Thứ Ba, 03/12/2024, 22:56 (GMT+7)
.

"Đảng cần tập hợp các chuyên gia tài giỏi làm chiến lược"

“Đảng quyết định chủ trương, đường lối phát triển. Quốc hội sẽ biến các chủ trương đó thành pháp luật, chính sách và Chính phủ thực thi. Những chính khách tài giỏi thiết kế các chủ trương phát triển phải tập trung bên Đảng” – TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Ông đánh giá như thế nào về từ “cách mạng” mà Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban Chấp hành Trung ương đã nhấn mạnh nhiều lần để bày tỏ quyết tâm cải cách bộ máy chính trị?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Khi các nhà lãnh đạo nói đến cách mạng là gửi đến thông điệp rất mạnh mẽ và triệt để. Việc tinh giản bộ máy chính trị lần này không phải chuyện bình thường vì cách mạng khác cải cách.

Cách mạng là triệt để trong khi cải cách là sửa đổi những lỗi nhỏ thôi. Tổng Bí thư dùng từ “cách mạng” để phát đi một lời hiệu triệu cả bộ máy, cả xã hội và mọi tầng lớp nhân dân để làm được những việc lớn lao. Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc đều tuân thủ quán triệt tinh thần này.

a
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Khi sáp nhập với nhau, bộ máy sẽ giảm đi và liên thông chứ không còn cắt khúc, cát cứ như hiện nay. Ảnh: VietNamNet

Tổng Bí thư nói rõ ràng là Đảng không bao biện, làm thay. Thưa ông, cần làm như thế nào để đạt mục tiêu này?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: “Đảng không làm thay”, theo tôi, không có nghĩa là chúng ta chuyển đổi mô hình mà là hợp thức hóa và kỹ trị hóa mô hình xã hội chủ nghĩa. Bản chất là như vậy.

Khi phân định rõ như vậy sẽ thấy, Đảng quyết định những chủ trương, đường lối phát triển lớn. Quốc hội sẽ biến các chủ trương, đường lối đó thành pháp luật, chính sách; và Chính phủ thực thi.

Đi theo mô hình như vậy đòi hỏi kỹ trị, dù chưa dân chủ lắm nhưng nhờ đó Trung Quốc đã phát triển vượt lên.

Như vậy, những chính khách tài giỏi, năng lực và kiến thức để thiết kế các chủ trương phát triển đúng đắn phải tập trung vào bên Đảng.

Vì vậy, khi tinh giản bộ máy, điều đầu tiên Đảng sẽ xác định được đâu là những vấn đề làm cho bộ máy cồng kềnh. Sau đó phải xem nguyên nhân của vấn đề là gì thì mới đề ra giải pháp và phải chứng minh được là giải pháp này sẽ giải quyết được vấn đề đó.

Tiếp theo phải đánh giá tác động của giải pháp, bao gồm tác động đến kinh tế - xã hội, chi phí và kết quả của giải pháp đó ra sao. Đây là việc đầu tiên của quy trình chính sách.

Ông nhìn nhận như thế nào về chủ trương sáp nhập một số bộ ngành, ví dụ Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Về khung khái niệm, việc sáp nhập hai bộ là hoàn toàn hợp lý vì ngành giao thông và ngành xây dựng đều liên quan phát triển cơ sở hạ tầng.

Khi sáp nhập với nhau, bộ máy sẽ giảm đi và liên thông chứ không còn cắt khúc, cát cứ như hiện nay.

Ở các nước phát triển, người ta làm metro, xây dựng đường xá dễ dàng vì giao thông đi trước, xây dựng đô thị đi sau. Cơ sở hạ tầng làm xong sẽ giúp tăng chênh lệch địa tô rất cao, làm giá đất tăng. Nhà nước bán nhà thì đủ tiền làm metro, làm đường.

Còn nước ta phát triển ngược và rất bế tắc do giao thông không đi trước xây dựng. Người ta xây dựng nhà cửa, khu đô thị trước rồi mới nghĩ đến chuyện làm metro thì không làm được nữa vì giá đất đã lên rất cao, tiền đâu để đền bù đất, tiền đâu để xây metro!.

