiểu về các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau và phát triển các kỹ năng cần thiết để thành công trong nghề nghiệp đã chọn.

Việc phụ huynh phản ứng trước những “tư vấn” của nhà trường là do giáo viên không có đủ năng lực hướng nghiệp. Việc dự báo nhu cầu nguồn nhân lực tương lai để có chính sách hướng nghiệp đúng đắn cần sự vào cuộc của cả hệ thống. Đó là công tác dự báo của các nhà kinh tế và nghiên cứu thị trường lao động để đưa ra những thông tin trung thực, lành mạnh về thị trường này. Từ đó, người học thấy được xu hướng của thị trường để tự thân tìm hiểu và ra quyết định. Không nên đổ hết công việc này lên đầu giáo viên.

* PV: Vậy làm thế nào để hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trở về đúng ý nghĩa của nó mà không gây phản cảm như hiện nay?

* TS Hoàng Ngọc Vinh: Nên có những trung tâm với các chuyên gia tư vấn có khả năng đo lường được năng lực người học, khả năng dự báo những biến động, nhu cầu kỹ năng của thị trường lao động để đưa ra khuyến cáo và tư vấn. Cùng với đó là những thay đổi chính sách ở tầm vĩ mô là tất cả người học sau 12 năm đều nhận tấm bằng tốt nghiệp trung học. Không nên phân biệt trung học nghề (hệ 9+3) và THPT như hiện nay. Câu chuyện về bằng cấp tự nhiên sẽ nhẹ nhàng hơn bởi cứ nhắc tới trung học nghề, người ta dễ liên tưởng tới lao động chân tay, lao động thấp kém và vất vả. Chính điều đó đã “giết chết” sự phân luồng hướng nghiệp.

* PV: Có phải chất lượng trường nghề hiện nay khiến người học không mặn mà với giáo dục nghề nghiệp?

* TS Hoàng Ngọc Vinh: Hệ thống trường nghề cũng là một câu chuyện đáng phải bàn. Bên cạnh một số trường nghề chất lượng tốt, cũng có không ít trường lợi dụng kẽ hở pháp luật, tạo ra hình ảnh xấu cho giáo dục nghề nghiệp như hiện tượng liên thông đại học dẫn tới mua bán bằng cấp. Cần nhìn nhận, giáo dục nghề nghiệp hiện nay vẫn chưa thể vực dậy được chất lượng. Nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp không được quan tâm đầu tư, thực lực của người quản lý, giáo viên ở những cơ sở này cũng trở thành rào cản khiến việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh THCS gặp nhiều khó khăn.

* PV: Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) đến đâu, và hai bộ cần phối hợp ra sao để công tác phân luồng học sinh sau THCS đi đúng hướng, thưa ông?

* TS Hoàng Ngọc Vinh: Chương trình phân luồng, hướng nghiệp của Bộ GD-ĐT hiện không hợp lý. Cần có phương pháp tích hợp ngay từ cấp tiểu học để học sinh được làm quen, tiếp cận với nghề nghiệp trong xã hội. Hiện, một số trường đã có sự thay đổi, hình thành thói quen tìm hiểu nghề nghiệp từ bé chứ không phải đợi trẻ lớn lên mới đưa môn học hướng nghiệp vào để phân luồng.

Bộ GD-ĐT sớm có quy hoạch yêu cầu các địa phương tăng cường mở thêm trường học; có kế hoạch đào tạo giáo viên có nghiệp vụ để đưa ra được những trắc nghiệm, đo lường khuyến cáo một cách khách quan. Về phía Bộ LĐTB-XH, cần phải nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đổi mới cơ bản chương trình giáo dục. Đó là dạy những kiến thức tích hợp, có tính ứng dụng chứ không đơn thuần là dạy lý thuyết một số môn học cơ bản. Chương trình học các môn văn hóa tách rời với học kỹ năng nghề khiến học sinh không có khả năng học, cảm thấy chán nản và lãng phí thời gian. Mặt khác, các trường nghề ở địa phương cần tăng cường hợp tác với ngành giáo dục để tuyên truyền, đẩy mạnh trải nghiệm hướng nghiệp, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về giáo dục nghề nghiệp.

* PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(Theo qdnd.vn)

.
.
.