Thứ Ba, 13/02/2024, 11:04 (GMT+7)
.

Du lịch ĐBSCL: đã đến lúc cần hành động quyết liệt

Năm 2023, ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đạt được những kết quả khả quan trong việc thu hút du khách. Trong năm mới 2024, để ngành công nghiệp không khói có thể bứt phá thì cả vùng cần phải thực hiện những hành động thiết thực, không còn thời gian để chỉ tính toán.

Nhân dịp đầu năm Giáp Thìn, phóng viên KTSG Online đã trao đổi với chuyên gia du lịch Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt về vấn đề trên.

Chuyên gia du lịch Phan Đình Huê. Phan Huê
Chuyên gia du lịch Phan Đình Huê. Phan Huê

Khởi sắc, nhưng…

* Phóng viên (PV): Báo cáo từ các địa phương cho thấy, việc thu hút du khách đến ĐBSCL trong năm 2023 đã có bước phát triển mới. Ông đánh giá thế nào về kết quả ngành du lịch đạt được trong năm vừa qua?

* Ông Phan Đình Huê: Trong năm 2023, nhìn chung về thị trường du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi, có lẽ chưa bằng năm đỉnh điểm năm 2019 nhưng đang tốt lên.

Riêng ĐBSCL, lượng khách tăng tốt và đều ở các địa phương. Với mảng sản phẩm trên đất liền, phần lớn hướng đến khách nội địa, chi tiêu thấp và đi ngắn ngày, tập trung vào sản tham quan sông nước miệt vườn và du lịch nông nghiệp.

Các điểm du lịch miệt vườn, trang trại làm du lịch bắt đầu có nguồn thu để “sống được”. Nếu năm 2021-2022, nhà vườn và các điểm homestay ở Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp… chỉ mở một phần dịch vụ thì gần đây bắt đầu nâng cấp, mở rộng dịch vụ.

Về mặt lễ hội và xúc tiến, ĐBSCL cũng đã tổ chức rất nhiều sự kiện như lễ hội áo dài, áo bà ba, festival tôm cua, lúa gạo… Nhìn chung, trong năm 2023, cả vùng có khởi sắc về du lịch trong đất liền.

Tuy nhiên, với riêng đảo Phú Quốc, năm 2023 lại rất khó khăn. Một trong những lý do là sản phẩm ở đây tập trung cho thị trường cao cấp, nghỉ dưỡng, khách cần thời gian để trải nghiệm nhưng du khách vẫn chưa thực sự muốn đi xa, dài ngày. Thêm vào đó, thị trường quốc tế cũng khó khăn, Phú Quốc quản lý điểm đến chưa tốt khiến lượng khách đến ít, làm cho khách sạn trống phòng, nhiều hãng hàng không cắt đường bay đến đảo.

* PV: Du lịch ĐBSCL khởi sắc nhưng rõ ràng khách đến vùng vẫn chủ yếu là khách bình dân?

* Ông Phan Đình Huê: Tôi thấy vẫn là khách chi tiêu thấp, khách nội địa chiếm đa số. Tôi không đủ con số thống kê của tất cả các địa phương nhưng từ năm 2019 trở về trước, lượng khách quốc tế đến ĐBSCL không bao giờ vượt quá 10%, thậm chí có nhiều tỉnh chỉ 2-3% và năm 2023 cũng chỉ ở mức đó.

Theo quan sát của tôi, các cơ sở dịch vụ chuyên khách quốc tế, khách cao cấp hiện cũng chuyển qua phục vụ khách nội địa. Đây là giải pháp để doanh nghiệp đủ trang trải nhằm chuẩn bị cho tương lai là đón khách có chi tiêu cao, khách từ các thị trường xa.

Theo báo cáo của Hiệp hội du lịch ĐBSCL, trong năm 2023, 13 địa phương vùng này đã đón khoảng 42,5 triệu lượt khách, tăng 13,5% so với năm 2022. Trong đó, lượng khách quốc tế gần 2 triệu lượt, tăng 263% so với cùng kỳ.

Trong năm qua, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 35.000 tỉ đồng, tăng 10% so với năm trước đó. Ngành du lịch ĐBSCL kỳ vọng, doanh thu và lượng khách sẽ tăng khoảng 10% năm 2024.


Phải có liên kết, phân vai

* PV: Theo ông, ngành du lịch ĐBSCL cần làm gì để tăng lượng khách chi tiêu cao trong năm 2024?

* Ông Phan Đình Huê: Lâu nay, có nhiều ý kiến đánh giá, sản phẩm du lịch ở ĐBSCL trùng lặp nên cần định hướng lại, tài nguyên của vùng có thể giống nhau nhưng sản phẩm ở một số nơi cần phải khác nhau. Vùng phải nhấn mạnh được điều đó và truyền thông cho du khách biết.

