Thứ Tư, 28/08/2013, 12:39 (GMT+7)
.

Công tác tuyển quân ở TG:Nhiều cách làm sáng tạo và đi vào nền nếp

Lực lượng vũ trang Tiền Giang vừa được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong thành tích chung đó có công tác tuyển quân. Với những cách làm sáng tạo, ngày càng cải tiến phù hợp hoàn cảnh và yêu cầu thực tiễn, công tác tuyển quân ở Tiền Giang đã thực sự đi vào nền nếp và trở thành nhiệm vụ chung của toàn xã hội.

Đại tá Nguyễn Văn Châu, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang động viên thanh niên lên đường nhập ngũ.
Đại tá Nguyễn Văn Châu, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang động viên thanh niên lên đường nhập ngũ.

Thượng tá Võ Chiến Thắng, Trưởng Ban Quân lực, Bộ Chỉ huy Quân sự  (CHQS) tỉnh cho biết: Từ khi có Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) đến nay, tỉnh không chỉ bảo đảm chỉ tiêu số lượng công tác tuyển quân, mà còn bảo đảm chất lượng; thực hiện đúng yêu cầu “Công khai, dân chủ, công bằng, đúng luật”. 10 năm liền ở tỉnh không có đơn, thư thắc mắc, khiếu nại, tố cáo.

Với những cách làm mới, sáng tạo, Tiền Giang trở thành một trong những tỉnh đứng đầu về công tác tuyển quân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình “Hội trại tòng quân” do Tiền Giang sáng tạo từ năm 1980, đến nay nhiều tỉnh trong Quân khu 9 vẫn còn áp dụng. Mô hình “Liên hoan tại nhà, tiễn đưa tại xã, giao quân tại huyện” cũng do Tiền Giang sáng tạo từ năm 1999, nay càng chứng minh tính đúng đắn và sự cần thiết của nó.

Đại tá Cao Văn Mĩa, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: Điều tâm đắc nhất trong công tác tuyển quân ở Tiền Giang là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Từ cấp ủy, chính quyền, đến các ngành, đoàn thể các cấp đều thực hiện nhiệm vụ này một cách tận tâm, tận lực; thể hiện tinh thần cộng đồng trách nhiệm rất rõ.

Có được như vậy, trước tiên là nhờ những chuyển biến tích cực trong ý thức trách nhiệm của lãnh đạo các ngành về nhiệm vụ quốc phòng, nhưng tìm được một giải pháp thích hợp mới là yếu tố quan trọng. Công tác tuyển quân đưa vào mục tiêu thi đua Nhà nước, dành cho khối các huyện, thành, thị trong tỉnh. Trong đó nói rõ: Tuyển quân phải đạt 100% chỉ tiêu, không có thanh niên “3 chống” (chống đăng ký NVQS, chống khám sức khỏe, chống lệnh gọi nhập ngũ); ưu tiên tuyển thanh niên có học vấn cao; thanh niên có chuyên môn kỹ thuật và cử tuyển đảng viên tham gia xây dựng quân đội…

Điều này làm cho công tác tuyển quân ở Tiền Giang tiến lên một bước khá xa, trở thành nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, bởi kết quả của nó có liên quan trực tiếp đến thành tích chung của mỗi địa phương.

Các nữ sinh cài hoa tại Lễ tiển đưa thanh niên lên đường nhập ngũ. Ảnh: Lê Tiễn
Các nữ sinh cài hoa tại Lễ tiển đưa thanh niên lên đường nhập ngũ. Ảnh: Lê Tiễn

Có thể nói, mô hình “Liên hoan tại nhà, tiễn đưa tại xã, giao quân tại huyện” đã góp phần làm cho không khí ngày lên đường bảo vệ Tổ quốc thêm thiêng liêng, trang trọng; khơi dậy lòng tự hào trong gia đình và thanh niên trúng tuyển. Đây cũng là dịp hứa hẹn, giao kết giữa người đi và người ở lại. Liên hoan tại nhà tạo không khí rất ấm áp, nghĩa tình bởi sự có mặt của họ hàng thân tộc, bà con lối xóm và các đoàn thể xã, ấp. Mỗi người đem tới một món quà, ít bánh trái, gà vịt …

Tình cảm chứa chan trong từng món quà, từng lời dặn dò, hứa hẹn… Tất cả như một khế ước bất thành văn, một thứ nợ tình cảm, nợ lòng tin làm cho người đi phải sống xứng đáng, dù khó khăn, gian khổ thế nào cũng không chùn bước.

Lễ tiễn đưa tại xã do cơ quan quân sự và Đoàn Thanh niên làm nòng cốt, với sự phối hợp của Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh. Trước đây, lễ tiễn đưa tổ chức trước ngày giao quân từ 1 - 2 ngày, nhưng từ năm 2011 đến nay tỉnh chủ trương tổ chức lễ tiễn đưa cùng dịp trao lệnh gọi nhập ngũ, để gia đình và thanh niên khỏi phải đi lại nhiều lần.

Lễ tiễn đưa do chủ tịch UBND xã, phường - là Chủ tịch Hội đồng NVQS - chủ trì; các thành viên Hội đồng NVQS xã dự đủ. Thanh niên trúng tuyển tự hào trong bộ quân phục mới, nghe chủ tịch UBND xã phát biểu dặn dò; các đoàn thể động viên, tặng quà; đại diện thanh niên hứa hẹn; rồi được các em nữ sinh cài hoa, cùng chụp ảnh lưu niệm…

Cơ quan thường trực Hội đồng NVQS tỉnh cho biết: Dù công tác tuyển quân đã đi vào nền nếp, nhưng luôn được cấp ủy, chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm. Tuyển quân hàng năm, nơi nào cũng ra nghị quyết chuyên đề, cũng tổ chức “điểm” để rút kinh nghiệm. Trong lễ tiễn đưa, lễ giao nhận quân, các địa phương không chỉ chú trọng về nội dung, mà còn quan tâm đến hình thức, làm cho buổi lễ vừa trang trọng, vừa sôi nổi, khí thế.

Các cơ quan là thành viên Hội đồng NVQS đã phát huy tốt vai trò, chức năng của mình. Khi thanh niên đã giao cho các đơn vị, trong thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, những dịp lễ, tết - nhất là lễ tuyên thệ chiến sĩ mới, các địa phương lại tổ chức đoàn đi thăm, tặng quà. Khi hết thời gian phục vụ tại ngũ, ngày xuất ngũ cũng được chính quyền, đoàn thể và nhân dân tổ chức đón tiếp, tạo điều kiện ổn định cuộc sống.

Số quân nhân hoàn thành NVQS trở về có bước trưởng thành vượt bậc cả về thể chất và tinh thần; nhiều người đã trở thành đảng viên. Cụ thể như, năm 2010 tỉnh tuyển 20 đảng viên vào quân đội; sau 18 tháng học tập, rèn luyện, năm 2012 tỉnh đón quân nhân xuất ngũ trở về, trong đó có 146 đảng viên.

Tuy vậy, công tác tuyển quân vẫn còn những việc khó. Do cuộc sống, nhiều thanh niên đi làm ăn xa, nên địa phương khó quản lý, khó thực hiện các quy trình, nhất là thực hiện “3 gặp, 4 biết”. Trong khi yêu cầu về sức khỏe của thanh niên nhập ngũ ngày càng cao, thì bản thân thanh niên chưa có ý thức rèn luyện, giữ gìn sức khỏe, vì vậy các địa phương phải điều khám số lượng lớn gấp nhiều lần so với chỉ tiêu, làm lãng phí về thời gian và tiền bạc.

NGỌC THỦY

.
.
.