Thứ Sáu, 08/03/2024, 10:47 (GMT+7)
.
PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN CHỢ GẠO CAO TẤN HƯỞNG:

Cuộc sống của phần lớn người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án cơ bản ổn định

Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp tuyến kinh Chợ Gạo giai đoạn 2 (gọi tắt là Dự án) ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình, đến nay cuộc sống của phần lớn người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án cơ bản ổn định. Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) Cao Tấn Hưởng cho biết:

Đến ngày 31-8-2023, Hội đồng bồi thường của huyện Chợ Gạo đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công 9,85 km/9,85 km, đạt 100%. Đến nay, tổng vốn Bộ Giao thông Vận tải đã giao để thực hiện Dự án là 677,555 tỷ đồng.

UBND huyện Chợ Gạo đã phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được 34 đợt, tổng số 1.763 hồ sơ với số tiền 658,662 tỷ đồng, đạt 97,21% so vốn giao, trong đó: Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: 645,88 tỷ đồng, kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 12,782 tỷ đồng.

Tổng kinh phí Ban Quản lý các dự án đường thủy phân bổ cho huyện để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là 677,555 tỷ đồng, đã thực hiện như sau: Tổng số hồ sơ đã nhận tiền là 1.760 hồ sơ/1.763 hồ sơ, với tổng số tiền là 653,65 tỷ đồng, đạt 96,47% so với nguồn vốn đã được phân bổ.

* Phóng viên (PV): Tiến độ thực hiện các khu tái định cư đến thời điểm này như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Cao Tấn Hưởng: Huyện thực hiện xây dựng 3 khu tái định cư để bố trí cho 58 hộ đăng ký nhận nền tái định cư, gồm: Thị trấn Chợ Gạo: 7 hộ, xã Bình Phục Nhứt: 46 hộ, xã Bình Phan: 5 hộ (7 nền), tiến độ thực hiện như sau: Đã xây dựng xong Khu tái định cư xã Bình Phan và bàn giao nền tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong Dự án 9/9 nền. Đã xây dựng xong Khu tái định cư thị trấn Chợ Gạo, đã bàn giao nền tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong Dự án 5/11 nền.    

Riêng Khu tái định cư xã Bình Phục Nhứt: UBND tỉnh đã phê duyệt giá đất đền bù, UBND huyện đã phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đã phê duyệt kinh phí bồi thường 25 hộ dân, với số tiền 21,81 tỷ đồng, đã chi trả cho 22 hộ dân với số tiền 16,798 tỷ đồng, còn lại 3 hộ dân chưa nhận tiền với số tiền 5,012 tỷ đồng.

Về hạ tầng, đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định Kế hoạch lựa chọn nhà thầu (gói thầu tư vấn khảo sát hiện trạng, lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; thẩm tra thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở) theo Tờ trình 583 ngày 28-2-2024 của UBND huyện Chợ Gạo; đồng thời, huyện đang triển khai thiết kế bản vẽ thi công và dự toán theo cuộc họp ngày 8-1-2024.

Dự án sau khi  hoàn thành. Ảnh: MINH THÀNH
Dự án sau khi hoàn thành. Ảnh: MINH THÀNH

* PV: Trong quá trình thực hiện Dự án, địa phương gặp khó khăn gì không?

* Đồng chí Cao Tấn Hưởng: Do Dự án tạm dừng trên 10 năm nên diện tích đất và nhà dân dọc theo tuyến kinh Chợ Gạo có sự thay đổi rất lớn, sạt lở do xoáy mòn của thiên nhiên gây ra, làm thay đổi toàn bộ hiện trạng ban đầu (vào năm 2011) gây rất nhiều khó khăn cho địa phương trong công tác giải tỏa, đền bù.

Trước khi Dự án khởi động lại (năm 2019), khi làm dự toán tổng kinh phí giải phóng mặt bằng với chủ đầu tư (Ban Quản lý các dự án đường thủy - Bộ Giao thông Vận tải), địa phương có quy hoạch 5 khu tái định cư theo tuyến, nhưng trong Quyết định 1782 ngày 14-9-2020 của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt điều chỉnh Dự án không có bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các khu tái định cư, mà chỉ bố trí kinh phí hỗ trợ giá trị đầu tư suất hạ tầng bằng tiền (100 triệu đồng/hộ đủ điều kiện).

