- Ông nhận định thế nào về mục tiêu của Việt Nam tại SEA Games 32, khi nhiều nội dung thế mạnh bị cắt bỏ?
- Việc cắt giảm môn và nội dung thi đấu đương nhiên ảnh hưởng tới thành tích của chúng ta. Tuy nhiên, điều đó ảnh hưởng chung tới tất cả các quốc gia trong khu vực chứ không chỉ riêng Việt Nam. Chúng tôi không so sánh về số lượng huy chương vàng của kỳ SEA Games trước với lần này, vì còn phụ thuộc vào số môn và nội dung thi đấu. Tuy nhiên, theo tính toán sơ bộ, chúng ta có thể mất khoảng 50 huy chương vàng. Nhưng tôi nhấn mạnh, đó chỉ là con số ước tính.
- Trong thời điểm này, vị trí trên bảng xếp hạng có còn thật sự quan trọng, và chỉ tiêu thành tích ở SEA Games có nên được xem như thước đo đánh giá mức độ phát triển của nền thể thao nước nhà hay không, thưa ông?
- Các vận động viên Việt Nam tham dự SEA Games 32 được dự đoán sẽ giành khoảng hơn 300 huy chương các loại, trong đó có 90-120 huy chương vàng. Nếu làm được điều này, Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ lọt vào Top 3. Còn nếu ít hơn, khả năng sẽ rất khó. Dù sao, tôi cho rằng không nên lấy SEA Games là thước đo, bởi chúng ta đang hướng tới trọng tâm là ASIAD.
- Có phải SEA Games cũng chuẩn bị có những thay đổi quan trọng không, thưa ông?
- Kể từ SEA Games 33 được tổ chức tại Thái Lan năm 2025, thể thao khu vực sẽ áp dụng nguyên tắc hoàn toàn mới và mang tính đột phá.
Theo đó, các quốc gia đăng cai phải thực hiện đúng quy định tổ chức các môn thể thao Olympic, quy định số lượng môn của ASIAD, và đặc biệt là quy định số lượng các môn ở nhóm ba, tức là các môn thể thao khu vực. Các môn truyền thống của mỗi quốc gia đăng cai tổ chức sẽ không vượt quá hai môn và không được quá tám nội dung. Đây là quy định có tính đột phá, giúp phá vỡ những yếu tố chủ quan và bảo đảm tính khách quan nhiều hơn.
Đội tuyển cử tạ Việt Nam sở hữu tiềm năng giành vàng tại ASIAD 19. Ảnh: Mỹ Hà |
- Từ những trải nghiệm cá nhân được đúc rút qua nhiều năm công tác, theo ông, đâu là thách thức lớn nhất với mục tiêu vươn tầm của thể thao nước nhà?
- Cá nhân tôi cho rằng sự thay đổi như trên là vượt ngoài mong đợi. Tôi vẫn luôn đề nghị ở mỗi kỳ SEA Games, tất cả các môn Olympic phải được tổ chức. Tất nhiên sự thay đổi này cũng tồn tại nhiều thách thức. Thí dụ như nếu Timor Leste tổ chức thì khó có thể triển khai đủ tất cả các môn được.
Với thể thao nước nhà, ngay từ bây giờ, chúng tôi đã chỉ đạo các đội tuyển, huấn luyện viên và vận động viên phải có sự chuẩn bị "hai trong một". Chiến lược dự kiến sẽ được trình Chính phủ phê duyệt.
Hiện nay, sân chơi SEA Games phù hợp với Việt Nam, có nghĩa là chúng ta tập luyện, thi đấu, đầu tư và sẽ có huy chương. Nhưng, các giải pháp liên quan tới việc nâng tầm thành tích của thể thao nước nhà ở những đấu trường lớn (như ASIAD hay Olympic) lại là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Chúng ta thực hiện song song nhiều nhiệm vụ, nhưng trọng tâm trong thời gian tới phải là ASIAD.
Nói một cách dễ hiểu, trong vòng quay của thể thao Việt Nam, chúng ta đặt mục tiêu chính là sân chơi ASIAD và phấn đấu tới Olympic, còn SEA Games là nhiệm vụ thường xuyên.
- Vậy Thể thao Việt Nam có kế hoạch cụ thể gì nhằm đào tạo vận động viên trọng điểm hướng tới ASIAD và Olympic?
- Theo đánh giá của tôi, ở kỳ ASIAD 19 diễn ra vào tháng 9 tới tại Trung Quốc, với lực lượng hiện nay của Việt Nam, chúng ta khó có thể đạt được thành tích cao. Vì thế, cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể và cố gắng từng chặng một. Qua thực tiễn công tác trong nhiều năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể giành 10, thậm chí hơn 10 tấm huy chương vàng ASIAD. Điều kiện cần ở đây chính là việc phải bảo đảm chế độ tập huấn, thi đấu cọ xát, chuyên gia, dinh dưỡng… cho các vận động viên trọng điểm quốc gia.
Hiện nay, cơ sở vật chất của thể thao Việt Nam còn nhiều hạn chế. Ngay cả các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia đầu tư cũng không nhiều, chưa giải quyết được những vấn đề cơ bản, nhằm hướng tới thành tích tốt và ổn định ở các đấu trường đỉnh cao như ASIAD hay Olympic.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo nhandan.vn)