Thứ Ba, 08/04/2025, 23:50 (GMT+7)
.

Xử lý tài sản công sau sắp xếp: Bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính, trong đó đề cập rõ đến việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sáp nhập. TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) cho rằng, cần quán triệt tinh thần tiết kiệm, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí trụ sở, tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính các cấp.

a
Xử lý trụ sở, tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính các cấp. (Ảnh: chinhphu.vn)

Tại kỳ họp thứ 9 sắp tới, Quốc hội sẽ sửa Hiến pháp, sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã và bỏ cấp huyện. 63 tỉnh, thành phố sau sắp xếp dự kiến giảm khoảng 50%. Khi Quốc hội hoàn thành sửa Hiến pháp, cả nước sẽ không còn cấp hành chính quận huyện.

Với đơn vị cấp xã, hiện cả nước có 10.035, sau khi sắp xếp, sáp nhập sẽ giảm 60-70%. Đi cùng với việc giảm số lượng đơn vị hành chính các cấp, sẽ dôi dư trụ sở, tài sản công các cơ quan hành chính sau sáp nhập.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính, trong đó có đề cập đến việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sáp nhập (điều 14). Dự thảo nghị quyết đã được Bộ Nội vụ hoàn tất, Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) chia sẻ, một số quan điểm trong quá trình sắp xếp trụ sở, tài sản công dôi dư, tránh tham nhũng, lãng phí.

a
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội. (Ảnh: bvhttdl.gov.vn)

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính có đề cập rõ đến việc xử lý tài sản công sau sắp xếp, tinh giản bộ máy. Theo ông, điều gì cần đặc biệt lưu ý trong quá trình này?

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức: Trước hết, cần khẳng định, việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại tổ chức là một yêu cầu tất yếu từ thực tiễn phát triển đất nước. Trong quá trình đó, việc xử lý trụ sở, tài sản công cần tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật, bởi đây là tài sản của nhân dân.

Tài sản công phải được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Tuyệt đối tránh tình trạng sau khi sáp nhập lại xảy ra việc tẩu tán, bán rẻ tài sản hay sử dụng sai mục đích. Hiện nay, hệ thống pháp luật về tài sản công tương đối đầy đủ. Những vướng mắc sẽ tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung trong các kỳ họp Quốc hội tới.

Phóng viên: Sau sáp nhập, tình trạng dư thừa trụ sở là điều khó tránh. Vậy theo ông, cần có giải pháp gì để sử dụng hiệu quả tài sản công, tránh lãng phí?

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức: Việc sáp nhập chắc chắn dẫn tới nơi thừa, nơi thiếu trụ sở. Cần có phương án tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có. Thí dụ, khi nhiều xã, huyện hay tỉnh hợp nhất, quy mô tổ chức lớn hơn, trụ sở cũ có thể không đáp ứng. Khi đó, có thể mở rộng từ trụ sở cũ, hoặc chuyển đổi công năng phù hợp với nhu cầu địa phương.

Đối với các trụ sở không còn là trung tâm hành chính, cần sử dụng sao cho hiệu quả hạ tầng hiện hữu. Hiện Trung ương đã chỉ đạo kiểm kê tài sản công và các địa phương đang tiến hành báo cáo chi tiết. Tài sản không sử dụng được cho hành chính có thể tận dụng làm trường học, cơ sở y tế, văn hóa, giải trí. Việc thanh lý tài sản như máy móc, bàn ghế cũng phải đúng quy định, bảo đảm không thất thoát.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, nên ưu tiên chọn trung tâm hành chính ở nơi đã có hạ tầng thay vì xây mới sau sáp nhập để tiết kiệm chi phí. Ông nghĩ sao?

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức: Tôi đồng tình với quan điểm này. Phải quán triệt tinh thần tiết kiệm, tận dụng tối đa hạ tầng hiện có. Đất nước còn nghèo, không nên lãng phí nguồn lực vào xây dựng mới nếu chưa thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, cũng cần linh hoạt tùy điều kiện từng địa phương. Có nơi hạ tầng cũ không còn phù hợp thì mới tính đến phương án xây mới, nhưng tinh thần tiết kiệm, hiệu quả phải là nhất quán, như Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn thường nhấn mạnh.

Phóng viên: Theo ông, “chìa khóa” để việc xử lý tài sản công sau sáp nhập hiệu quả, tránh tiêu cực là gì?

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức: Tinh thần xuyên suốt là tiết kiệm tối đa, sử dụng hiệu quả. Mục tiêu cuối cùng là tập trung nguồn lực cho phát triển, bảo đảm đời sống, sản xuất, kinh doanh, đạt các mục tiêu tăng trưởng - ít nhất 8% vào năm 2025 và cao hơn những năm sau.

Nếu sáp nhập mà làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống thì đi ngược tinh thần cải cách. Muốn làm được, cần sự đồng thuận từ cán bộ, đảng viên đến người dân. Đồng thời, phải công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện để người dân và các đoàn thể cùng giám sát, hạn chế tình trạng lợi dụng việc sáp nhập để thanh lý, bán rẻ tài sản công.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo nhandan.vn


 

 

.
.
.