Khi triển khai thực hiện Dự án, để đảm bảo đúng quy định về công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư và đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân, huyện phải tiến hành quy hoạch 5 khu tái định cư dọc theo tuyến (sau cọc ranh giải phóng mặt bằng của Dự án) gồm: Xã Bình Phục Nhứt 2 khu (ấp Bình Khương 1 và ấp Bình Khương 2), xã Bình Phan 2 khu (ấp Bình Thọ Thượng và ấp Tân Thạnh), thị trấn Chợ Gạo 1 khu (khu 1).

Tuy nhiên, khi tiến hành tổ chức họp dân lấy ý kiến quy hoạch đầu tư xây dựng các khu tái định cư nêu trên thì các hộ dân không đồng tình hưởng ứng với lý do phần diện tích đất còn lại sau khi giải phóng mặt bằng sẽ xây dựng nhà tạo lập chỗ ở mới.

Do đó, huyện phải thay đổi quy hoạch thành 3 khu tái định cư gồm: Khu tái định cư thị trấn (tại khu 2 thị trấn Chợ Gạo trên diện tích đất công, đã thực hiện xong), khu tái định cư Bình Phan (tại ấp Tân Thạnh trên diện tích đất công, đã thực hiện xong) và quy hoạch khu tái định cư mới tại ấp Bình Khương 1, xã Bình Phục Nhứt (thu hồi đất hộ dân, diện tích 2,1 ha).

Việc quy hoạch các khu tái định cư này sau khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng gây rất nhiều khó khăn cho địa phương trong khâu lập quy hoạch và xây dựng các khu tái định cư, mất rất nhiều thời gian, kéo dài đến thời điểm này chưa xong.

Dự án Nâng cấp kinh Chợ Gạo giai đoạn 2 hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tháo gỡ “nút thắt” vận tải đường thủy nội địa cho khu vực ĐBSCL.                                                                Ảnh: TRỌNG THỨC
Dự án Nâng cấp kinh Chợ Gạo giai đoạn 2 hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tháo gỡ “nút thắt” vận tải đường thủy nội địa cho khu vực ĐBSCL. Ảnh: TRỌNG THỨC

Cụ thể, Khu tái định cư, chợ, Nhà văn hóa xã Bình Phục Nhứt (đang tập trung giải phóng mặt bằng trong tháng 2-2024), không có đất để giao nền tái định cư cho các hộ dân đủ điều kiện tái định cư trên địa bàn xã Bình Phục Nhứt; các hộ này nhận tiền thuê nhà 6 tháng theo quy định để thuê nhà, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công.

Đến nay do khu tái định cư chưa hoàn thành, các hộ này yêu cầu được nhận tiền thuê nhà tiếp và đã tiếp tục chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ dân này để ở chờ khu tái định cư hoàn chỉnh bố trí giao nền.

Việc không có phê duyệt quy hoạch các khu tái định cư để phục vụ cho các hộ dân đủ điều kiện bố trí tái định cư (mà bố trí kinh phí tái định cư bằng tiền), việc quy hoạch các khu tái định cư sau khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng gây rất nhiều khó khăn cho địa phương trong việc bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công (các hộ dân yêu cầu được nhận nền tái định cư vì không còn đất nơi khác để xây nhà tạo lập chỗ ở mới). Vì vậy, địa phương gặp nhiều khó khăn, áp lực trong thực hiện.

Dự án được xem là công trình trọng điểm không chỉ của Tiền Giang, mà còn của cả khu vực, có vai trò hết sức quan trọng, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, huyện luôn tập trung cao trong tổ chức thực hiện, tìm nhiều giải pháp để hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng để người dân an tâm lao động sản xuất, sinh sống. Có thể nói đến nay, đa số các hộ dân bị ảnh hưởng, cuộc sống cơ bản ổn định.

Song, vẫn còn một số hộ dân chưa được nhận nền tái định cư theo kế hoạch (do nguồn kinh phí Trung ương), đây là việc lãnh đạo tỉnh, huyện luôn quan tâm, trăn trở. Huyện ủy, UBND huyện rất chia sẻ với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án và mong rằng nhân dân tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng chính quyền địa phương trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Huyện ủy, UBND huyện luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân bị ảnh hưởng liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân, từ đó sẽ có các chính sách nhằm giúp cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án sớm ổn định cuộc sống, không để người dân mất đất không có sinh kế và chỗ ở ổn định.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

HUY LÊ (thực hiện)

 

.
.
.