.

Quyết tâm hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ cao tốc

Cập nhật: 06:52, 21/04/2025 (GMT+7)

Bộ Xây dựng vừa thông xe kỹ thuật 5 tuyến đường cao tốc để chuẩn bị đưa vào khai thác dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Đây là nỗ lực của ngành xây dựng hướng tới mục tiêu nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành 3.000km đường cao tốc trong năm 2025. Liệu mục tiêu đề ra có hoàn thành theo kế hoạch? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tiến độ 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và các tỉnh ĐBSCL?

a
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy

* Thứ trưởng NGUYỄN DANH HUY: Đến nay, khó khăn vướng mắc của các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được tháo gỡ, tiến độ triển khai bám sát kế hoạch đề ra. Bên cạnh 4 dự án được rút ngắn tiến độ để kịp khai thác dịp 30-4 (70km cuối tuyến Vân Phong - Nha Trang; Bãi Vọt - Hàm Nghi; Hàm Nghi - Vũng Áng; Bùng - Vạn Ninh), có 4 dự án thành phần (Vũng Áng - Bùng; Vạn Ninh - Cam Lộ; Hoài Nhơn - Quy Nhơn; Quy Nhơn - Chí Thạnh) sẽ thông xe vào cuối tháng 9 tới.

Riêng 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, do đi qua khu vực nền đất yếu, thời gian chờ lún dài, việc cung ứng vật liệu gặp nhiều khó khăn nên tiến độ chậm so với kế hoạch. Những người làm thực tế như chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ những thách thức khách quan này. Bộ Xây dựng đang quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu sử dụng giải pháp kỹ thuật để rút ngắn thời gian chờ lún, tổ chức thi công để hoàn thành vào cuối năm nay.

Thời gian qua, 2 vấn đề cản trở lớn nhất đối với tiến độ các dự án giao thông là giải phóng mặt bằng (GPMB) và vật liệu đắp nền. Xin Thứ trưởng cho biết, vai trò của các địa phương trong vấn đề này như thế nào?

* Thực tế triển khai các dự án giao thông từ trước tới nay, công tác GPMB và nguồn vật liệu là nút thắt chính. Nhận diện được vấn đề này, ngay từ khâu chuẩn bị dự án, Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) đã báo cáo, tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành các nghị quyết cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù trong GPMB, cấp phép, khai thác vật liệu. Nhờ vậy, công tác GPMB đã cơ bản được giải quyết, nguồn cung cấp vật liệu cũng đã thu xếp đủ, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Trong quá trình đó, các địa phương giữ vai trò then chốt và trực tiếp. Có nhiều khó khăn vướng mắc, nhưng với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm, nhất là sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp của địa phương, nên đã tháo gỡ, kịp tiến độ mục tiêu của các dự án.

Thực tế đã có những dự án đường bộ cao tốc bị xuống cấp ngay sau khi đưa vào khai thác. Vậy, công tác kiểm soát chất lượng các dự án ra sao?

* Trước hết, tôi xin khẳng định, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của chúng tôi đối với tất cả các dự án “chất lượng là sống còn, không đánh đổi chất lượng để lấy tiến độ”. Ngay từ khi khởi công các dự án, Bộ Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư nâng cao năng lực điều hành, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt là công tác quản lý chất lượng. Các chủ đầu tư cũng có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công xây dựng tuân thủ theo yêu cầu thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật của dự án.

Đối với đơn vị tư vấn thiết kế, Bộ Xây dựng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, đặc biệt là sự đầy đủ, tính chính xác các số liệu khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn và có giải pháp thiết kế phù hợp. Đối với đơn vị tư vấn giám sát, Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng thi công, đặc biệt là chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật liệu. Đối với nhà thầu thi công, Bộ Xây dựng yêu cầu chỉ huy trưởng công trường và các nhân sự của nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu về điều kiện năng lực. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm túc công tác nghiệm thu công trình.

a
Tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) được đưa vào khai thác từ 6 giờ ngày 20-4. Ảnh: HIẾU GIANG

Cùng với việc nối thông toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam và đường Hồ Chí Minh trong năm 2025, ngành xây dựng sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc trong giai đoạn tới như thế nào?

* Mục tiêu cả nước có trên 5.000km đường bộ cao tốc đến năm 2030 đã được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đến nay, cả nước có hơn 2.000km đường bộ cao tốc, đang thi công hơn 1.800km (trong đó đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành hơn 1.000km để đạt mục tiêu có hơn 3.000km), đã bố trí được vốn để triển khai hơn 500km. Như vậy, việc nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, đưa vào khai thác khoảng 700km trong giai đoạn 2026-2030 sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu 5.000km đã đề ra.

Việc sớm hoàn thành kế hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc sẽ giúp bảo đảm hình thành khung giao thông chính theo quy hoạch, góp phần kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương bố trí 6.500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để tham gia đầu tư dự án mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành (tương đương 40% tổng mức đầu tư). Đồng thời, bộ cũng kiến nghị giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam là cơ quan chủ quản, có trách nhiệm huy động phần vốn còn lại là 9.814 tỷ đồng (chiếm khoảng 60% tổng mức đầu tư) để thực hiện dự án.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.