Thắp sáng đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2024), tỉnh Tiền Giang tổ chức nhiều hoạt động tri ân. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Nguyễn Thị Kiều Loan cho biết, hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho đối tượng chính sách là công tác thường xuyên, liên tục. Trong dịp 27-7 năm nay đã có nhiều hoạt động tri ân các Anh hùng Liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách và người có công với cách mạng.
Đồng chí Nguyễn Thị Kiều Loan (thứ 4 từ trái qua) cùng Đoàn người có công của tỉnh Tiền Giang tham dự Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ tại thủ đô Hà Nội. |
* Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết mục đích và ý nghĩa của việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ?
* Đồng chí Nguyễn Thị Kiều Loan: Mục đích của việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ là nhằm ghi nhớ và tôn vinh công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
Giáo dục và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; từ đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành và toàn xã hội đối với công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.
Dịp 27-7 năm nay, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tri ân. Cụ thể, tổ chức 18 Đoàn cán bộ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm và tặng quà cho 100 gia đình chính sách, người có công tiêu biểu; tổ chức Lễ giỗ liệt sĩ tại các địa phương; viếng nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh và thắp nến tri ân; đưa 5 người có công đi dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024; đưa người có công, cựu thanh niên xung phong tiêu biểu đi viếng Lăng Bác Hồ, tham quan thủ đô Hà Nội và một số di tích lịch sử tại các tỉnh phía Bắc; vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và vận động phụng dưỡng thương binh, bệnh binh nặng…
Đẩy mạnh việc vận động mỗi cá nhân, tập thể làm một việc tốt nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ và người có công với cách mạng. Tổ chức hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ ở các cấp, các ngành, các đoàn thể, Lực lượng vũ trang và nhân dân trong toàn tỉnh một cách thiết thực, sâu rộng. Chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng; phát động năm cao điểm phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
* PV: Đối với việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, tỉnh có yêu cầu gì đối với các địa phương, đơn vị?
* Đồng chí Nguyễn Thị Kiều Loan: Trong Kế hoạch 227 của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt ngày 14-6-2024, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sĩ bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức, phù hợp với tình hình thực tế.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công và thân nhân của người có công với cách mạng theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm chính sách ưu đãi người có công.
Huy động nguồn lực, đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đối với việc tổ chức Lễ giỗ liệt sĩ, tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, tổ chức Lễ giỗ liệt sĩ tại các xã, phường, thị trấn. Kinh phí tổ chức sử dụng từ nguồn vận động xã hội hóa.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
MAI HÀ
(thực hiện)