.

Bảo đảm quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế

Cập nhật: 10:58, 03/11/2024 (GMT+7)

Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người bệnh, người dân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi tham gia khám, chữa bệnh, tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ y tế... đang là vấn đề đặt ra hiện nay. Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) đã có cuộc trao đổi với các cơ quan báo chí xung quanh vấn đề trên.

Bà Trần Thị Trang. Ảnh: THU HƯƠNG
Bà Trần Thị Trang. Ảnh: THU HƯƠNG


* Phóng viên (PV): Thưa bà, thực tế nhiều loại thuốc mới điều trị ung thư, tim mạch... và các thuốc khác đang chờ được cập nhật vào danh mục thanh toán BHYT? Quá trình này đã được triển khai như thế nào?

* Bà Trần Thị Trang: Hiện Bộ Y tế đang xây dựng thông tư theo hướng cập nhật những thuốc mới có hiệu quả điều trị, góp phần chẩn đoán, chữa bệnh ở tất cả tuyến từ Trung ương đến y tế cơ sở; đồng thời cũng sẽ rà soát lại toàn bộ danh mục thuốc hiện hành. Theo đó, sẽ đưa ra khỏi danh mục những thuốc có cảnh báo liên quan đến điều trị, hiệu quả điều trị không cao, thuốc có chi phí không còn phù hợp. Như vậy, người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi về sử dụng thuốc hiệu quả và hợp lý hơn. Ban soạn thảo cũng sẽ đưa ra nguyên tắc, tiêu chí để điều chỉnh thuốc đưa vào danh mục bảo đảm tính kịp thời, cập nhật nhanh nhất.

Các nguyên tắc, tiêu chí này cần bảo đảm tính khách quan, khoa học, đề cao hiệu quả điều trị, bảo đảm yêu cầu cân đối quỹ BHYT để y tế cơ sở tuyến dưới được tiếp cận với các thuốc điều trị tốt nhất, có hiệu quả nhất, phù hợp với năng lực chuyên môn của cơ sở đã được cấp phép hoạt động. Một điểm mới rất quan trọng cũng được Ban soạn thảo đưa vào đó là nguyên tắc thanh toán linh hoạt và theo đúng nguyên lý về chuyên môn đã được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Tức là, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào có đủ năng lực điều trị (được cấp giấy phép hoạt động, được phê duyệt phạm vi chuyên môn, được phê duyệt danh mục kỹ thuật, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phù hợp) đều được điều trị bệnh đó và thanh toán thuốc theo các mặt bệnh. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi bảo đảm thủ tục cập nhật danh mục thuốc được thường xuyên, ít nhất mỗi năm một lần. Làm sao để thuận tiện cho tuyến dưới, mở rộng danh mục thuốc cho trạm y tế xã để người dân có thể yên tâm điều trị mà không phải lên tuyến trên.

Điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: MINH QUYẾT
Điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: MINH QUYẾT


Đề xuất thanh toán BHYT đối với thuốc khám, chữa bệnh từ xa

* PV: Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã quy định nhiều nội dung liên quan đến khám, chữa bệnh từ xa và hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa. Nhưng danh mục thuốc BHYT chưa có quy định về thanh toán BHYT đối với thuốc được sử dụng trong khám, chữa bệnh từ xa. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

* Bà Trần Thị Trang: Trong Điều 21 của dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đã quy định khám, chữa bệnh từ xa và hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa thuộc phạm vi thanh toán của BHYT. Bộ Y tế cũng đã có thông tư quy định một số nhóm dịch vụ kỹ thuật được triển khai qua hình thức khám, chữa bệnh từ xa. Như vậy, khi dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua, Bộ Y tế sẽ rà soát và đưa vào danh mục các kỹ thuật, thuốc, thiết bị, vật tư y tế được BHYT thanh toán trong khám, chữa bệnh từ xa và hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa.

Tuy nhiên, không phải tất cả dịch vụ kỹ thuật, thuốc trong khám, chữa bệnh từ xa và hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa đều trong phạm vi thanh toán của BHYT. Do đó, một số địa phương đã chủ động ban hành danh mục các dịch vụ kỹ thuật trong khám, chữa bệnh từ xa và hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, cấp cứu ngoại viện từ nguồn ngân sách của địa phương để chi trả cho những dịch vụ này. Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm ban hành thông tư quy định các phạm vi, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với khám, chữa bệnh từ xa để bảo đảm bao phủ phần ngân sách nhà nước từ phía địa phương cho những dịch vụ mà BHYT chưa thể chi trả được.

* PV: Tại Thông tư số 22/2024/TT-BYT có quy định thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh. Cần hiểu về thông tư này như thế nào, thưa bà?

* Bà Trần Thị Trang: Thông tư số 22/2024/TT-BYT quy định thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh chỉ để giải quyết tình huống, trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế và chỉ áp dụng cho từng trường hợp bệnh nhân, chứ không phải là thường quy của cơ sở y tế. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp mua thuốc, thiết bị y tế bên ngoài khi bệnh viện không cung cấp đủ đều được BHYT thanh toán trực tiếp, mà chỉ có các trường hợp: Thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm và thiết bị y tế loại C hoặc D (trừ thiết bị y tế chẩn đoán in vitro, thiết bị y tế đặc thù cá nhân, thiết bị y tế thuộc danh mục thiết bị y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành được mua, bán như các hàng hóa thông thường). Hồ sơ, thủ tục thanh toán trực tiếp gồm các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) gồm: Thẻ BHYT, giấy chứng minh nhân thân, giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh, hóa đơn và các chứng từ có liên quan.

Khi thanh toán trực tiếp, người bệnh hoặc thân nhân (hoặc người đại diện hợp pháp) trực tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú. Cơ quan BHXH cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán của người bệnh và lập giấy biên nhận hồ sơ. Mặt khác, bác sĩ không được lạm dụng, trục lợi trong việc kê đơn, chỉ định người bệnh tự mua thuốc, thiết bị y tế. Người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh chịu trách nhiệm về tính pháp lý, đầy đủ đối với hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp.

Thông tư 22 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Đối với những trường hợp người bệnh vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để khám và điều trị trước ngày thông tư này có hiệu lực nhưng kết thúc điều trị sau ngày thông tư này có hiệu lực, thì sẽ thực hiện theo quy định của thông tư này.

* PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(Theo qdnd.vn)

.
.
.