Vậy còn sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Việc này cũng tương đối hợp lý dù cũng có hai mặt. Lâu nay, ngành kế hoạch và đầu tư quyết định các dự án đầu tư công nhưng không chủ động được vốn, không biết có bao nhiêu tiền. Trong khi đó, ngành tài chính vừa thu ngân sách, vừa phải tìm cách chi trả vì đầu tư công là tiền ngân sách.

Phải chủ động được nguồn lực mới chủ động đầu tư được. Cơ chế hiện nay giữa hai bộ dẫn đến tình trạng, vì sao nhiều dự án kéo dài, dở dang như vậy. Đó là vì quá trình duyệt đầu tư bị tách khỏi chuyện có tiền hay không. Nếu sáp nhập, cơ quan mới sẽ biết có bao nhiêu nguồn lực để đầu tư, tránh được tình trạng có quá nhiều dự án, thiếu vốn, dang dở…

Tuy vậy, vấn đề tôi quan tâm là công tác hoạch định chiến lược phát triển, dự báo, tầm nhìn,... của quốc gia mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn làm là rất cần thiết nhưng lại không phải chức năng, nhiệm vụ của bộ mới.

Nhiệm vụ bây giờ phải xử lý công tác đó. Tôi cho rằng nên chuyển năng lực dự báo, hoạch định chính sách, công tác phát triển kinh tế ngành mũi nhọn, ngành công nghệ cao… về Ban Kinh tế Trung ương.

Tôi biết là Đảng muốn tiếp tục củng cố Ban Kinh tế Trung ương chứ không bỏ hay sáp nhập ban này vì trong hoàn cảnh hiện nay thì năng lực dự báo, hoạch định, giám sát… cần ở bên Đảng. Vấn đề là quyền lực nằm bên nào thì năng lực phải nằm bên đấy.

Vậy theo ông, cần làm như thế nào để thu hút được người tài vào bộ máy nhà nước?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Lâu nay, chúng ta quan niệm Bộ trưởng là tư lệnh ngành. Tức là, người vị trí đó phải điều hành từ việc lập kế hoạch đến việc thực hiện nó, điều mà ai cũng thấy là người đó không có đủ thời gian để làm được tất cả các việc đó.

Hơn nữa, điều hành là công việc chuyên môn và giờ đây các lĩnh vực trở nên đa ngành rồi, mở rộng ra vô cùng tận mà người tư lệnh ngành làm sao bao quát hết.

Như vậy, rõ ràng phải tách bạch giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ. Người làm bộ trưởng là hành pháp chính trị, khác với cấp làm hành chính công vụ.

Ví dụ, khi biểu quyết, người đó có phiếu tín nhiệm rất cao 100% nhưng lại không biết điều hành hệ thống giao thông thế nào để chống ùn tắc. Họ được đến 100% phiếu ủng hộ nhưng không thể làm được việc đó vì nó là việc chuyên môn, không phải việc chính trị.

Như vậy, nếu bắt ông Cục trưởng phụ trách giao thông phải là Bí thư thì dẫn đến tình trạng này: Những người có kỹ năng chính trị mới dành được chức đó, chứ còn những anh chuyên môn kỹ thuật, không có kỹ năng chính trị, thì rất khó. 

Làm thế nào để có phiếu là kỹ năng chính trị, còn làm thế nào để giải quyết được vấn đề giao thông là kỹ năng kỹ trị. Hai việc đó khác nhau. Hiện nay quy trình của chúng ta đang thiên về chọn người có kỹ năng chính trị nhiều hơn là có chuyên môn. 

Bộ máy Nhà nước thiếu những người kỹ trị, chuyên môn thì rất khó có hiệu lực, hiệu quả.

Đó là chưa kể, công việc của ông cục trưởng phải gấp đôi. Các bộ máy đi theo cũng phải gấp đôi, ở mọi cấp từ trung ương đến địa phương. Đây là chuyện rất lớn ở nước ta.

Ở nhiều nước có chức danh quốc vụ khanh ở cấp Bộ để điều hành công việc chuyên môn. Vị trí này không nhất thiết phải xuất hiện trước công chúng vì ông ấy không phải là chính khách.

Khi nhập các bộ với nhau tới đây, tôi cho rằng, cần tính đến chức danh này và các thiết chế để họ nắm giữ quyền lực công tương đối độc lập với chức danh chính trị.

Theo vietnamnet.vn


 

 

.
.
.