Kháng thuốc đã ở mức báo động
Tại Việt Nam, tình trạng kháng thuốc trở thành một vấn đề y tế công cộng rất đáng quan tâm. Theo ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tỷ lệ kháng kháng sinh cao đã được ghi nhận ở các vi khuẩn thông thường, đặc biệt trong bệnh viện. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong y tế và nông nghiệp là nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc.
Kháng thuốc - mối đe dọa nghiêm trọng với sức khỏe
Phóng viên (PV): Thưa ông, tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam hiện nay như thế nào?
Ông Hà Anh Đức: Kháng thuốc đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc, khiến các bệnh nhiễm trùng thông thường trở nên khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong. Nhiều yếu tố đẩy nhanh mối đe dọa kháng thuốc trên toàn thế giới, bao gồm việc sử dụng quá mức và sử dụng sai mục đích ở người, vật nuôi và nông nghiệp, cũng như khả năng tiếp cận kém với nước sạch và vệ sinh.
Kháng thuốc có tác động đáng kể đến sức khỏe con người, động vật và an ninh lương thực, đồng thời có liên quan đến các vấn đề môi trường như ô nhiễm. Các mầm bệnh kháng thuốc là mối đe dọa đối với mọi người ở mọi nơi. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào. Tại Việt Nam, tình trạng kháng thuốc trở thành một vấn đề y tế công cộng rất đáng quan tâm. Tỷ lệ kháng thuốc cao đã được ghi nhận ở các vi khuẩn thông thường, đặc biệt trong bệnh viện.
Ông Hà Anh Đức. Ảnh: DIỆP CHÂU |
PV: Bộ Y tế đã có giải pháp gì để giảm tình trạng kháng thuốc, thưa ông?
Ông Hà Anh Đức: Việt Nam đã rất nỗ lực để hạn chế kháng thuốc. Năm 2023, Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế giai đoạn 2024-2025. Kế hoạch này tập trung vào 5 trọng tâm cụ thể. Kháng thuốc không phải là câu chuyện đơn thuần của ngành y tế, mà cần có sự phối hợp liên ngành giữa y tế, nông nghiệp và các ngành liên quan để thực hiện mục tiêu chung là phòng, chống kháng thuốc.
Chúng ta phải tập trung vào việc giám sát để nắm được thực trạng kháng thuốc đang diễn ra như thế nào, lan tràn ra sao trên phạm vi cả nước. Đây là trách nhiệm chính của các bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Chúng tôi cũng hợp tác với các tổ chức quốc tế, sự tham gia của mạng lưới giám sát kháng thuốc trên toàn quốc để giúp Bộ Y tế nắm bắt trực tiếp thực trạng tình hình kháng thuốc, sớm có biện pháp ngăn chặn sự lây lan; tập trung sử dụng thuốc kháng vi sinh vật một cách an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, ngành y tế và chính quyền địa phương cần sự nỗ lực rất lớn, đồng bộ và toàn diện trong triển khai kế hoạch. Ngoài ra, sự phối hợp đa ngành giữa y tế, nông nghiệp, môi trường và các cơ quan liên quan là yếu tố then chốt bảo đảm kế hoạch, chiến lược quốc gia được thực hiện thành công. Khi tất cả các ban, ngành và cộng đồng cùng chung tay hành động, chúng ta mới có thể kiểm soát kháng thuốc hiệu quả, góp phần vào bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện K. Ảnh: HÀ TRẦN |
Nâng cao nhận thức của người dân đối với việc sử dụng thuốc
PV: Bộ Y tế đã có biện pháp giám sát tình trạng sử dụng kháng sinh tại các cơ sở y tế. Vậy, hiện nay đã có bao nhiêu bệnh viện tham gia hoạt động giám sát sử dụng kháng sinh tại cơ sở, thưa ông?
Ông Hà Anh Đức: Tính tới thời điểm này đã có 50% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tham gia hoạt động giám sát sử dụng kháng sinh. Chúng tôi cũng yêu cầu tại mỗi tỉnh, thành phố phải có ít nhất một bệnh viện tham gia, nâng cao năng lực cho 3 phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia về kháng thuốc và triển khai giám sát kháng thuốc của các vi sinh vật trong cộng đồng vào năm 2025.
Cùng với đó, ít nhất 90% cán bộ tham gia trong hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc được tập huấn chuyên môn về kỹ thuật nuôi cấy, định danh, kháng sinh đồ và sử dụng, quản lý dữ liệu giám sát kháng thuốc. Song song với việc thực hiện những quy định trong kế hoạch, đối với nhân viên y tế, Bộ Y tế hướng đến việc tăng cường hiểu biết về quản lý kháng sinh, thực hành kê đơn và các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn thông qua các chương trình phát triển chuyên môn liên tục.
Đối với người dân, Bộ Y tế sẽ xây dựng các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về nguy cơ của việc tự ý dùng thuốc. Mọi người chỉ nên dùng kháng sinh và các loại thuốc kháng vi sinh vật theo đơn của nhân viên y tế được phép kê đơn; tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh; không chia sẻ hoặc sử dụng thuốc kháng sinh còn thừa; phòng ngừa nhiễm trùng bằng cách thường xuyên rửa tay, chế biến thực phẩm hợp vệ sinh...
Với các nhà hoạch định chính sách và ngành công nghiệp, nông nghiệp, môi trường, Bộ Y tế tập trung vào các nền tảng chia sẻ kiến thức để bảo đảm mọi lĩnh vực đều hiểu được tác động kinh tế và xã hội của kháng thuốc. Đây là nền tảng để tạo ra những thay đổi hành vi bền vững và phát triển các thực hành có trách nhiệm trong việc sử dụng kháng sinh. Bộ Y tế đang thực thi các quy định nhằm hạn chế việc lạm dụng và sử dụng sai mục đích kháng sinh trong cả lĩnh vực y tế và nông nghiệp. Các hệ thống giám sát đang được tăng cường để theo dõi việc sử dụng kháng sinh và các mô hình kháng thuốc. Bộ Y tế cũng ưu tiên cho các sáng kiến nghiên cứu nhằm phát triển các liệu pháp điều trị mới, vaccine, công cụ chẩn đoán.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo www.qdnd.vn)