Chủ Nhật, 11/02/2024, 17:17 (GMT+7)
.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nhất quán, bản lĩnh, dốc sức, đồng lòng cho sự đổi mới

Năm 2023 là một năm có nhiều việc lớn, nhiều thách thức, nhưng toàn ngành GD&ĐT đã đồng lòng, dốc sức cho sự đổi mới một cách bản lĩnh, nhất quán để tiếp nối những gì đã làm được trong giai đoạn trước và ra sức phấn đấu cho chặng đường tiếp theo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết ngành GD&ĐT tiếp tục xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là khâu quan trọng - Ảnh: VGP/NN
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết ngành GD&ĐT tiếp tục xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là khâu quan trọng - Ảnh: VGP/NN

2023: Năm trọng tâm của quá trình đổi mới

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, năm 2023 là năm trọng tâm trong quá trình đổi mới, đặc biệt là đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT). Toàn ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT năm 2018. Trong đó, vừa đánh giá việc triển khai Chương trình của lớp 3, 7, 10; vừa trực tiếp triển khai cho lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị cho lớp 5, 9, 12. Qua triển khai thực hiện, dấu ấn quan trọng nhất là trường học không ngừng được đổi mới, nhà giáo hào hứng với những chuyển đổi, học sinh năng động tích cực hơn.

Bên cạnh đó, việc biên soạn, thẩm định, phát hành sách giáo khoa theo Chương trình GDPT năm 2018 cũng đã được hoàn thành đúng thời gian, đảm bảo chất lượng.

So với nhiều năm trước, năm 2023 công tác kiểm tra đánh giá, đặc biệt Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được tổ chức với chất lượng tốt, đảm bảo công bằng, an toàn gắn với chuyển đổi số, đem lại thuận tiện cho thí sinh và người dân. Bộ GD&ĐT cũng vừa ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đây là bước đổi mới trong kiểm tra đánh giá để phù hợp với Chương trình GDPT mới, được dư luận xã hội đồng thuận khá cao.

Về công tác xây dựng thể chế, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Năm qua, chúng tôi tập trung rà soát các văn bản quy định liên quan đến chế độ chính sách cho nhà giáo, tài chính giáo dục, tự chủ đại học… Trong đó, nhiều chính sách đã được ban hành mới hoặc điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tiễn và mở đường cho đổi mới căn bản GD&ĐT".

Bên cạnh đó, rất nhiều nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ quan trọng, nhiệm vụ thường xuyên trên hầu khắp các mảng công tác đã được triển khai và hoàn thành tốt.

"Để đạt được những kết quả như thời gian qua là nhờ có sự ủng hộ rất cao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cho đến người dân. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt tới việc triển khai đột phá chiến lược về nhân lực, thông qua nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chúng tôi mong trong thời gian sắp tới, tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ nhiều hơn từ toàn xã hội", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Bộ GD&ĐT đang tập trung xây dựng để sớm trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt và tặng quà các nhà giáo tiêu biểu chiều 17/11/2023 nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) - Ảnh: VGP/Quang Thương
Bộ GD&ĐT đang tập trung xây dựng để sớm trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt và tặng quà các nhà giáo tiêu biểu chiều 17/11/2023 nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) - Ảnh: VGP/Quang Thương

2024 'Bản lĩnh - Thực tiễn - Chất lượng - Lan tỏa'

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Bước vào năm 2024, rất nhiều thách thức vẫn còn nguyên, nhưng chúng tôi xác định, nếu vượt qua được sẽ có những kết quả tốt đẹp hơn.

Đối với việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, khi việc tổng kết được hoàn thành, Bộ Chính trị sẽ có ý kiến, năm 2024 sẽ là năm triển khai những nội dung mới theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Đây cũng là năm chúng tôi dự kiến tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển GD&ĐT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khi được cấp có thẩm quyền ban hành".

Trong năm nay, ngành GD&ĐT tiếp tục xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là khâu quan trọng. Trong đó, Bộ GD&ĐT đang tập trung xây dựng để sớm trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo. "Chúng tôi kỳ vọng, dự án luật này sẽ là cơ hội để đưa ra những chính sách mới phát triển đội ngũ nhà giáo", Bộ trưởng Sơn chia sẻ.

Nhiều chính sách đã được ban hành mới hoặc điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tiễn và mở đường cho đổi mới GD&ĐT
Nhiều chính sách đã được ban hành mới hoặc điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tiễn và mở đường cho đổi mới GD&ĐT.

Năm 2024, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 và để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, phải triển khai các giải pháp để đảm bảo đủ số lượng giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy những môn học mới; tăng cường chính sách hỗ trợ giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp cho các khu vực còn có nhu cầu cao.