ĐBSCL cũng phải nghĩ đến phát triển dịch vụ có chiều sâu, tức giữ khách ban đêm ở các trung tâm có dịch vụ lưu trú tốt như Cần Thơ, Cà Mau. Đặc biệt, với dịch vụ dành cho khách nước ngoài, khách cao cấp, vùng nên đánh giá thêm để biết dịch vụ nào chưa đạt mong muốn của du khách để hoàn thiện.

Tôi thấy, thành phố Cần Thơ là trung tâm lớn của ĐBSCL nhưng không có những sự kiện có thể tác động đến khách nước ngoài nhiều như festival ở Huế, Đà Nẵng hoặc kiểu khu phố Bùi Viện của TPHCM. Cần Thơ cũng có chợ đêm nhưng là “chợ đêm thập cẩm” nên cần thay đổi.

Cả ĐBSCL có nhiều sản phẩm khác nhau nhưng cần phải “phân vai”, nơi nào giữ khách, nơi nào đón khách cao cấp… thì phải đầu tư và phân công rõ ràng.

Về mặt thị trường, cần phải có nghiên cứu hàng năm. Khi không hiểu khách hàng là ai thì về lâu dài, du lịch cũng vẫn chỉ phát triển theo kiểu tự phát, không bền vững.

Về liên kết phát triển, tôi thấy có rất nhiều “món” nhưng không kết lại được với nhau. Ví dụ, về thương hiệu, vùng có thương hiệu chung “Mekong Delta” nhưng là 13 mảnh, rất khó quảng bá; hay các sự kiện, bao gồm lễ hội truyền thống hiện vẫn tổ chức theo mong muốn chủ quan của chính quyền địa phương, không có định hướng liên kết tổ chức thành chuỗi hoặc gắn với hoạt động du lịch bên lề để đón khách.

Tóm lại, năm qua, vùng ĐBSCL đã tạo được nhiều “đốm sáng” nhưng chỉ là các đốm sáng le lói, không kết nối để tạo thành mảng sáng lớn tác động đến thị trường. Đó là điều phải suy nghĩ.

Khách du lịch nước ngoài xem một tiết mục biểu diễn nghệ thuật trên du thuyền. Ảnh: Phan Huê
Khách du lịch nước ngoài xem một tiết mục biểu diễn nghệ thuật trên du thuyền. Ảnh: Phan Huê

Không chỉ gặp “cụng ly” rồi thôi!

* PV: Rõ ràng, những gợi mở ở trên đã được bàn bạc nhiều nhưng vẫn chưa thành công, có phải do thiếu những hành động thiết thực?

* Ông Phan Đình Huê: Nếu chỉ đánh giá về nguồn lực và tài nguyên thì ĐBSCL rất dễ làm du lịch. Tuy vùng không có những di sản vật thể nhưng có tài nguyên gắn với sông rất lớn, có thể làm du lịch bốn mùa. Về mặt thị trường, vùng rất dễ tiếp cận khoảng 40 triệu dân đang ở ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ – nơi người dân thích chi tiêu và gần cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất, nơi đón hơn 50% khách quốc tế của cả nước và còn có thể kết nối với Campuchia.

Có điều kiện tốt nhưng du lịch vùng phát triển không tương xứng vì đang phát triển giống như bức tranh sơn mài từ 13 mảnh ghép lại, không tạo được bức tranh tổng thể. Ngành du lịch vùng thiếu việc xây dựng, định vị thương hiệu là gắn với cái gì để tiếp thị, tiếp cận với thị trường nước ngoài; nền tảng công nghệ số thì có nhưng lại thiếu dữ liệu để sử dụng. Trong khi đó, về mặt quản lý, mỗi tỉnh đang làm một cách, thiếu sự phối hợp gắn kết để tạo sức mạnh.

 * PV: Rõ ràng, rào cản lớn nhất là yếu tố con người, tức cấp quản lý có muốn hành động, hợp tác hay không?

* Ông Phan Đình Huê: Đúng! Vùng đang trục trặc về vấn đề nhân lực ở tầm quản lý nhà nước, không có người thiết kế chiến lược cũng không có cơ quan có thể kết nối, liên kết thị trường, sản phẩm giữa địa phương với địa phương và doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Tôi mong 13 địa phương cùng với TPHCM bàn liên kết ở dạng mềm, có thể lập dự án để phát triển du lịch ĐBSCL và kết nối với TPHCM. Với dự án này, 13 địa phương cùng đóng góp kinh phí, có ban điều hành là những người chuyên nghiệp và phân ra những việc cần làm trong từng giai đoạn, có thể liên kết với các tổ chức quốc tế… Dự án cũng đào tạo những người có khả năng phát triển sản phẩm du lịch cao cấp để đón khách chi tiêu cao nhằm tạo sự thay đổi cho du lịch vùng.

(Theo thesaigonmtimes.vn)

.
.
.