Thứ Hai, 04/09/2023, 10:17 (GMT+7)
.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Tạo thuận lợi, bớt căng thẳng cho giáo viên

Trước thềm năm học mới 2023-2024, ngành giáo dục còn rất nhiều việc cần giải quyết. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trao đổi với báo chí về một số trọng tâm của năm học mới.

- Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, năm học mới 2023-2024, ngành giáo dục sẽ tập trung những nhiệm vụ nào?

* Bộ trưởng NGUYỄN KIM SƠN: Đây là năm học có ý nghĩa, vai trò quan trọng của lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT), mà trọng tâm là triển khai Chương trình GDPT 2018. Bên cạnh nhiệm vụ đổi mới GDPT, nhiều vấn đề, nhiệm vụ quan trọng khác cũng sẽ được ngành giáo dục triển khai trong năm học mới này. Trước mắt, thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Nhìn lại chặng đường 10 năm đổi mới, đồng thời xác định hướng phát triển giáo dục cho chặng đường tiếp theo.

Một trong những nhiệm vụ xây dựng và phát triển lớn, quan trọng là chuẩn bị, xây dựng Luật Nhà giáo, với dự kiến hoàn thành và trình Quốc hội vào năm 2024. Nếu được thông qua, luật này sẽ tạo ra sự thay đổi lớn tích cực về thể chế để phát triển đội ngũ nhà giáo nói riêng và phát triển giáo dục nói chung.

Năm học này, Bộ GD-ĐT được Chính phủ, Quốc hội giao rà soát các bộ luật quan trọng của ngành như Luật Giáo dục đại học. Ban hành năm 2018, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã mở đường cho tự chủ đại học. Đến thời điểm này có nhiều nội dung cần rà soát, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tiễn. Cùng với nhiệm vụ xây dựng, củng cố, tăng cường thể chế cho giáo dục, năm học này, ngành giáo dục cần tập trung vào các nhiệm vụ: tăng cường triển khai văn hóa học đường, tâm lý học đường, xây dựng trường học hạnh phúc, phòng chống bạo lực học đường…

Năm học tới, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới. Việc biên soạn đã được thực hiện, năm nay sẽ đưa vào thực nghiệm, sau đó mới triển khai thực tế. Bên cạnh đó, giáo dục thường xuyên cũng sẽ có một đợt đổi mới, từ tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, tới dạy học kiểm tra, đánh giá hệ thống.

- Một khó khăn trong đổi mới GDPT hiện nay là tình trạng thiếu giáo viên. Vậy giải pháp nhằm khắc phục các vấn đề đặt ra về đội ngũ giáo viên cho năm học mới 2023-2024 và những năm tiếp theo?

* Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để giáo viên thấy được sự hỗ trợ và thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn. Đồng thời, các địa phương cần tích cực chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá…

Bộ GD-ĐT đã có những điều chỉnh về đào tạo ở các trường sư phạm để cung ứng nhiều hơn nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương. Bên cạnh đó, bộ cũng nghiên cứu đề xuất điều chỉnh Nghị định 116 về đào tạo giáo viên liên quan đến đào tạo sư phạm, nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế đặt hàng của địa phương cũng như hỗ trợ về sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Dự kiến, Nghị định 116 sửa đổi sẽ hoàn thành trong năm nay và được kỳ vọng mở rộng nguồn tuyển sư phạm.

Bộ GD-ĐT cũng đang làm thủ tục trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển dụng những giáo viên theo chuẩn của Luật Giáo dục cũ. Có thể tạm thời sử dụng, đặt ra yêu cầu đến năm 2030, giáo viên phải đạt chuẩn. Đó cũng được coi là biện pháp tạm thời để có nguồn giáo viên linh hoạt trong việc dạy môn Tin học và Ngoại ngữ.

Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ lấy ý kiến các bộ ngành khác trình Chính phủ đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học. Đồng thời, kiến nghị các địa phương không giảm biên chế một cách cơ học, tạo thêm khó khăn cho ngành giáo dục. Chủ trương tinh giảm biên chế của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo là đúng đắn tuy nhiên nên thực hiện theo hướng giảm số người hưởng lương bằng ngân sách; các địa phương cần chú ý điều tiết, hạn chế cắt chỉ tiêu biên chế của giáo dục.
Trong chế độ chính sách của các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình dự án khác, ngành giáo dục tăng cường việc kiên cố hóa trường học, chăm lo việc xây nhà ở công vụ cho giáo viên, đặc biệt ở các điểm trường, cắm bản, vùng khó.

a
Giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan, quận 1, TPHCM, hướng dẫn trò chơi cho học sinh. Ảnh: CAO THĂNG

- Thưa Bộ trưởng, hiện nay, rất nhiều ý kiến quan tâm đến chính sách cho giáo viên mầm non?

* Lao động của giáo viên mầm non là lao động nặng nhọc, vất vả. Về cơ bản, tổng cộng thu nhập của giáo viên mầm non vẫn thấp, chưa tương xứng với lao động mà giáo viên mầm non bỏ ra, đặc biệt là với giáo viên vùng khó khăn. Việc này lãnh đạo Bộ GD-ĐT rất hiểu và chia sẻ với các thầy cô.

Trong các diễn đàn và các cuộc làm việc với bộ ngành, lãnh đạo bộ cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ cũng đã giao Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ làm việc với các bộ ngành, trước hết là cân nhắc khả năng nâng phụ cấp cho giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Chúng ta mong muốn phụ cấp ưu đãi cho tất cả các bậc học chứ không chỉ mầm non, tiểu học; tuy nhiên mầm non, tiểu học cần được chú ý trước hết.

Bước đầu Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10% và đối với tiểu học thêm 5%. Vấn đề còn lại là cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, báo cáo đến Chính phủ và các bộ ngành. Hy vọng việc này sớm được thống nhất, tuy con số nhỏ nhưng thực hiện được sẽ thêm một phần động viên cho giáo viên mầm non.

Tôi cũng muốn nói thêm, số lượng giáo viên hưởng lương hiện nay là rất lớn, chiếm 70% số lượng công chức, viên chức trong cả nước. Vì vậy, mỗi chính sách điều chỉnh, có thể rất nhỏ thôi nhưng cần phải có nguồn lực, điều kiện. Chúng ta mong muốn nhưng kiến nghị cũng phải từng bước điều chỉnh.
Thực tế cho thấy, giờ làm việc của giáo viên mầm non hiện nhiều hơn thời gian quy định, do trẻ đến sớm về muộn theo giờ làm việc của cha mẹ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên áp lực cho giáo viên mầm non. Về chính sách, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ cùng các bộ ngành tiếp tục xem xét, lưu ý đến thù lao cho giờ làm việc nhiều của giáo viên mầm non.

Về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non - được đề cập và quan tâm nhiều trong thời gian gần đây, hiện nay Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội và trong góp ý với dự thảo luật, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng làm công việc nặng nhọc, độc hại. Gần đây nhất trên diễn đàn của Quốc hội với người lao động cả nước, tôi cũng thay mặt ngành giáo dục tiếp tục nêu quan điểm giáo viên mầm non cần có chế độ nghỉ hưu thuộc nhóm lao động nặng nhọc, nữ vẫn giữ ở tuổi 55 nhưng đảm bảo thu nhập và chế độ để không có sự thiệt thòi.

- Bộ trưởng gửi gắm gì tới đội ngũ giáo viên, học sinh năm học mới?

* Một năm học mới bắt đầu với rất nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn còn ở phía trước và cũng là một năm trọng tâm của quá trình đổi mới của giáo dục, khó khăn nhiều, nhưng cũng hứa hẹn rất nhiều thành tựu ở phía trước. Tôi mong rằng toàn thể các nhà giáo và toàn thể các em học sinh, sinh viên tiếp tục nỗ lực, phấn đấu đổi mới, sáng tạo để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trước ngành, trước xã hội. Mong rằng toàn thể xã hội, các phụ huynh tiếp tục ủng hộ cho ngành giáo dục trong thời gian sắp tới.

Theo sggp.org.vn

.
.
.