Thứ Năm, 08/02/2024, 21:11 (GMT+7)
.

Bước chuyển mình của "người gác cổng hệ thống y tế"

Mạng lưới y tế cơ sở, “người gác cổng của hệ thống y tế” được đánh giá góp phần quan trọng giúp các chỉ số sức khỏe cơ bản của Việt Nam cao hơn các quốc gia có cùng mức thu nhập. Dù đối diện không ít thách thức, thời gian tới, “người gác cổng” này sẽ có những chuyển biến quan trọng.

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế - Ảnh: VGP/HM
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế - Ảnh: VGP/HM

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ những ngày đầu năm mới, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, mạng lưới y tế cơ sở của chúng ta với thế mạnh bao phủ rộng khắp cả nước và có sự gắn kết chặt chẽ với cộng đồng dân cư… đã góp phần quan trọng vào những thành tựu nổi bật nhất của hệ thống y tế Việt Nam.

Quốc tế đánh giá tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở nước ta

Thưa bà, mạng lưới y tế cơ sở của nước ta với thế mạnh bao phủ rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, mạng lưới này chưa thật sự triển khai hiệu quả chức năng "người gác cổng" của hệ thống y tế. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Phan Lê Thu Hằng: Đây là nhận định của nhiều chuyên gia y tế cũng như nhiều nhà quản lý y tế và quan điểm cá nhân của tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định này.

Mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế cấp xã có 2 chức năng cơ bản, bao gồm: Cung ứng các dịch vụ y tế cơ bản cho người dân và điều tiết hệ thống, hay nhiều người thường diễn giải là "người gác cổng hệ thống y tế".

Hạn chế hiện nay của chúng ta là chú trọng nhiều chức năng cung ứng dịch vụ y tế mà chưa quan tâm đúng mức chức năng điều tiết hệ thống.

Với vai trò "người gác cổng của hệ thống y tế", có 2 vấn đề quan trọng. Thứ nhất, đây là nơi tiếp xúc đầu tiên của người dân với hệ thống cung ứng dịch vụ y tế. Thứ hai, đây là nơi phân tích, sàng lọc, phân loại để đảm bảo sự kết nối giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế phù hợp nhất với nhu cầu sức khỏe đó.

Do vậy, khi nói tới chức năng "người gác cổng của hệ thống y tế", chúng ta không chỉ quan tâm tới các yếu tố nội tại của mạng lưới y tế cơ sở, mà cần chú trọng tới sự tương tác giữa mạng lưới y tế cơ sở với cộng đồng dân cư, cũng như sự tương tác giữa mạng lưới y tế cơ sở với các cơ sở y tế tuyến trên (hệ thống chuyển tuyến).

Chúng ta vẫn cần thẳng thắn thừa nhận, mạng lưới y tế cơ sở còn nhiều hạn chế như mô hình tổ chức chưa ổn định; năng lực cung ứng dịch vụ y tế, nhất là trong tình huống khẩn cấp của dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng dịch vụ còn thấp; nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế chưa đảm bảo; chính sách, chế độ lương, đãi ngộ cho nhân lực y tế chưa thỏa đáng, chưa thu hút được cán bộ y tế có trình độ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở; công tác phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, quản lý sức khỏe người dân, phát hiện bệnh sớm và quản lý bệnh còn hạn chế; người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ nên vượt tuyến, gây quá tải ở bệnh viện tuyến trên...

Nắm rõ được những hạn chế này thì chúng ta cần phải phát huy những thế mạnh nào của mạng lưới y tế cơ sở?

Bà Phan Lê Thu Hằng: Trong giai đoạn hiện nay, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân có một số yếu tố thuận lợi như cá nhân, cộng đồng cũng như toàn xã hội quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe và bảo vệ sức khỏe, đầu tư cho chăm sóc sức khỏe tăng lên cùng với sự phát triển kinh tế xã hội...

Đặc biệt, các tổ chức quốc tế đều có chung nhận định là mạng lưới y tế cơ sở của nước ta, với thế mạnh bao phủ rộng khắp, được tích hợp các can thiệp cá nhân và cộng đồng, có sự gắn kết chặt chẽ với cộng đồng dân cư… đã góp phần quan trọng vào những thành tựu nổi bật nhất của hệ thống y tế nước ta.

Mạng lưới y tế cơ sở được đánh giá góp phần quan trọng giúp các chỉ số sức khỏe cơ bản của Việt Nam cao hơn các quốc gia có cùng mức thu nhập.

Sự sẵn có và khả năng vận hành tương đối hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở được đánh giá đã giúp chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu của Việt Nam cao hơn mức trung bình toàn cầu và cao hơn đáng kể mức bình quân của khu vực Đông Nam Á.

Mạng lưới y tế cơ sở được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, coi là hình mẫu giúp Việt Nam hoàn thành sớm trước thời hạn mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs).

Mạng lưới y tế cơ sở là yếu tố nền tảng đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản cho người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về kinh tế xã hội.

Đồng thời, mạng lưới y tế cơ sở cũng được đánh giá đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam đối phó hiệu quả với chi phí thấp trước sự đe dọa những bệnh dịch cổ điển, tái nổi hay mới nổi.

Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở - Ảnh: VGP/HM
Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở - Ảnh: VGP/HM

Những điểm mới trọng tâm của công tác y tế cơ sở

 

Tháng 10/2023, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Xin bà cho biết những điểm mới trọng tâm, nổi bật đối với công tác y tế cơ sở trong Chỉ thị này?

Bà Phan Lê Thu Hằng: Chỉ thị số 25 được Ban Bí thư ban hành bao hàm nhiều nội dung mới.

