Thứ Hai, 20/01/2025, 09:11 (GMT+7)
.

Để thầy cô giáo và học sinh đón tết vui tươi, an toàn

Những ngày qua, việc chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang diễn ra vui tươi, phấn khởi. Kỳ nghỉ tết năm nay, học sinh của tỉnh được nghỉ học 11 ngày.

Với tinh thần đón tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã tăng cường các giải pháp, quán triệt tinh thần vui xuân, đón tết đến tất cả các cơ sở giáo dục.

Để hiểu rõ hơn về công tác chuẩn bị đón Tết cổ truyền của ngành GD-ĐT, Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang.

* Phóng viên (PV): Công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 được ngành GD-ĐT tỉnh triển khai như thế nào, thưa Tiến sĩ?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 được ngành GD-ĐT tỉnh chú trọng triển khai từ rất sớm. Sở GD-ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cho tất các cơ sở giáo dục, Phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành trong tỉnh.

Đến thời điểm này, hầu hết các bậc học đã cho học sinh thi kiểm tra cuối học kỳ I. Các trường đã tiến hành sửa bài, công bố điểm cho học sinh. Song song đó, các cơ sở giáo dục tùy vào điều kiện thực tế của đơn vị đã có những hoạt động vui xuân, đón tết vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm như tổ chức hội diễn văn nghệ, trại xuân…

* PV: Tiến sĩ có thể cho biết cụ thể là ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã có hướng dẫn như thế nào để các đơn vị vui xuân, đón tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Trẻ mầm non, học sinh phổ thông các bậc học trên địa bàn tỉnh sẽ bắt đầu nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 từ thứ năm ngày 23-1-2025 (nhằm ngày 24-12 năm Giáp Thìn 2024) đến hết chủ nhật ngày 2-2-2025 (nhằm mùng 5-1 năm Ất Tỵ 2025).

Quan điểm nhất quán của ngành GD-ĐT tỉnh là việc tổ chức các hoạt động đón Tết cổ truyền phải đáp ứng tiêu chí vui tươi, lành mạnh, an toàn, nhưng cũng phải tiết kiệm, tránh lãng phí. Theo đó, việc tổ chức tết không được xa hoa, lãng phí, phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không gây phản cảm trong dư luận xã hội.

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục chú trọng tuyên truyền về giá trị văn hóa truyền thống, giúp học sinh hiểu hơn về ý nghĩa của Tết Nguyên đán, từ đó giáo dục tính trân trọng, yêu quý những giá trị truyền thống của dân tộc.

Cán bộ quản lý của các đơn vị trường học phải tiếp tục quán triệt trong công chức, viên chức và học sinh về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh toàn ngành chấp hành nghiêm chỉnh những quy định pháp luật về an toàn giao thông.

Không tổ chức thăm, chúc tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định.

Nâng cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường để theo dõi, quản lý học sinh không tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, không chơi cờ bạc và vi phạm các tệ nạn xã hội. Nghiêm cấm công chức, viên chức và học sinh tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng pháo nổ.

Các đơn vị cần thông báo cụ thể lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh của cơ quan, đơn vị, thực hiện nghiêm túc việc phân công trực và bảo vệ cơ quan, trường học dịp nghỉ tết.

* PV: Công tác chăm lo tết cho cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành GD-ĐT được thực hiện ra sao, thưa Tiến sĩ?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Thời gian qua, ngành GD-ĐT luôn quan tâm đến đời sống của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Để chuẩn bị cho công tác đón Tết cổ truyền dân tộc nhằm giúp đội ngũ nhà giáo an tâm vui xuân, đón tết, các đơn vị phải kịp thời chi trả những khoản tiền lương, tiền thưởng và các chế độ chính sách liên quan cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Cùng với đó, căn cứ vào điều kiện thực tế, các đơn vị quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh. Tổ chức thăm hỏi cán bộ, giáo viên, các gia đình thuộc diện chính sách và những hoàn cảnh khó khăn để mọi người có điều kiện vui xuân, đón tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Các phần quà không chỉ là sự chia sẻ về mặt vật chất mà còn mang giá trị tinh thần, thể hiện sự quan tâm, ghi nhận đóng góp của các thầy cô trong sự nghiệp giáo dục. Với sự quan tâm của ngành GD-ĐT và toàn xã hội, tin tưởng rằng, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT tỉnh sẽ đón Tết Nguyên đán ấm áp, trọn vẹn.

Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) phối hợp Co.opmart Mỹ Tho tổ chức gian hàng yêu thương cho công đoàn viên, giáo viên nhà trường  nhân dịp Tết Nguyên đán 2025.
Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) phối hợp Co.opmart Mỹ Tho tổ chức gian hàng yêu thương cho công đoàn viên, giáo viên nhà trường nhân dịp Tết Nguyên đán 2025.

* PV: Công tác đón học sinh trở lại trường học sau Tết Nguyên đán 2025 được ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang tính toán và đưa ra giải pháp như thế nào?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Việc đảm bảo học sinh trở lại trường đúng thời gian quy định là nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025. Trước ngày tổ chức học sinh đi học trở lại, các trường cần vệ sinh trường lớp, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để sẵn sàng đón học sinh.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh về việc trở lại trường đúng lịch, tránh tình trạng nghỉ kéo dài cũng được chú trọng. Các cơ sở giáo dục thường xuyên nắm bắt tình hình học sinh, trong đó vai trò của giáo viên chủ nhiệm ở các khối lớp là rất quan trọng.

Trước ngày đi học trở lại, giáo viên chủ nhiệm cần thông báo ngày đi học, nắm bắt sĩ số, hướng dẫn, sốc lại tinh thần để các em có thể tự tin, vui tươi đến trường sau tết.

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

ĐỖ PHI (thực hiện)

.
.
.