Thứ Bảy, 13/04/2024, 10:08 (GMT+7)
.

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội đóng góp thiết thực cho tổng thể quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

Chiều 12/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Sân bay quốc tế Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.

a
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Uỷ viên trưởng Uỷ ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Nhân dịp này, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã trả lời phóng viên báo chí đi theo đoàn về kết quả chuyến thăm. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Xin Thứ trưởng đánh giá về ý nghĩa của chuyến thăm đối với tổng thể quan hệ hai nước?

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua đạt được nhiều tiến triển tích cực, nhất là sau chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (tháng 11/2022) và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam (tháng 12/2023).

Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau khi hai nước tuyên bố nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược Việt Nam – Trung Quốc vào tháng 12/2023.

Chuyến thăm một lần nữa thể hiện thông điệp rõ ràng về đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước ta coi trọng quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc, mong muốn cùng Trung Quốc cụ thể hóa, triển khai các nhận thức chung, các cam kết và thỏa thuận của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, vì lợi ích của nhân dân hai nước và vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Là lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, chuyến thăm của đồng chí Chủ tịch Quốc hội không chỉ góp phần vào mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp mà còn cho tổng thể chung của quan hệ hai Đảng, hai nước trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, an ninh-quốc phòng, hợp tác thực chất, nhất là kinh tế - thương mại, đầu tư, kết nối giao thông, phối hợp đa phương, giao lưu nhân dân, kiểm soát và giải quyết bất đồng trên biển theo đúng định hướng “6 hơn” mà lãnh đạo cao nhất hai bên đã thống nhất.

Xin Thứ trưởng tổng kết những kết quả quan trọng của chuyến thăm này?

Chuyến thăm có một số kết quả nổi bật:

Một là, tăng cường tin cậy chính trị và làm sống động quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp. Các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Chủ tịch Quốc hội và các lãnh đạo Trung Quốc góp phần duy trì trao đổi chiến lược, củng cố tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước. Đặc biệt, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại Toàn quốc Trung Quốc đã được nâng lên một tầm cao mới. Trong tổng thể quan hệ hai Đảng, hai nước, hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp luôn đóng vai trò quan trọng.

Từ năm 1956, Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng là khách quốc tế đầu tiên của Uỷ viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ. Tiếp nối truyền thống đó, kết quả nổi bật trong chuyến thăm này là việc hai bên ký kết Thỏa thuận hợp tác mới, trong đó thiết lập cơ chế hợp tác liên nghị viện do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc đồng chủ trì, thể hiện mức độ hợp tác tin cậy cao nhất giữa nghị viện các nước.

Hai là, chuyến thăm lần này với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên trong đoàn, lãnh đạo một số địa phương và cộng đồng doanh nghiệp hai nước ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Vân Nam đã góp phần tạo thêm cơ hội hợp tác, tăng cường hiểu biết, học hỏi và chia sẻ lẫn nhau, mang lại cơ hội hợp tác thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và địa phương.

Ví dụ, hai bên chia sẻ nhiều nội dung như xây dựng các dự án hợp tác hạ tầng quy mô lớn. Việc ban hành các văn bản luật về chính sách tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản liên quan đến lợi ích của đông đảo người dân. Quốc hội Việt Nam và Nhân đại Trung Quốc nhất trí cùng chính phủ hai nước xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với khuôn khổ pháp luật hoàn thiện, thông thoáng, góp phần đẩy mạnh hợp tác đầu tư chất lượng cao giữa hai bên.     

Ba là, chia sẻ được nhiều kinh nghiệm phù hợp trong công tác của Quốc hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi giữa các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội, trao đổi kinh nghiệm về công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề lớn, xây dựng và phát huy nền dân chủ nhân dân… Đơn cử như mô hình Điểm liên hệ lập pháp của Nhân đại Trung Quốc để lấy ý kiến của người dân đối với các dự thảo luật là gợi ý có giá trị tham khảo cho Quốc hội Việt Nam.

Phía Trung Quốc cũng đánh giá cao những đổi mới trong phương thức hoạt động của Quốc hội Việt Nam, như chất vấn trực tiếp tại các kỳ họp. Đoàn đại biểu và các bộ, ngành liên quan cũng đã khảo sát thực tế, trao đổi kinh nghiệm về cải cách, quản lý doanh nghiệp nhà nước, phát triển hệ thống đường sắt cao tốc, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, phát triển năng lượng xanh, nông nghiệp thông minh, xây dựng thành phố của nhân dân… Với sự tương đồng thể chế và con đường phát triển, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm là rất hữu ích cho cả hai bên, nhất là đối với Việt Nam.

Với nhiều thành quả phong phú, thực chất, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Trung Quốc tiếp tục là bước tiến mới trong quan hệ hai nước, thể hiện sự đóng góp quan trọng, thiết thực của cơ quan lập pháp đối với sự phát triển tổng thể của quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.

Theo TTXVN

 

.
.
.