Trước tiên, Chỉ thị xác định rõ những ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế cơ sở, theo đó nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở…

Điểm mới này xuất phát từ xu hướng quốc tế cũng như kinh nghiệm thực tế tại nước ta về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe nói chung, đặc biệt là công tác y tế cơ sở.

Thứ hai, phạm vi của y tế cơ sở được mở rộng hơn. Các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản; trạm y tế xã, phường, thị trấn; trung tâm y tế cấp huyện; y tế trường học, y tế cơ quan, nông, lâm trường, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất.

Đặc biệt, y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân được khuyến khích tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khoẻ cá nhân.

Thứ ba, Chỉ thị nhấn mạnh yêu cầu thống nhất mô hình tổ chức, quản lý đối với trung tâm y tế cấp huyện theo hướng chịu sự quản lý toàn diện của UBND cấp huyện. Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất căn cứ quy mô lao động, điều kiện thực tiễn và nhu cầu để thành lập cơ sở y tế phù hợp…

Thứ tư, Chỉ thị yêu cầu tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở và việc đầu tư cho y tế cơ sở phải gắn với đổi mới cơ chế tài chính và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính.

Thứ năm, Chỉ thị nhấn mạnh đổi mới phương thức hoạt động của y tế cơ sở theo hướng chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khoẻ, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật…

Thứ sáu, Chỉ thị cũng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở, đồng thời xác định những nhóm giải pháp cốt lõi để thực hiện nhiệm vụ này.

Những thách thức hiện hữu...

Để đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 25, những vấn đề đặt ra là gì?

Bà Phan Lê Thu Hằng: Theo tôi, đây là một vấn đề rất quan trọng vì để đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư, chúng ta cần thấy trước và cần phân tích, đánh giá đầy đủ những thách thức có thể gặp trong quá trình triển khai thực hiện, nhằm chủ động xây dựng các giải pháp để vượt qua những thách thức này.

Đó là yêu cầu đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu dài hạn và giải pháp ngắn hạn; yêu cầu đảm bảo sự cân bằng giữa nâng cao năng lực nội tại mạng lưới y tế cơ sở và điều chỉnh sự tương tác giữa mạng lưới y tế cơ sở với các thành tố khác của hệ thống y tế.

Chỉ thị cũng đòi hỏi đảm bảo sự cân bằng giữa các bên liên quan. Ví dụ, nếu tăng chi BHYT cho y tế cơ sở từ 30% lên 40% và giữ tổng chi BHYT không đổi thì nguồn thu từ BHYT cho các bệnh viện tuyến trên sẽ giảm 16,7%. Như vậy, tạo sức cản từ hệ thống bệnh viện.

Nếu tăng chi BHYT cho y tế cơ sở từ 30% lên 40% và không khống chế chi BHYT của các bệnh viện thì tổng chi BHYT sẽ tăng 16,7%. Điều này tạo sức cản từ BHYT.

Ngoài ra, chúng ta còn phải tính toán sự tác động nhiều chiều của chính sách hoặc những can thiệp do các thành tố của mạng lưới y tế cơ sở liên kết chặt chẽ và tác động tương hỗ với nhau.

Thêm nữa, mô hình tổ chức hiện nay là quản lý theo ngành dọc, mạng lưới y tế cơ sở có hạt nhân là trung tâm y tế huyện đa chức năng, thực hiện cả chức năng khám chữa bệnh, dự phòng và dân số, với các đơn vị chuyên môn kỹ thuật trực thuộc là các trạm y tế xã.

Mô hình quản lý này được đánh giá phù hợp với tình hình hiện tại, tuy nhiên vẫn tồn tại một số hạn chế. Đó là giảm động lực quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở của chính quyền huyện, xã.

Trung tâm y tế huyện cung ứng cả dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu và khám chữa bệnh cơ bản, tạo ra những bất lợi cho việc đảm bảo cân đối giữa 2 cấp độ chăm sóc này (tập trung nhân lực chất lượng cao cho khám chữa bệnh, thu hút bệnh nhân của trạm y tế xã…)

Trạm y tế xã lệ thuộc nặng nề vào trung tâm y tế huyện, làm giảm tính tự chủ và linh hoạt của trạm y tế xã cũng như liên kết ngang hiệu quả giữa các trạm y tế xã.

Các giải pháp căn cơ

Vậy, trong thời gian tới chúng ta cần ưu tiên những giải pháp nào để y tế cơ sở thực hiện hiệu quả chức năng là người gác cổng của hệ thống y tế?

Bà Phan Lê Thu Hằng: Để mạng lưới y tế cơ sở làm tốt chức năng "người gác cổng của hệ thống y tế", chúng ta cần đảm bảo đồng thời cả 2 yếu tố:

Thứ nhất, nâng cao năng lực toàn diện của mạng lưới y tế cơ sở thông qua việc nâng cấp và đổi mới toàn bộ các cầu phần nội tại của mạng lưới y tế cơ sở (hạ tầng kỹ thuật, cung ứng dịch vụ, nhân lực, tài chính, hệ thống thông tin và quản trị).

Thứ hai, cải thiện sự tương tác giữa mạng lưới y tế cơ sở với cộng đồng dân cư cũng như sự tương tác giữa mạng lưới y tế cơ sở với các cơ sở y tế tuyến trên.

Với yếu tố thứ nhất, chúng ta chỉ tập trung chú trọng vào các yếu tố nội tại của mạng lưới y tế cơ sở và yếu tố thứ 2 đòi hỏi chúng ta chú trọng vào những nỗ lực điều chỉnh toàn bộ hệ thống y tế.

Xin cảm ơn bà!

(Theo baochinhphu.vn)

 

 

 

.
.
.