Thứ Năm, 17/04/2025, 09:19 (GMT+7)
.

Vụ khởi tố đường dây sản xuất sữa bột giả: Phải có cơ chế hậu kiểm rõ ràng, hiệu quả!

Liên quan đến vụ việc công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, Bộ Y tế khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để có căn cứ pháp luật, truy cứu trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan. Nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý cũng bày tỏ đồng tình và đề xuất các hướng xử lý nghiêm hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, chống thực phẩm “bẩn”.

ThS-BS CK1 LÊ THUẬN LINH - Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM):

Không thể xác định sữa giả bằng mắt thường

Tác hại của sử dụng sữa giả trong thời gian dài rất khó lường. Người sử dụng sữa giả đối mặt với nhiều nguy cơ như: suy dinh dưỡng do thiếu năng lượng, đạm, vitamin khoáng chất; thừa cân béo phì do dư thừa thành phần dinh dưỡng không phù hợp nhưng thiếu đạm hoặc vi chất khác; có biểu hiện bệnh lý không ổn định. Sữa giả có thể nhiễm vi sinh vật gây ra tình trạng tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiêu hóa, viêm ruột cấp, nặng hơn có thể nhiễm trùng huyết dẫn đến sốc và tử vong.
Trong một số tình huống, nếu sữa giả nhiễm hóa chất độc hại như chì, melamine, formon sẽ gây tổn thương gan, thận, thần kinh. Đáng lo ngại, nhiễm độc mạn tính sẽ gây ảnh hưởng lâu dài hoặc có thể gây dị tật cho thai nhi ở phụ nữ mang thai.

Xác định sữa thật hay giả bằng mắt thường rất khó. Hiện tại cũng chưa có những xét nghiệm để đánh giá nguy cơ phát hiện độc chất trong cơ thể. Do đó, để đảm bảo an toàn, người dân nếu có nhu cầu nên ưu tiên chọn sữa có thương hiệu, uy tín, sản phẩm đã được sử dụng lâu trên thị trường; ưu tiên mua tại các đơn vị lớn, cửa hàng đại diện thương hiệu hoặc trung tâm thương mại, tránh mua qua các kênh không rõ nguồn gốc, tạp hóa nhỏ lẻ, các số điện thoại quảng cáo không có địa chỉ rõ ràng.

Riêng phụ nữ mang thai, trẻ em, người già cần cẩn trọng và nên tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng trước khi sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng. Với đối tượng đặc biệt như bệnh nhân nội trú hoặc người bệnh mạn tính chưa điều trị ổn định, bắt buộc phải được bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng sản phẩm dinh dưỡng, đảm bảo phù hợp tình trạng từng người và từng bệnh lý.

a
Lực lượng chức năng thu giữ một số mẫu sữa kém chất lượng tại Hà Nội

PGS-TS NGUYỄN DUY THỊNH - chuyên gia công nghệ thực phẩm, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội:

Trả lại niềm tin cho người tiêu dùng

Tôi bàng hoàng khi đường dây sữa bột giả bị cơ quan công an phát hiện và khởi tố! Hàng ngàn người tiêu dùng mua các loại sữa trên với mục tiêu bổ sung dinh dưỡng nhưng nhận về một sản phẩm giả. Sản phẩm đó đã không có lợi cho sức khỏe mà còn có thể nguy hại, rất thiệt thòi cho người tiêu dùng!

Tôi cho rằng, đây không chỉ là sự tham lam của gian thương mà còn là tội ác. Bởi lẽ, các loại sữa giả ghi rất rõ là dành cho người bệnh tiểu đường, phụ nữ mang thai, trẻ sinh non tháng, những người ở trạng thái rất dễ tổn thương và nguy cơ cao. Hành vi lừa đảo, bất chấp tất cả để có lợi nhuận cần phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Tuy nhiên, đường dây sữa bột giả cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng cũng như trách nhiệm của địa phương khi nó tồn tại trong thời gian rất dài - 4 năm. Vụ án sản xuất sữa bột giả có quy mô rất lớn, mức ảnh hưởng nặng nề đến hàng ngàn người tiêu dùng, nếu không giải quyết minh bạch sẽ khiến người dân mất lòng tin. Đồng thời, vụ việc cũng cho thấy các quy định trong lĩnh vực an toàn thực phẩm hiện chưa có sự phân quyền phân cấp rõ ràng, trách nhiệm còn chồng lấn, khi xảy ra chuyện lại không có người nhận trách nhiệm cụ thể.

a
Cơ quan công an kiểm tra kho sữa bột giả tại Hà Nội. Ảnh: QUỐC KHÁNH

Đại biểu Quốc hội PHẠM KHÁNH PHONG LAN:

Công tác hậu kiểm là then chốt

Các sản phẩm trong đường dây sữa bột giả là sữa có bổ sung vi chất, mục tiêu là dành cho người bệnh, do đó theo quy định sẽ thuộc nhóm phải đăng ký bản công bố sản phẩm. Theo quy định, hồ sơ công bố sản phẩm sẽ được doanh nghiệp nộp cho cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, tùy theo nhóm sản phẩm. Tuy nhiên, dù là sản phẩm công bố hay tự công bố thì vấn đề hậu kiểm cũng có vai trò rất quan trọng chứ không phải chỉ kiểm tra trên giấy tờ ban đầu.

Ví dụ, một trong những thủ tục cần thiết cho cả hai hình thức công bố nêu trên là phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm do doanh nghiệp cung cấp. Trên lý thuyết, có khả năng xảy ra tình huống doanh nghiệp lấy sản phẩm mang đi kiểm nghiệm không tương đồng với sản phẩm thực tế hoặc khi kiểm nghiệm thì tốt nhưng khi sản xuất lại có chất lượng khác. Như vậy, nếu doanh nghiệp làm hồ sơ “đẹp” để được cơ quan chức năng cấp phép rồi đến khi sản xuất không đảm bảo, thì khâu tiền kiểm khắt khe đến đâu cũng không mang lại quá nhiều ý nghĩa.

Do đó, giải pháp tốt nhất chính là hậu kiểm thông qua cơ chế thanh tra, kiểm tra. Hậu kiểm là then chốt trong việc giám sát, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm của doanh nghiệp. Nếu hậu kiểm không đúng, không đủ, thì mọi thứ đều trở nên vô nghĩa.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực thực phẩm còn hạn chế về nhân lực, vật lực, khối lượng công việc ngày càng nhiều. Lấy ví dụ, riêng TPHCM có gần 300.000 sản phẩm tự công bố và công bố, hậu kiểm là một khối lượng công việc rất lớn. Do đó, để công tác hậu kiểm hiệu quả thì phải có cơ chế phù hợp.

Tôi cho rằng, phải nhận thấy rõ thực tế, số lượng sản phẩm nhiều như vậy thì kiểm tra kiểm soát phải có cơ chế như thế nào, biên chế thanh tra, quyền lực thanh tra tới đâu cũng như kinh phí kiểm nghiệm mẫu như thế nào... Đó là câu chuyện xây dựng chính sách, thuộc về trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan!

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.