Sắp xếp đơn vị hành chính nhằm tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 35), Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang Trần Thị Thanh Tuyết khẳng định: Sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã của tỉnh Tiền Giang đảm bảo quy định pháp luật, tính khả thi và phù hợp.
* Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết 35, Tiền Giang đã triển khai chủ trương này như thế nào?
* Đồng chí Trần Thị Thanh Tuyết: Để chủ động trong công tác sắp xếp ĐVHC, ngay từ khi có chủ trương về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 theo Kết luận 48 ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức rà soát số liệu về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và các yếu tố đặc thù của ĐVHC trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trên cơ sở dự thảo Nghị quyết lấy ý kiến địa phương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Sở Nội vụ và các huyện, thành, thị cũng đã tính đến các phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp để sẵn sàng triển khai thực hiện ngay khi có Nghị quyết sắp xếp ĐVHC của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi Nghị quyết 35 được ban hành, ngày 31-7-2023, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tại điểm cầu Tiền Giang, tỉnh đã mời hơn 100 đại biểu là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đến tham dự và được quán triệt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Tỉnh Tiền Giang có diện tích tự nhiên trên 2.556 km2, quy mô dân số đến ngày 31-12-2022 (do cơ quan Công an cung cấp) trên 2,131 triệu người (trong đó dân số thường trú gần 2,056 triệu người, tạm trú được quy đổi là 75.753 người). Sau nhiều lần điều chỉnh, thành lập ĐVHC, hiện nay Tiền Giang có 11 ĐVHC cấp huyện, gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện; 172 ĐVHC cấp xã, gồm 22 phường, 8 thị trấn, 142 xã. |
Hiện nay, với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh công tác tổ chức sắp xếp ĐVHC trên địa bàn tỉnh, Sở Nội vụ đang nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh về Kế hoạch tổ chức thực hiện, thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng Phương án tổng thể và Đề án Sắp xếp các ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và thực hiện các nội dung liên quan theo quy định, hướng dẫn của Trung ương đảm bảo thận trọng, phù hợp và hiệu quả.
* PV: Trong quá trình triển khai thực hiện, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang gặp những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc gì, thưa đồng chí?
* Đồng chí Trần Thị Thanh Tuyết: Về thuận lợi: Ngay từ khi có chủ trương về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động, tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC, qua đó giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC hiện nay là nhằm bảo đảm “bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn”,“nâng cao đời sống nhân dân” (Nghị quyết 37 ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị).
Hiện nay, cơ sở pháp lý, các quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác sắp xếp ĐVHC đã được Trung ương ban hành (Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch tổ chức thực hiện của Chính phủ, hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành....) để làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện công tác sắp xếp ĐVHC trên địa bàn quản lý. Giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã, do đó có được kinh nghiệm thực tiễn để vận dụng trong giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn tiếp theo.
Về khó khăn, Tiền Giang cũng như cả nước có khó khăn chung. Đó là: Sắp xếp ĐVHC là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tại các ĐVHC liên quan đến công tác sắp xếp; phần nào ảnh hướng đến tư tưởng, tâm lý của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và của nhân dân.
Đại biểu dự tại điểm cầu Tiền Giang trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Ảnh: PHƯƠNG MAI |
Bên cạnh đó, tỉnh còn một số khó khăn như sau: So với giai đoạn 2019 - 2021, trong giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030, tỉnh Tiền Giang phải tiến hành sắp xếp nhiều ĐVHC cấp xã hơn, vì vậy khối lượng nhiệm vụ cũng nhiều hơn so với công tác sắp xếp ĐVHC trước đây. Đồng thời, giai đoạn này, trên thực tế chúng ta chỉ còn hơn 1 năm (nếu chỉ tính giai đoạn 2023 - 2025), vì vậy, công việc nhiều, thời gian ngắn, yêu cầu cao (chậm nhất đến 31-10-2023, UBND tỉnh phải gửi phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ, trong năm 2024 phải hoàn thành Đề án sắp xếp), do đó cần phải có sự tập trung cao độ, sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện để hoàn thành theo đúng lộ trình đề ra.
Việc xây dựng phương án sắp xếp phù hợp trong giai đoạn 2023 - 2025 còn gặp không ít khó khăn so với giai đoạn trước, do có một số ĐVHC phải sáp nhập với 2 ĐVHC liền kề mới đảm bảo theo quy định, vì vậy đòi hỏi cần phải nghiên cứu, xây dựng phương án sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 một cách cẩn trọng; đồng thời, còn phải tính đến việc sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2026 - 2030.
Dù đã chủ động chỉ đạo việc xây dựng phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách tại các ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, nhưng theo đánh giá của tỉnh và kinh nghiệm trong công tác sắp xếp ĐVHC giai đoạn trước đây, thì việc sắp xếp bố trí cán bộ, công chức dôi dư vẫn là nhiệm vụ phức tạp, cần phải có sự chuẩn bị, lên kế hoạch và phân tích đánh giá kỹ các khả năng và khó khăn có thể xảy ra.
Theo quy định, việc sắp xếp ĐVHC cấp xã, cấp huyện phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị hoặc các quy hoạch khác có liên quan, do đó cần phải thực hiện thêm công tác bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch để phục vụ công tác sắp xếp ĐVHC trên địa bàn tỉnh.
* PV: Từ những thuận lợi, khó khăn trên, tỉnh Tiền Giang đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nào để thực hiện, thưa đồng chí?
* Đồng chí Trần Thị Thanh Tuyết: Tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác sắp xếp ĐVHC để tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong quá trình sắp xếp, đặc biệt là tinh thần tích cực, chủ động tham gia của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại các ĐVHC thuộc diện sắp xếp thông qua việc thể hiện tính gương mẫu, tiên phong trong thực hiện chủ trương này sẽ góp phần phục vụ tốt hơn cho công tác lấy ý kiến nhân dân về việc sắp xếp ĐVHC theo quy định pháp luật.
Tiền Giang đang tập trung hoàn thiện Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2028. Ảnh: HÀ NAM |
Tập trung hoàn thiện Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2025 đảm bảo quy định pháp luật, tính khả thi và phù hợp, có tính đến việc sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2026 - 2030, trình Trung ương phê duyệt để tiến hành xây dựng Đề án theo lộ trình đề ra. Xây dựng, tích hợp nội dung sắp xếp ĐVHC của tỉnh vào quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan để đảm bảo việc sắp xếp ĐVHC tuân thủ đúng nguyên tắc sắp xếp ĐVHC theo Nghị quyết 35 và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội.
Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai các phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách đảm bảo hợp lý. Trong đó, Sở Nội vụ là cơ quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn để trình HĐND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
LÊ PHƯƠNG (thực hiện)