Thứ Bảy, 26/08/2023, 19:58 (GMT+7)
.

Tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực ngành Văn hóa

Do đặc thù của ngành nghệ thuật là trọng tài năng và đào tạo theo kiểu “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, đào tạo năng khiếu có khi từ rất nhỏ, tuổi nghề lại rất ngắn, nên vừa khó thu hút người học, vừa khó nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư cho lĩnh vực đào tạo nghệ thuật. Chính vì thế, chúng ta cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ nhiều hơn cho đào tạo nguồn nhân lực văn hóa.

Ngành Văn hóa vượt khó để đào tạo nhân lực cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Ảnh: TTXVN
Ngành Văn hóa vượt khó để đào tạo nhân lực cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Ảnh: TTXVN

Phát triển công nghiệp văn hóa là nội dung quan trọng, nhiệm vụ cấp bách trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030 mà Chính phủ đã ban hành ngày 12/11/2021. Để phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này.

Thưa ông, để phát triển công nghiệp văn hóa, nguồn nhân lực luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Ông có thể chia sẻ về vai trò của nguồn nhân lực trong dòng chảy văn hóa dân tộc?

Nguồn nhân lực ở trong bất kỳ một lĩnh vực nào cũng vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong những lĩnh vực mới như các ngành công nghiệp văn hóa. Do điều kiện lịch sử đặc thù của đất nước, nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật nói chung của chúng ta luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Ngay từ khi giành được độc lập, dù gặp muôn ngàn khó khăn, chúng ta đã chú ý đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ phục vụ sự nghiệp cách mạng. Các trường văn hóa nghệ thuật được thành lập, kết hợp với các văn nghệ sĩ được đào tạo từ trước ở trong nước, nhiều cán bộ, văn nghệ sĩ được cử đi học ở nước ngoài sau này trở về đã trở thành trụ cột cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà.

Đến bây giờ, chúng ta vẫn nhắc đến tên tuổi của họ như: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Trần Đăng Khoa, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Tào Mạt, Lưu Quang Vũ, Bùi Đình Hạc... đã làm rạng rỡ cho nghệ thuật cách mạng, với nhiều tác phẩm văn chương, hội họa, kịch, điện ảnh ghi dấu ấn trong lòng khán giả trong và ngoài nước. Thế hệ nghệ sĩ ấy đã tạo nền móng cho sự phát triển văn hóa sau này, là cơ sở để chúng ta phát triển công nghiệp văn hóa.

Bước vào thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế, bằng cách tiếp cận mới của nền kinh tế thị trường, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có nhiều thay đổi. Bên cạnh khó khăn do đào tạo từ các nước có quan hệ truyền thống bị hạn chế, thì lại mở ra mối quan hệ đào tạo với nhiều nước khác, giúp cho chúng ta có thêm những cách tiếp cận mới, kỹ năng mới trong sáng tạo, biểu diễn và cả tổ chức, kinh doanh văn hóa, nghệ thuật. Đây cũng là thời điểm chúng ta quyết tâm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiều giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật truyền thống được sưu tầm, bảo tồn và phát huy.

Ông đánh giá như thế nào về các chính sách, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa trong những năm gần đây?

Tôi đánh giá cao nỗ lực của ngành văn hóa trong việc vượt khó để đào tạo nhân lực cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Bối cảnh xã hội hiện nay có khá nhiều khó khăn đối với việc đào tạo lực lượng văn nghệ sĩ, bởi thị trường văn hóa, nghệ thuật có quy mô khiêm tốn, chủ yếu bị chi phối bởi các sản phẩm nghệ thuật nước ngoài, khiến cho cơ hội việc làm và thu nhập cho nghệ sĩ còn thấp so với các lĩnh vực trong xã hội.

Ngoài ra, do đặc thù của ngành nghệ thuật là trọng tài năng và đào tạo theo kiểu “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, đào tạo năng khiếu có khi từ rất nhỏ, tuổi nghề lại rất ngắn, nên vừa khó thu hút người học, vừa khó nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư cho lĩnh vực đào tạo nghệ thuật. Chính vì thế, chúng ta cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ nhiều hơn cho đào tạo nguồn nhân lực văn hóa.

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trao đổi với phóng viên báo Tin tức. Ảnh: L.S
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trao đổi với phóng viên báo Tin tức. Ảnh: L.S

Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực văn hóa. Những chính sách về miễn, giảm học phí, thậm chí là hỗ trợ học bổng đối với một đối tượng, cũng đã được áp dụng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, nguồn nhân lực cho sự phát triển văn hóa còn yếu và thiếu các kỹ năng chuyên môn và quản lý văn hóa trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, đặc biệt là năng lực đổi mới sáng tạo, các kỹ năng quản trị kinh doanh. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý về văn hóa ở các cấp không theo kịp sự phát triển phong phú, đa dạng, xuất hiện nhiều hiện tượng mới và phức tạp của hoạt động văn hóa, dẫn tới lúng túng trong hoạch định chính sách, trong hướng dẫn tổ chức thực hiện, trong xử lý các vụ việc vi phạm luật pháp và các chính sách về văn hóa.

Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý văn hoá chưa đáp ứng được yêu cầu, còn hẫng hụt cán bộ văn hoá ở các vị trí quan trọng, nguồn nhân lực chất lượng cao trong văn hóa còn nhiều hạn chế, bất cập. Mức độ đầu tư, chính sách tuyển dụng, chế độ đãi ngộ... đối với các nghệ nhân, với các tài năng nghệ thuật nói riêng và văn nghệ sĩ, tầng lớp trí thức nói chung còn chưa phù hợp. Lực lượng sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn yếu và thiếu.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật chưa theo kịp với yêu cầu của đời sống văn hóa ngày càng mới mẻ, phức tạp. Cán bộ làm công tác văn hoá ở các cấp còn tình trạng chắp vá, trình độ chuyên môn còn hạn chế.

Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc triển khai những chương trình, đề án, cũng cần quan tâm thực hiện một số giải pháp như: Nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về vai trò, giá trị của văn hóa nghệ thuật trong đời sống xã hội; đổi mới cơ chế, chính sách, luật pháp về phát triển nhân lực là khâu đột phá trong phát triển nhân lực, dần hình thành một hệ thống cơ chế, chính sách chính phát triển nhân lực được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật hoàn chỉnh và đồng bộ; tăng cường đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực xã hội vào việc nâng cấp, xây mới cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa từ trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo mới và đào tạo lại, bồi dưỡng nhân lực hiện có để cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ quản lý và nghệ sĩ; nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, của công chúng trong việc đánh giá cán bộ của ngành. Việc tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực phát triển đội ngũ cán bộ cũng phải được chú trọng; đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và nghệ sĩ phù hợp với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Khoa học công nghệ cũng cần được xem là một trong những khâu đột phá trong phát triển hoạt động của ngành văn hóa nói chung, nhân lực cán bộ quản lý và nghệ sĩ của ngành nói riêng.

Trong giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030 mà Chính phủ đã ban hành ngày 12/11/2021, cần có những giải pháp nào để gỡ khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, thưa ông?

Đúng là để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta nên bắt đầu bằng con người trong lĩnh vực ấy. Muốn tháo gỡ những điểm nghẽn của nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa, theo tôi, nên tập trung vào mấy điểm chính.

Đầu tiên, chúng ta cần quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực sáng tạo văn hóa nghệ thuật ở các cấp giáo dục và đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo ở Việt Nam. Giải pháp này bao gồm việc thay đổi chương trình đào tạo trong các trường và cơ sở đào tạo ngành nghề sáng tạo văn hóa nghệ thuật như âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, kiến trúc...

Theo đánh giá của chuyên gia, nhân tài cũng cần được tạo môi trường để sử dụng một cách hiệu quả. Ảnh: L.S
Theo đánh giá của chuyên gia, nhân tài cũng cần được tạo môi trường để sử dụng một cách hiệu quả. Ảnh: L.S

Tiếp đó, phải xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn giữa các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo, các đối tác xã hội và những nhà cung cấp đào tạo và giáo dục, thông qua cả đào tạo khởi đầu và phát triển chuyên môn tiếp tục.

Mặt khác, các trường văn hóa nghệ thuật cần đầu tư hơn nữa vào các thiết bị và phần mềm chuẩn, và tuyển dụng, sử dụng những người thực hành trong nghề, các nghệ sĩ để tăng cường chất lượng nghệ thuật. Xây dựng các chương trình giáo dục đa ngành, ví dụ như thủ công truyền thống và thiết kế. Trong đào tạo nhận thức được sức mạnh của sự hội nhập truyền thông, ví dụ như lĩnh vực phim có thể hợp tác với các ngành công nghiệp truyền thông đa phương tiện (multimedia industries) như hoạt hình, truyện tranh.

Thêm vào đó là khai thác và nâng cao năng lực sáng tạo của các cá nhân, nhóm, cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam; phát huy tối đa sự đa dạng của các sáng tạo văn hóa và tạo điều kiện cho sức sáng tạo trở thành một đặc trưng văn hóa vừa có tính bản sắc, độc đáo và vừa có tính phù hợp với xu thế sáng tạo của thế giới.

Những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống được sưu tầm, bảo tồn và phát huy. Ảnh: L.S
Những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống được sưu tầm, bảo tồn và phát huy. Ảnh: L.S

Ngoài ra, cần sớm phát hiện, nuôi dưỡng và phát huy năng lực của các tài năng, làm cho các tác năng phát triển đúng hướng, cùng với sự hỗ trợ cho các tổ chức văn háo nghệ thuật, giúp cho quá trình phát triển của các nghệ sĩ, những người thực hành sáng tạo, nhà sản xuất và nhà quản lý sáng tạo. Cần tạo môi trường làm cho nhân tài được sử dụng một cách hiệu quả. Hỗ trợ tài chính để thúc đẩy sự tham dự của các tài năng sáng tạo và những tác phẩm sáng tạo trong các cuộc thi quốc tế nổi tiếng, vì vậy các tài năng có thể được tiếp cận và được công nhận trên quốc tế, từ nâng cao hình ảnh về công nghiệp văn hóa Việt Nam như một nguồn lực sáng tạo trên trường quốc tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

(Theo https://baotintuc.vn/van-hoa/tao-dot-pha-trong-phat-trien-nguon-nhan-luc-nganh-van-hoa-20230824095109526.htm)

 

 

 

.
.
Tìm kiếm cơ hội việc làm trên VietnamWorks
.