Thứ Hai, 22/07/2024, 10:15 (GMT+7)
.

Hướng đến đổi mới dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018

Trao đổi với phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc, Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang cho biết, điểm bình quân Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 thí sinh của tỉnh là 6,902 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành toàn quốc, xếp thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau tỉnh An Giang và xếp thứ 3 ở khu vực Nam bộ.

* PV: Tiến sĩ có những đánh giá như thế nào về kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh Tiền Giang?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Nhiều năm qua, kết quả thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Tiền Giang luôn đứng trong thứ hạng cao của khu vực và cả nước. Điểm thi năm nay đã phản ánh đúng chất lượng dạy và học ở các trường THPT của tỉnh Tiền Giang.

Toàn tỉnh ghi nhận có 115 thí sinh đạt điểm 10 ở các bài thi, môn thi thành phần, không có thí sinh bị điểm liệt ở các bài thi. Điểm trung bình ở các môn thi cao hơn điểm trung bình của toàn quốc. Ở nhiều bài thi, tỷ lệ điểm trên trung bình cao hơn năm 2023.

Toàn tỉnh có 15.826/15.783 thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT, không bao gồm thí sinh tự do (tỷ lệ 99,73%); trong đó hệ giáo dục phổ thông tỷ lệ 99,94%; hệ giáo dục thường xuyên 94,5%; có 32 trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%.

* PV: Không riêng năm 2024 mà trong nhiều năm gần đây, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Tiền Giang luôn nằm trong những thứ hạng cao của khu vực và cả nước, vậy giải pháp nào để đạt được những kết quả này, thưa Tiến sĩ?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong những năm học qua, bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học, ngành Giáo dục đã quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác ôn thi tốt nghiệp THPT. Qua từng năm học, ngay sau khi kết thúc chương trình, thi học kỳ 2, các trường đã lên thời gian biểu ôn luyện cho học sinh khối 12.

Trong quá trình ôn tập, các trường đã tiến hành phân loại học sinh yếu, kém để giúp đỡ các em tiếp thu kiến thức căn bản nhất, để các em có đủ kỹ năng dự thi. Bên cạnh đó, các trường đã phối hợp với cha mẹ học sinh trong suốt quá trình ôn thi, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các em để tháo gỡ khó khăn.

Có được những kết quả như vậy đó là nhờ sự nỗ lực cố gắng, tinh thần cộng đồng trách nhiệm của cán bộ, giáo viên các trường THPT và sự đồng thuận cao từ phía phụ huynh luôn quan tâm, chăm lo cho việc học của con em mình.

* PV: Tiến sĩ cho biết là từ những kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, ngành Giáo dục sẽ có những định hướng gì để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Từ kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, toàn ngành Giáo dục sẽ rút kinh nghiệm, tìm giải pháp nâng chất lượng dạy và học trong thời gian tới, đặc biệt là chuẩn bị thật tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với Chương trình GDPT năm 2018.

Riêng đối với bậc THPT, đặc biệt là trong công tác giảng dạy cho học sinh khối 12, bên cạnh các giải pháp căn cơ, các trường cần chú trọng làm tốt, nâng cao chất lượng đối với công tác các tổ chuyên môn. Các trường cần phân công hợp lý đội ngũ giáo viên giảng dạy lớp 12, đổi mới phương pháp giảng dạy.

Trong giảng dạy, giáo viên các bộ môn cần rà soát, quan tâm đến các em học sinh có học lực yếu, kém để có biện pháp can thiệp, giúp các em có thể lấy lại kiến thức kịp thời, tránh trường hợp để các em hổng kiến thức trong thời gian dài.

Đối với việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018, đặc biệt đối với bậc THPT, trong quá trình tổ chức dạy học cần hết sức coi trọng việc đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của học sinh. Các cơ sở giáo dục phải đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá sao cho đáp ứng được yêu cầu mới.

Các trường THPT cũng chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy theo hướng gọn hơn, tập trung vào những mạch kiến thức quan trọng, để học sinh dễ tiếp thu bài học hơn. Với dạng thức đề thi mới, sẽ hạn chế tình trạng học sinh “học tủ”. Do đó, cùng với việc đổi mới trong giảng dạy, các trường cũng thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ phù hợp với định hướng của đề thi minh hoạ.

Thông qua từng đợt kiểm tra, thao giảng, dự giờ, các trường THPT cần rà soát, đánh giá, phân tích nguyên nhân, những mặt làm được và chưa làm được, kịp thời tìm ra giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, thông qua từng lớp cụ thể, các tổ chức đoàn thể, các trường cần làm tốt công tác phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường để kịp thời thông tin cho phụ huynh tình hình học tập, các chủ trương, kế hoạch của nhà trường…

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

ĐỖ PHI

(thực hiện)

 

.
.
.