Đây cũng là năm ngành giáo dục tập trung chuẩn bị cho Chương trình giáo dục mầm non mới, đồng thời tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

"Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, chúng tôi mong muốn toàn ngành sẽ cùng bước vào năm 2024 với tinh thần "Bản lĩnh - Thực tiễn - Chất lượng - Lan tỏa". Việc đổi mới không bao giờ là dễ dàng và luôn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều nhau, đòi hỏi ngành giáo dục phải thể hiện được bản lĩnh, sự nhất quán để xã hội đặt niềm tin. Tuy vậy, trong thời kỳ đổi mới, chuyển đổi, cũng phải lắng nghe thực tiễn, quan sát thực tiễn để có những điều chỉnh chính sách kịp thời, phù hợp. Bên cạnh đó, đối với các bậc học, dù khối lượng công việc nhiều, áp lực lớn nhưng luôn phải lấy yếu tố chất lượng làm thước đo. Và trong quá trình đổi mới, những yếu tố mới, tinh thần mới, giá trị mới phải được lan toả rộng rãi để xã hội chia sẻ, đồng thuận" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.

"Đủ" cho chặng đường tiếp theo

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định đây là văn kiện quan trọng của Trung ương Đảng, định hướng mang tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn của Đảng đối với việc phát triển giáo dục và đào tạo trong tổng thể phát triển đất nước. Từ thực tế triển khai sau 10 năm có thế thấy giá trị rất cao của Nghị quyết. Nhiều việc đã được triển khai và nhiều việc dù tình hình đã có nhiều thay đổi song vẫn thấy rất rõ ý nghĩa soi sáng, dẫn dắt, chỉ đạo sát, đúng trong cả hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, với tầm nhìn chiến lược của Nghị quyết 29 thì chặng đường phía trước còn rất nhiều việc phải triển khai. Theo người đứng đầu ngành giáo dục, đổi mới giáo dục khác với các lĩnh vực khác, là các kết quả cần phải có thời gian mới nhìn nhận, đánh giá được một cách đầy đủ. Vì vậy, trong chặng đường phía trước, phải rất kiên trì, nhất quán trong định hướng đổi mới để đạt được các mục tiêu lớn và quan trọng mà Nghị quyết 29 đã đề ra.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt tới việc triển khai đột phá chiến lược về nhân lực, thông qua nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và thầy, trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT An Giang trong chuyến thăm và làm việc ngày 17/6/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt tới việc triển khai đột phá chiến lược về nhân lực, thông qua nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và thầy, trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT An Giang trong chuyến thăm và làm việc ngày 17/6/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới cần một số cái 'đủ': Thứ nhất là đủ mức độ quan tâm. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương, đã quan tâm rồi thì quan tâm hơn nữa, đầy đủ, sâu sắc hơn nữa.

Thứ hai là đủ về nhận thức. Nghị quyết 29 đã tạo ra những thay đổi quan trọng, đổi mới về tư tưởng và nhận thức nhưng vẫn cần tiếp tục có sự đổi mới đầy đủ và toàn diện hơn nữa, đặc biệt là trước những vấn đề mới của thời đại đặt ra, để tiếp tục mở đường cho tinh thần đổi mới của GD&ĐT.

Thứ ba là đủ về nguồn lực để thực hiện. Đầy đủ nguồn lực bao gồm: đủ nguồn lực về con người (giáo viên), đủ nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất - đủ trường, đủ lớp, đủ trang thiết bị. Có đầy đủ như thế, kết quả đổi mới mới như kỳ vọng và đạt được kết quả lớn hơn nữa trong tương lai", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định lại một lần nữa, đổi mới không bao giờ là việc dễ dàng, luôn đầy những khó khăn, thử thách. Trước thềm năm mới, người đứng đầu ngành giáo dục cả nước mong muốn các thầy, các cô tiếp tục nỗ lực cố gắng. "Vinh quang rất lớn nhưng khó khăn, thách thức còn rất nhiều. Ngành chúng ta lại tiếp tục nỗ lực phấn đấu đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, trông cậy", Bộ trưởng khẳng định.

Trong năm mới, toàn ngành giáo dục mong muốn được các bậc phụ huynh và toàn xã hội chia sẻ, thấu hiểu, hỗ trợ nhiều hơn nữa để cùng với ngành giáo dục nâng cao chất lượng và tiếp tục công việc đổi mới.

Qua Báo điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi lời chúc toàn thể nhà giáo, các em học sinh, các quý vị phụ huynh năm mới dồi dào sức khoẻ, thêm tin tưởng để cùng ngành giáo dục chia sẻ, lan tỏa tinh thần đổi mới và mang lại những giá trị địch thực cho xã hội.

(Theo baochinhphu.vn)

 

 

 


 

 

 

.
.
.